Nhà xây trước, trường học mướt mải theo sau
Vợ chồng chị Đặng Thị Huệ (quê Thừa Thiên - Huế) vào TP.HCM làm việc đã được gần 10 năm. Năm 2016, chị quyết định mua trả góp một căn chung cư tại phường Phú Hữu, quận 9 cũ (nay là TP. Thủ Đức) với giá gần 1 tỷ đồng. Đến năm 2019, dự án được xây dựng xong và chủ đầu tư cũng hoàn tất việc bàn giao nhà cho khách hàng. Thế nhưng, niềm vui có nhà mới chưa kéo dài được bao lâu thì chị đối mặt với việc đi xin học cho con.
Chị kể, năm vừa qua, con gái chị đã đủ tuổi vào lớp 1, nếu học đúng tuyến (tại Trường tiểu học Phú Hữu) thì khoảng cách tới trường khá xa (trên 5 km) và đường đi có nhiều container qua lại, rất nguy hiểm. Để hạn chế rủi ro khi tham gia giao thông và thuận tiện cho công việc, chị nhờ người xin cho con học trái tuyến tại trường tiểu học gần nhà nhưng không được vì đã quá tải. Cuối cùng, chị đành đưa con về ở với ông bà ngoại ở Thừa Thiên - Huế rồi học luôn tại đó.
Tương tự, hơn 500 hộ dân tại dự án Hausneo tại đường Liên Phường (thuộc địa bàn Phường Phú Hữu) cũng rơi vào hoàn cảnh bị chủ đầu tư “bỏ quên” xây trường học, cho dù đã xây xong 2 tòa nhà cao tầng từ lâu.
“Khi chọn mua nhà, ngoài vị trí căn hộ, tầng cao…, người mua cần quan tâm tới các tiện ích hạ tầng tại dự án, đặc biệt là các tiện ích thiết yếu như bệnh viện, trường học…, bởi nó liên quan trực tiếp tới đời sống sinh hoạt hàng ngày của cư dân sau này”, anh Hoàng, một cư dân sinh sống dự án Hausneo chia sẻ.
Câu chuyện chuyển về nhà mới rồi tất bật đi tìm trường học cho con không phải hiếm tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM, bởi có một thực tế khá phổ biến trong xây dựng các dự án cao ốc, khu đô thị, đó là chủ đầu tư hầu như không thực hiện đúng theo quy hoạch được phê duyệt, khi nhà ở thường được ưu tiên xây trước, còn các hạng mục đi kèm như trường học, trạm y tế, công viên, khu vui chơi, giải trí… triển khai chậm trễ, thậm chí bị “ngó lơ”.
Đơn cử, tại dự án Hà Đô Centrosa Garden (tọa lạc trên đường 3/2, quận 10, TP.HCM) do Công ty cổ phần Hà Đô - 756 Sài Gòn làm chủ đầu tư. Dự án được xây dựng trên khu đất có diện tích hơn 6,8 ha, gồm khu nhà phố liên kế, 8 tòa nhà căn hộ cao tầng cùng trường học và công viên.
Dự án được khởi công xây dựng từ năm 2016, đến nay hầu hết các hạng mục nhà ở đã được hoàn thành và cư dân đã dọn vào ở. Tuy nhiên, những tiện ích kèm theo như trường học đạt chuẩn quốc tế, khu dịch vụ y tế và thể dục - thể thao hiện đại, khu công viên cây xanh... vẫn “nằm trên giấy”. Để tìm hiểu thông tin, phóng viên đã liên hệ với phụ trách marketing của Tập đoàn Hà Đô, song vị này cũng không biết rõ khi nào sẽ triển khai những tiện ích này.
Hay tại dự án Khu đô thị sinh thái Cát Tường Phú Sinh tọa lạc tại mặt tiền Tỉnh lộ 9 - trung tâm đô thị Tây Bắc TP.HCM, ngay từ những ngày đầu ra mắt thị trường đã thu hút sự quan tâm của khách hàng khi sở hữu diện tích tới 122 ha với nhiều tiện ích nội khu, mà theo như lời quảng cáo là “hội tụ đầy đủ những tiện ích của một đô thị văn minh, đáp ứng mọi nhu cầu thụ hưởng của các công dân hiện đại với các dịch vụ mua sắm, y tế, giáo dục, giải trí... đẳng cấp và độc đáo”.
Tuy nhiên, theo quan sát thực tế của phóng viên, dự án dù đã cơ bản hoàn thành và đang bàn giao nhà cho khách hàng, một số tiện ích như công viên, khu vui chơi cũng đã được xây dựng, nhưng khu vực được quy hoạch để xây trường học, trung tâm y tế… vẫn là bãi đất trống để cỏ mọc um tùm.
Vì đâu nên nỗi?
Lâu nay, khi mở bán một dự án bất động sản, chủ đầu tư thường đề cập tới những yếu tố như giá ưu đãi, chính sách thanh toán linh hoạt, cảnh quan cây xanh, vị trí kinh doanh đắc địa… để thu hút khách hàng, mà bỏ quên một hạng mục không kém phần quan trọng khác là trường học, cho dù có trong quy hoạch.
Lý giải điều này, lãnh đạo một doanh nghiệp bất động sản có trụ sở tại TP.HCM cho rằng, là do quyết định phê duyệt đầu tư chưa xác định rõ vai trò, trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc thực hiện các công trình hạ tầng xã hội, dẫn đến một số chủ đầu tư bỏ hoang đất, hoặc có thực hiện nhưng tiến độ rất chậm.
Mặt khác, việc đầu tư vào các công trình hạ tầng xã hội thường mang lại lợi nhuận không cao, các cơ chế, chính sách khuyến khích xã hội hóa lĩnh vực văn hóa, giáo dục còn hạn chế... Chưa kể, nhiều người mua nhà để kinh doanh, chứ không về ở, dẫn đến tình trạng không đủ học sinh khi xây dựng xong nhà trẻ, trường học… Đây cũng là cái cớ để chủ đầu tư lần lữa việc xây các hạng mục này.
Để khắc phục tình trạng này, vị lãnh đạo trên kiến nghị, khi phê duyệt quy hoạch và quyết định đầu tư, cần có những quy định ràng buộc rõ ràng trách nhiệm của chủ đầu tư đối với việc bảo đảm tiến độ, chất lượng xây dựng các công trình hạ tầng xã hội thiết yếu phục vụ dân sinh. Nếu chủ đầu tư chậm triển khai thì cần thu hồi và giao cho UBND quận, huyện, thị xã lập dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách hoặc kêu gọi đầu tư xã hội hóa.
Ngoài ra, các sở, ngành chức năng cần tăng cường kiểm tra, chủ động đề xuất với UBND thành phố phương án xử lý đối với công trình hạ tầng xã hội không triển khai hoặc chậm tiến độ nhằm bảo đảm tính đồng bộ giữa hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật trong các khu đô thị, khu nhà ở cao tầng.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Trần Văn Duẩn, Trưởng Văn phòng luật Thanh Niên cho rằng, khi chủ đầu tư chậm trễ xây dựng các tiện ích đi kèm trong các khu đô thị theo dự án đã phê duyệt cũng đồng nghĩa với việc không tuân theo kế hoạch, tiến độ dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, tức là đã vi phạm pháp luật. Ngoài ra, các chủ đầu tư còn vi phạm quy định về hợp đồng giữa chủ đầu tư và người dân khi chậm thực hiện các công trình của dự án.
“Tuy nhiên, chế tài xử phạt hành vi vi phạm này còn nhẹ, cụ thể là chỉ bị xử phạt hành chính từ 40-50 triệu đồng và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả là buộc thực hiện đầu tư phát triển khu đô thị theo kế hoạch đã được quy định, nên chưa đủ sức răn đe. Vì vậy, cơ quan quản lý cần có chế tài mạnh tay hơn thì mới có thể giải quyết triệt để tình trạng này”, luật sư Duẩn nói.