Phó thủ tướng Trần Hồng Hà báo cáo hướng giải quyết những vấn đề nóng được đại biểu Quốc hội, cử tri quan tâm Ảnh: Đ.T
Khơi thông các nguồn lực cho phát triển
Sáng 6/6, sau phần trả lời của 4 vị bộ trưởng, trưởng ngành, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã báo cáo hướng giải quyết những vấn đề nóng được đại biểu Quốc hội, cử tri quan tâm.
Lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh, nhận thức được tầm quan trọng trong việc giải quyết những vấn đề vướng mắc đặt ra từ thực tiễn, khơi thông các nguồn lực cho phát triển, trong thời gian qua, Chính phủ đã tập trung cao độ để hoàn thành việc xây dựng các văn bản dưới luật của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng.
Đến nay, các văn bản quy định chi tiết đã đủ điều kiện ban hành. Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp này Luật sửa đổi điều khoản thi hành cho phép các luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2024 (sớm hơn 5 tháng).
Chính phủ cũng đề xuất xem xét thông qua các nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất mà đất đó không phải là đất ở; phân cấp cho chủ tịch UBND cấp tỉnh phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh và Kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh.
Đồng thời, Chính phủ đề xuất bổ sung vào Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 Dự án Luật sửa đổi đổi Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách, Luật Thuế.
“Đây là những giải pháp đặc biệt quan trọng để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hiện nay. Chính phủ mong muốn được Quốc hội ủng hộ để góp phần hoàn thành các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2012-2025”, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Về những vấn đề được nhiều đại biểu nêu trong các phiên thảo luận, trong đó có giải pháp ổn định thị trường vàng, Phó thủ tướng nói, từ ngày 3/6/2024, Ngân hàng Nhà nước chủ động bán vàng thông qua hệ thống 4 ngân hàng thương mại nhà nước. Kết thúc phiên ngày 5/6/2024, giá vàng SJC đã giảm, bán ra ở mức 77,98 triệu đồng/lượng (giảm 1 triệu đồng/lượng so với ngày 4/6).
Thời gian tới, Phó thủ tướng cho biết, Chính phủ chỉ đạo tập trung nghiên cứu, chủ động phản ứng chính sách kịp thời, triển khai quyết liệt các giải pháp bình ổn thị trường vàng, bảo đảm sử dụng các công cụ điều hành của Nhà nước hiệu quả, hiệu lực, kịp thời. Sửa đổi, bổ sung Nghị định số 24/2012/NĐ-CP phù hợp với bối cảnh tình hình mới, bảo đảm thị trường vàng phát triển ổn định, lành mạnh, minh bạch, hiệu quả, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, ngăn chặn tình trạng vàng hóa nền kinh tế.
Trước Quốc hội, lãnh đạo Chính phủ cũng khẳng định sẽ triển khai hiệu quả Quy hoạch Điện VIII; sớm hoàn thiện các cơ chế, chính sách mới về điện. Bảo đảm an ninh năng lượng, không để thiếu điện, xăng dầu trong mọi tình huống.
Đẩy mạnh cơ cấu lại các ngành công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo. Đề xuất các cơ chế, chính sách đột phá nhằm thu hút đầu tư vào các lĩnh vực mới nổi như công nghiệp năng lượng tái tạo; công nghiệp đường sắt cao tốc; khai thác, chế biến một số loại khoáng sản chiến lược; nghiên cứu - phát triển, ứng dụng vật liệu mới; công nghiệp chip bán dẫn; công nghiệp công nghệ thông tin, công nghiệp nội dung số, dự án FDI quy mô lớn, công nghệ cao. Có các cơ chế thúc đẩy, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chuyển giao công nghệ, nội địa hóa, phát triển chuỗi giá trị trong nước. Tiếp tục thúc đẩy, khuyến khích doanh nghiệp FDI mở rộng hệ thống nhà cung cấp nội địa, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng, cũng là nội dung được Phó thủ tướng đề cập.
Việt Nam có cơ hội tham gia sâu ngành công nghiệp bán dẫn
Thời gian dành cho Phó thủ tướng trực tiếp trả lời chất vấn chỉ hơn 1 giờ, ít hơn nhiều so với các vị trước đó, song có tới 52 đại biểu đăng ký chất vấn.
Việt Nam có cơ hội tham gia ngành công nghiệp bán dẫn hay không là chất vấn của đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) dành cho Phó thủ tướng. Bà Nga nêu vấn đề, hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới tập trung vào ngành công nghiệp bán dẫn và có sự phát triển vượt bậc. Vậy Phó thủ tướng đánh giá như thế nào về cơ hội tham gia ngành công nghiệp hấp dẫn này của Việt Nam? Việt Nam cần có những giải pháp gì để thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ phục vụ phát triển ngành công nghiệp bán dẫn?
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà trả lời, Việt Nam là nước có nhiều lợi thế, trong đó, kinh tế số vừa qua phát triển nhanh với tốc độ tăng trưởng 12-15%/năm.
Người Việt cũng có nhiều tố chất (yêu toán, khéo léo…) để tham gia ngành này. Cùng với đó, việc đào tạo các chuyên ngành liên quan công nghệ thông tin, vật lý, vật liệu… vừa qua cũng được chú trọng.
“Việt Nam có cơ hội tham gia sâu ngành công nghiệp bán dẫn”, lãnh đạo Chính phủ nhận định.
Tuy vậy, để tận dụng cơ hội này, theo Phó thủ tướng, cần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Chính phủ đã phê duyệt đề án đào tạo nhân lực trong ngành công nghệ thông tin, với mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư công nghệ để đáp ứng nhu cầu.
Phó thủ tướng cũng lưu ý, cần chú trọng đào tạo lại, đào tạo tại chỗ các kỹ sư để họ tiếp cận ngay, tham gia chuỗi sản xuất ở các khâu như đóng gói, kiểm chuẩn… Cùng với đó là đào tạo chuyên sâu để họ tham gia các khâu sản xuất chuyên sâu hơn, cốt lõi.
“Chính phủ đã có chủ trương chọn các trường đại học, xây dựng trung tâm chip bán dẫn, đầu tư phòng lab hiện đại… để tận dụng các cơ hội tham gia sâu chuỗi sản xuất lĩnh vực công nghệ cao này. Đồng thời, đưa ra các chính sách, cơ chế thu hút doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ chip, bán dẫn”, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà nói.
Còn về lâu dài, Phó thủ tướng cho rằng, cần chính sách để Việt Nam có thể xây dựng, nghiên cứu sâu hơn về công nghệ lõi - lĩnh vực mà các nước phát triển đều nắm bản quyền, không chuyển giao.
Phát biểu tranh luận, đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) cho rằng, Phó thủ tướng mới nêu lên tiềm năng, nhưng vấn đề là làm sao biến tiềm năng thành lợi thế để thu hút nhà đầu tư đến Việt Nam, khi mà nhiều nước như Trung Quốc, Hàn Quốc đã bỏ ra nhiều tỷ USD hỗ trợ ngành công nghiệp bán dẫn này?
Hồi âm đại biểu Tạ Văn Hạ, Phó thủ tướng cho hay, về lâu dài, nắm bắt tất cả các khâu “là cả vấn đề”, Thủ tướng chỉ đạo sẽ đầu tư một số trung tâm khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để làm chủ các bước từ ban đầu.
Cũng trực tiếp chất vấn, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam định) đánh giá, Chính phủ đã nỗ lực kiểm soát lạm phát, nhưng áp lực điều hành lạm phát vẫn rất lớn, nhất là khi cải cách tiền lương từ ngày 1/7. Bà Hoa đề nghị Phó thủ tướng cho biết công tác điều hành giá trong thời gian tới để đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát.
Trả lời, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà nói, lạm phát liên quan nhiều đến các mặt hàng thiết yếu. Việt Nam lại là nền kinh tế mở, nên nhiều vật tư, nguyên liệu phải nhập khẩu từ thị trường thế giới. Trong khi đó, Việt Nam đang thực hiện nhiều gói kích cầu phát triển kinh tế và chuẩn bị tăng lương. Theo Phó thủ tướng, đây “có thể là nguyên nhân” ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô và ảnh hưởng đến việc kiểm soát lạm phát.
Ông Hà cho biết, vừa qua, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành triển khai quyết liệt nhiều giải pháp nhằm đảm bảo sản xuất, cung ứng, phân phối. Nhiều mặt hàng Chính phủ quản lý về giá đã có điều chỉnh với lộ trình phù hợp, như giải pháp xử lý giá vàng để đạt mục đích kiểm soát ổn định giá trị đồng tiền.
Nếu điều chỉnh nhịp nhàng giữa tăng trưởng kinh tế với lạm phát, kết hợp hoàn hảo giữa chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa, thì theo Phó thủ tướng, hoàn toàn có thể điều chỉnh được giá.
Thủ tục hành chính vẫn là "cỗ xe ì ạch" cản trở sự phát triển
Chất vấn Phó thủ tướng Trần Hồng Hà, đại biểu Trần Văn Minh (Quảng Bình) phản ánh, dư luận cho rằng, thủ tục hành chính vẫn là “cỗ xe ì ạch” cản trở sự phát triển. Đại biểu Minh đề nghị Phó thủ tướng cho biết những điểm nhấn mà Chính phủ đã làm được trong thời gian qua và thứ tự các nội dung cải cách cần ưu tiên trong thời gian tới.
Hồi âm, Phó thủ tướng cho biết, đang kiện toàn lại các cơ quan quản lý, giảm đi phần lớn các tổng cục để giảm cơ quan trung gian, từ đó giảm thủ tục hành chính. Chính phủ đã họp trực tuyến, giải quyết thủ tục trực tuyến, đề ra mục tiêu giải quyết thủ tục trực tuyến trên cấp độ 4. Thủ tướng đã yêu cầu cắt giảm tuyệt đối các thủ tục, hướng tới nhiều bộ thủ tục trong một dự án sẽ tích hợp trong một bộ thủ tục.