Tàu hàng cập cảng Chân Mây

Tàu hàng cập cảng Chân Mây

Nhiều hỗ trợ cho hoạt động xuất nhập cảnh hàng hóa tại cảng Chân Mây

0:00 / 0:00
0:00
Tỉnh Thừa Thiên Huế đang triển khai nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng nhằm tăng lượng hàng hoá qua cảng Chân Mây.

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế nhận định, trong xu thế hội nhập toàn cầu như hiện nay, logistics là một trong những nhân tố chính để xác định tính cạnh tranh của một nền kinh tế nói chung và ngành công nghiệp nói riêng.

Theo đó, logistics là nhân tố quan trọng trong toàn bộ quá trình sản xuất công nghiệp của mỗi địa phương. Và cảng biển là khâu cung ứng quan trọng nhất trong chuỗi cung ứng logistics phục vụ ngành công nghiệp, khi hầu hết nguyên vật liệu, sản phẩm đầu ra được vận chuyển bằng đường biển.

Nhằm khuyến khích, thu hút các hãng tàu container và các doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập hàng hóa đến làm hàng tại cảng Chân Mây, ngoài những chính sách ưu đãi chung, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Nghị quyết số 18/2022/NQ-HĐND ngày 7/9/2022 và Nghị quyết 25/2022/NQ-HĐND ngày 8/12/2022 về thí điểm một số chính sách hỗ trợ các hãng tàu biển mở tuyến vận chuyển container và các đối tượng có hàng hóa vận chuyển bằng container đi, đến cảng Chân Mây.

Theo đó, các chính sách hỗ trợ được thí điểm đó là: Đối với hãng tàu biển, đại lý hãng tàu được phép hoạt động kinh doanh vận chuyển container theo quy định và thực hiện trả hàng hoặc bốc hàng tại cảng Chân Mây theo tuyến với tần suất tối thiểu 2 chuyến cập cảng mỗi tháng: Mức hỗ trợ 210 triệu đồng/chuyến cập cảng.

Đối với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có hàng hóa vận chuyển bằng container đi, đến Cảng Chân Mây, tỉnh Thừa Thiên Huế (trừ hàng tạm nhập tái xuất, hàng hóa quá cảnh), mức hỗ trợ cụ thể: Đối với container 20 feet là 800 nghìn đồng/container; Đối với container 40 feet là 1,1 triệu đồng/container.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Quý Phương cho biết, hiện nay, lượng hàng hoá qua cảng Chân Mây ngày càng tăng cao, dự kiến năm 2023, lượng hàng thông qua cảng khoảng 4 - 4,5 triệu tấn. Việc khu bến Chân Mây được khai thác tàu container, cùng với chính sách hỗ trợ của tỉnh đối với các hãng tàu, doanh nghiệp có hàng container qua cảng, lượng hàng hóa của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh qua cảng dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh. Cùng với việc khai thác nguồn hàng từ Lào và Đông Bắc Thái Lan và các nước trong khu vực, dự báo đến năm 2030, lượng hàng hóa qua cảng Chân Mây khoảng 20-25 triệu tấn/năm.

Theo ông Phương, để chuẩn bị cơ sở hạ tầng nhằm đáp ứng nhu cầu lớn như trên, khu bến Chân Mây đã được triển khai đầu tư xây dựng 3 cầu cảng với tổng chiều dài 910 m, khả năng thông quan hàng hóa từ 5- 6 triệu tấn/năm. Bến số 4, 5 đã được cấp phép đầu tư, hiện đang trong quá trình triển khai đầu tư, xây dựng. Các bến 7 đến 12 đang được tỉnh tập trung kêu gọi đầu tư.

Trong thời gian qua, được sự quan tâm, chỉ đạo của HĐND, UBND tỉnh, dự án Đê chắn sóng cảng Chân Mây cũng đã được đầu tư hoàn thành giai đoạn 1 với chiều dài 450m và hiện đang tiếp tục đầu tư giai đoạn 2 với chiều dài 300m, dự kiến hoàn thành vào quý IV/2025. Dự án được kỳ vọng sẽ góp phần hỗ trợ để các tàu làm hàng ổn định, an toàn trong các điều kiện thời tiết không thuận lợi.

“Với mục tiêu đẩy mạnh xây dựng, phát triển đồng bộ hạ tầng cơ sở cảng Chân Mây, trong thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã tập trung nguồn lực để đầu tư đồng bộ hệ thống giao thông đối nội, đối ngoại tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa lưu thông đến cảng Chân Mây.

Hiện nay, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh cũng đang tập trung tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án logistics tại khu vực KT1, KT2 cảng Chân Mây với quy mô khoảng 43,6 ha, dự kiến hoàn thành công tác đấu giá trong tháng 12/2023 và một số dự án hạ tầng kho bãi, logistic khác nhằm hoàn thiện hệ thống kho, bãi, các công trình hạ tầng kỹ thuật liên quan phục vụ cho việc phát triển cảng Chân Mây theo hướng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu của các hãng tàu, nhu cầu của doanh nghiệp”, ông Phương cho biết.

Tin bài liên quan