Tháng 5/2023, UBND TP.HCM phải thành lập Tổ công tác đầu tư nghiên cứu phát triển không gian ngầm khu vực trung tâm Thành phố, do rất nhiều dự án có công trình ngầm đang gặp vướng mắc.
Trường đua Phú Thọ (quận 11) có diện tích 444.540 m2, quy hoạch không gian ngầm làm bãi đậu xe, khu thương mại dịch vụ. Khi Dự án chuẩn bị triển khai các công trình ngầm, thì bộc lộ nhiều bất cập liên quan đến việc kết nối với các công trình ngầm xung quanh, như nhà ga Tuyến metro số 5.
Cũng gặp vướng mắc về không gian ngầm là Dự án Bãi đậu xe ngầm sân khấu Trống Đồng (quận 1) do chồng lấn với ranh nhà ga ngầm của Tuyến metro số 2. Đại diện Công ty TNHH Tập đoàn Đông Dương, chủ đầu tư dự án này cho biết, trong quá trình điều chỉnh quy hoạch Dự án để tránh chồng lấn với ranh nhà ga Tuyến metro số 2, Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM yêu cầu thay đổi hoàn toàn bản quy hoạch đã được phê duyệt năm 2015, do đó, Công ty không đồng ý việc xóa sạch các thủ tục pháp lý trước đó để làm lại từ đầu. Việc điều chỉnh quy hoạch là một phần nguyên nhân khiến Dự án chậm tiến độ 10 năm, đến nay vẫn chưa khởi công.
Do không có quy hoạch tổng thể không gian ngầm, nên các dự án khi làm công trình ngầm đều gặp vướng mắc, nhất là việc kết nối với các dự án xung quanh.
Trên thực tế, từ nhiều năm trước, UBND TP.HCM đã đặt ra vấn đề và tiến hành nghiên cứu để xây dựng quy hoạch tổng thể không gian ngầm. Tuy nhiên, sau nhiều năm, việc này vẫn chưa thực hiện được.
Mới đây, UBND TP.HCM có báo cáo gửi Quốc hội về công tác quy hoạch trên địa bàn Thành phố kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành (năm 2017). Trong đó, công tác quy hoạch ngầm gặp rất nhiều nhiều vướng mắc.
Cụ thể, việc xây dựng dữ liệu công trình ngầm gặp khó khăn do dữ liệu được nhiều ngành quản lý. Hiện trạng hạ tầng ngầm được xây dựng qua nhiều thời kỳ, thiếu tài liệu lưu trữ; việc khảo sát, điều tra hiện trạng mạng lưới công trình ngầm cần chi phí lớn...
UBND TP.HCM cũng cho rằng, việc lập quy hoạch không gian ngầm còn mới đối với Việt Nam, hiện chưa có hướng dẫn chi tiết về nội dung thực hiện, thiếu hướng dẫn về phương pháp lập quy hoạch; nội dung quy hoạch không gian ngầm còn chung chung...
Chuyên gia Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, hiện nay, không gian ngầm tại TP.HCM kết nối rất rời rạc, vì vậy, cần tính toán kết nối tầng ngầm các công trình tư nhân vào không gian ngầm công cộng khác để mang lại hiệu quả.
Ông Sơn góp ý, Thành phố cần mở rộng không gian ngầm từ phố đi bộ Nguyễn Huệ qua Khu đô thị mới Thủ Thiêm, để tạo kết nối trực tiếp giữa khu trung tâm hiện hữu và khu trung tâm mới. “Thành phố cần khai thác không gian ngầm dưới toàn bộ đường Nguyễn Huệ giúp kết nối các nhà ga metro đi thẳng qua Thủ Thiêm”, ông Sơn đề xuất.
Liên quan đến vấn đề quy hoạch không gian ngầm của TP.HCM, đại diện Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM cho biết, Sở đang nghiên cứu quy hoạch không gian ngầm cho khu trung tâm mới, bao gồm khu trung tâm (930 ha) và khu đô thị mới Thủ Thiêm. Quy hoạch không gian ngầm đang nghiên cứu sẽ là quy hoạch độc lập với quy hoạch TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.