Dự án… việt vị chiều cao
Hơn một năm nay, từ khi Đà Nẵng chủ trương tạm dừng cấp phép các dự án xây dựng cao tầng ở hai quận trung tâm Hải Châu và Thanh Khê, mật độ xây dựng các công trình cao tầng đã giảm đi thấy rõ. Rất ít dự án được cấp mới, trong khi các dự án đã cấp phép từ trước phải tạm dừng để chờ những động thái từ các cơ quan quản lý nhà nước.
Điển hình là Dự án condotel The Sunrise Plaza, do Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng công trình 533 đầu tư, toạ lạc tại số 77 - đường Nguyễn Du, quận Hải Châu. Quy mô dự án cao 23 tầng nổi, 2 tầng hầm. Việc xây dựng phải dừng lại để điều chỉnh thiết kế cho phù hợp với chủ trương chung của Thành phố.
“Hơn một năm nay, dự án phải án binh bất động. Chúng tôi sốt ruột và rối bời vì phải điều chỉnh thiết kế như chiều cao, công năng và mục đích sử dụng…”, ông Vũ Gia Hưng, Giám đốc Công ty Tư vấn xây dựng công trình 533 chia sẻ.
Không chỉ dự án đang xây dựng bị “việt vị” từ chủ trương hạ độ cao, mà các dự án bất động sản đang trong quá trình giao dịch mua bán cũng chung hoàn cảnh khi chiều cao công trình bị khống chế.
Lô đất đối diện trụ sở UBND TP. Đà Nẵng cũ, phía đường Trần Phú trước đây là nhà hàng Ngọc Anh rộng gần 500 m2 được đem ra chào bán. Nhiều nhà đầu tư quan tâm và có ý định xây dựng công trình chiều cao từ 14-16 tầng, nhưng sau khi có quy định của Thành phố, tại vị trí trên chỉ được xây dựng với chiều cao tương đương 8 tầng thì giao dịch chững lại và hiện nhà hàng này được thay thế bằng quán cà phê.
Khu đất vàng 71 - Lý Tự Trọng hiện vẫn là bãi đất trống, chủ đầu tư chưa thể xây dựng cũng vì vướng quy định chiều cao.
“Nếu xây dựng theo quy định của Thành phố, thì phải thay đổi thiết kế, giá trị dự án đem lại sẽ không cao. Chúng tôi hiện vẫn loay hoay tìm phương án mới cho miếng đất này”, đại diện chủ đầu tư cho biết.
Tại góc ngã 3 đường Yên Bái - Lê Hồng Phong cũng có một miếng đất vị trí đắc địa đang được cho thuê làm dịch vụ rửa xe, bởi chủ đầu tư chưa biết sẽ làm gì vì khu vực này cũng bị khống chế chiều cao, chỉ được xây dựng đến tầng thứ 8.
Hạ độ cao để đảm bảo thông thoáng hạ tầng
Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cho biết, trước vấn nạn kẹt xe ngày càng gia tăng, cùng sự xuất hiện của hàng loạt khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp ngay trung tâm thành phố, nên chính quyền thành phố phải tính đến khả năng cấm việc đầu tư xây dựng chung cư cao tầng ở khu vực trung tâm.
Theo kiến trúc sư Hồ Duy Diệm, nguyên Trưởng ban Quy hoạch TP. Đà Nẵng, chủ trương tạm dừng các công trình cao tầng tại hai quận trung tâm thành phố là để đảm bảo thông thoáng hạ tầng giao thông khi lưu thông trên những tuyến đường chính trung tâm như Trần Phú, Nguyễn Chí Thanh, Lý Thường Kiệt, Nguyễn Văn Linh, Lê Duẩn…
“Những công trình cao tầng không chỉ khiến lượng người đông, gây ra ùn tắc giao thông, mà còn gây rủi ro cho an toàn bay. Đà Nẵng có sân bay quốc tế ở khu vực trung tâm thành phố, nên trong phạm vi phễu bay thì không xây dựng nhà cao quá để bảo đảm an toàn bay là hợp lý”, ông Diệm nói.
Chủ trương khống chế chiều cao khu vực trung tâm cũng nhận được sự ủng hộ của nhiều người dân. Ông Lê Đức Trọng, một người dân sống trên tuyến đường Nguyễn Văn Linh (quận Hải Châu) bày tỏ, trên tuyến đường này vào giờ cao điểm, số lượng phương tiện tham gia giao thông từ các khu nhà cao tầng đổ ra đông đúc. Số lượng xe đến các nhà cao tầng, nhất là căn hộ, khách sạn rất đông.
Đặc biệt, các xe du lịch chở du khách đến lưu trú hoặc đón khách đậu, đỗ ở đó, kết hợp với số lượng phương tiện của người dân, nhân viên đến làm việc ở các khu khách sạn, căn hộ cao tầng, dễ gây ách tắc giao thông. Vì vậy, việc hạn chế cấp phép xây dựng nhà cao tầng ở nội đô là cần thiết.
Tương tự, ông Nguyễn Đức, sống tại đường Lý Thường Kiệt cũng cho rằng, đường phố khu vực trung tâm thường hẹp, chỉ chưa tới 20 m, rất nhiều đường rộng dưới 10 m, do đó, xây dựng nhà cao tầng sẽ dẫn đến ùn tắc, nhất là khi có xe du lịch dừng đỗ nhiều hai bên đường.
Bảng giá đất Đà Nẵng thấp xa giá thị trường
Một điều cũng khiến người dân cũng như các chủ đầu tư dự án tại Đà Nẵng đang băn khoăn, đó là giá đất theo quy định của UBND Thành phố đang thấp xa so với giá thị trường, khiến phát sinh nhiều rắc rối, tiêu cực trong đền bù, giải tỏa, thực hiện nghĩa vụ tài chính…
Đơn cử, đường Võ Nguyên Giáp, trong khi giá đất cao nhất theo quy định của Thành phố cho tuyến đường này là 98,8 triệu đồng/m2, thì giá thị trường đang dao động quanh mức 250 triệu đồng/m2, thậm chí nhiều vị trí đẹp giá còn lên đến 330 triệu đồng/m2. Tương tự, giá đất theo thị trường nhiều vị trí dọc tuyến đường Nguyễn Văn Linh đang dao động quanh mức 240 triệu đồng/m2, thì mức giá Thành phố đưa ra chỉ từ 19,8 - 98,8 triệu đồng/m2…
Theo các doanh nghiệp, hiện nay, doanh nghiệp đang phải tự đi mua đất của người dân theo giá thị trường, rồi lại đóng tiền sử dụng đất cũng theo giá thị trường thì coi như mua đất đến hai lần. Trong khi đó, Nhà nước chỉ khấu trừ chi phí theo bảng giá đất lại thấp hơn rất nhiều so với giá thị trường nên doanh nghiệp chịu thiệt thòi.
Với người dân, nếu áp dụng theo bảng giá đất công bố, đồng nghĩa nếu khu vực đó bị đền bù giải toả thì giá đền bù mỗi mét người dân sẽ mất hơn nửa, rất thiệt cho họ.