Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại cuộc họp.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại cuộc họp.

Nhiều hạng mục của Sáng kiến chung Việt - Nhật được triển khai hiệu quả

Kết quả nổi bật này được đưa ra tại cuộc họp cấp cao Ủy ban hỗn hợp đánh giá cuối kỳ Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản giai đoạn VII diễn ra chiều 12/12 tại Hà Nội.

Cuộc họp do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Kunio Umeda và các đồng chủ tịch Ủy ban Kinh tế Việt Nam - Nhật Bản thuộc Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản (Keidanren) chủ trì.

Sau 17 tháng triển khai từ tháng 8/2018 đến tháng 12/2019, Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản giai đoạn VII ghi nhận nỗ lực tích cực của hai bên để thực hiện tốt Kế hoạch hàng động sáng kiến giai đoạn này.

Đã có 38 cuộc đối thoại chính sách giữa các cơ quan có liên quan của Việt Nam với phía Nhật Bản được tổ chức nhằm trao đổi, thảo luận về nội dung Kế hoạch hành động. Nhiều khuyến nghị chính sách mang tính xây dựng của phía Nhật Bản đã được các bộ, ngành liên quan tiếp thu hoặc ghi nhận, tiếp tục nghiên cứu để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét trong quá trình hoàn thiện luật pháp, chính sách, cũng như tổ chức thực thi.

Theo đánh giá của Ủy ban hỗn hợp Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản, tất cả 52 hạng mục trong Kế hoạch hành động giai đoạn 7 đều được triển khai hiệu quả hoặc đang được triển khai. Trong đó, 44 hạng mục đã được triển khai hiệu quả và đúng tiến độ, 8 hạng mục khác đang triển khai nhưng chậm tiến độ.

Các hạng mục được hoàn thành tốt gồm các vấn đề liên quan đến dịch vụ, cải thiện cơ chế tư pháp, luật đất đai, khung chính sách về đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP), phát triển công nghiệp hỗ trợ, lao động – tiền lương, hoàn thiện hệ thống pháp luật về xây dựng đường ống dẫn khí trong vùng đô thị và vùng ven đô, cải cách doanh nghiệp nhà nước và thị trường chứng khoán.

Các hạng mục đang triển khai nhưng chậm tiến độ chủ yếu liên quan đến các nhóm vấn đề về quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài trong Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai và pháp luật khác liên quan đến đầu tư, kinh doanh. Dù được đánh giá chậm tiến độ, song nội dung cụ thể của từng hạng mục được hai bên đánh giá tích cực.

Nguyên nhân chính của việc chậm tiến độ là do phía Nhật Bản cần thêm thời gian để cung cấp tài liệu và thu thập đủ thông tin để gửi các cơ quan phía Việt Nam. Ngoài ra, một số nội dung liên quan đến việc hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật (nghị định, luật) hoặc những vấn đề mang tính chủ trương, đòi hỏi cần thêm thời gian để xử lý và tiếp tục nghiên cứu.

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận định, việc thực hiện Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản là điều thiết thực cho Việt Nam, giúp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hoàn thiện thể chế chính sách để thu hút đầu tư một cách hiệu quả.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, phát triển công nghiệp công nghiệp hỗ trợ là vấn đề khó, dù nhiều chính sách đã được ban hành và triển khai. Do đó, rất mong phía Nhật Bản đồng hành và hỗ trợ phát triển, nâng cao năng lực công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam.

Đối với vấn đề thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao mà phía Nhật Bản nêu, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, đây là vấn đề đặt ra thách thức lớn cho Việt Nam. Thực tế, lực lượng lao động Việt Nam rất dồi dào, nhưng số lượng lao động được đào tạo có tay nghề, có chứng chỉ từ 3 tháng trở lên còn rất thấp.

Do vậy, ngoài nỗ lực hơn nữa của khu vực trong nước để tăng cường đào tạo cho lao động Việt Nam, rất cần doanh nghiệp và Chính phủ Nhật Bản đồng hành cùng phía Việt Nam để giải quyết thách thức này, bằng cách trực tiếp tham gia đào tạo lao động Việt Nam để cung cấp ngay cho doanh nghiệp Nhật Bản.

“Nếu làm được điều trên thì Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản càng thêm ý nghĩa”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu.

Trải qua hơn 16 năm và các giai đoạn thực hiện, về cơ bản Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản đã đặt được các mục tiêu đề ra, nhất là mục tiêu cải thiện môi trường đầu tư và tăng cường khả năng cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam.

Trên cơ sở kết quả đạt được thời gian qua, hai bên thống nhất về nguyên tắc sẽ tiếp tục hợp tác, triển khai Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản giai đoạn 8 với phương pháp tiếp cận, cách thức triển khai mới phù hợp với thực tế.

Ngoài các nhóm vấn đề doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm, giai đoạn 8 cũng đề cập tới những vấn đề vĩ mô gắn với các khuyến nghị chính sách lớn, khả thi, góp phần cải thiện môi trường đầu tư Việt Nam, đẩy mạnh hơn nữa đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam và củng cố mối quan hệ hợp tác song phương.

Tin bài liên quan