Sau hoàng kim là... cỏ mọc
Như một quy luật của thị trường bất động sản nhiều năm qua, trong 5 tháng đầu năm, phân khúc đất nền tại TP.HCM lại dậy sóng. Đặc biệt, trong nửa đầu năm 2017 và 2018, cơn sốt nóng đất nền lan rộng đã buộc TP.HCM và Bộ Xây dựng đưa ra những biện pháp mạnh tay mới có thể hạ nhiệt thị trường.
Tuy nhiên, trở lại những dự án tạo ra cơn sốt đất nền thời điểm trên, ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản cho thấy, không còn cảnh tấp nập người mua bán, mà là cảnh hoang vu, cỏ dại um tùm của dự án. Những người mua đất thay vì xây dựng nhà để ở, lại để cho cỏ mọc um tùm.
Cụ thể, ngày 17/9 vừa qua, phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản đã có chuyến khảo sát tuyến đường Trường Lưu, quận 9, tuyến đường có tới gần 10 dự án đất nền mở bán trong những tháng đầu năm 2018 và cũng là tâm điểm thị trường quận 9, nhưng giờ là cảnh đìu hiu.
Chẳng hạn, Dự án Rio Bonito do Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản Rio Land làm chủ đầu tư mở bán tháng 1/2019 với giá 19 - 30 triệu đồng/m2, sau đó giá đẩy lên 29 - 40 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, sau khi bán hết hàng, dự án để mặc cho cỏ mọc um tùm, công viên trung tâm dự án cũng bị bỏ hoang không xây dựng.
Bên cạnh đó là Dự án Centana Điền Phúc Thành do Công ty cổ phần Bất động sản Điền Phúc Thành làm chủ đầu tư cũng chung cảnh ngộ. Ngoài cổng vào dự án được xây dựng kiên cố, còn lại tổng thể dự án mở bán từ tháng 1/2017 đã được bán hết, nhưng người mua không xây dựng, mà để cho cỏ mọc.
Tại khu Nam, giai đoạn 1 Khu đô thị Long Hậu được mở bán tháng 3/2018 với giá khởi điểm là 6 triệu đồng/m2, sau lên tới 13 triệu đồng/m2 và hàng trăm nền đất dự án đã bán hết, hạ tầng giao thông nội khu xây dựng bài bản. Tuy nhiên, theo quan sát của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, người mua không xây dựng nhà ở, mà để mặc cho cỏ lau phát triển.
Cảnh tượng tương tự cũng diễn ra tại một số dự án đất nền tại khu Tây, huyện Nhà Bè…
Bộ mặt thật của thị trường
Theo đánh giá của giới quan sát thị trường, có tình trạng trên là do người mua chủ yếu là nhà đầu tư, ít người mua vì nhu cầu thực.
Ông Nguyễn Văn Hậu, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản Asia Hoding cho rằng, nhìn vào những dự án đã bán hết nhưng bị bỏ hoang cho thấy bộ mặt rõ nhất của thị trường đất nền, đó là nhu cầu ở thực chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ, còn lại là nhà đầu tư thứ cấp lướt sóng kiếm lời.
“Sản phẩm của các dự án này qua tay nhiều nhà đầu tư, giá bị đội lên cao, nhưng khi thị trường hết sốt, giá vẫn không giảm. Khi thị trường nóng sốt trở lại, chủ đầu tư lại cho người dọn cỏ, rồi bán sản phẩm của các nhà đầu tư trước ký gửi để kiếm phần trăm môi giới, giá lúc này lại được đội lên cao.
Vòng luẩn quẩn cứ thế diễn ra khiến những người có nhu cầu ở thực không thể mua được và dự án tiếp tục bị bỏ hoang”, ông Hậu nói.
Còn theo ông Trần Đức Vinh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản Trần Anh Group, việc dự án bán rầm rộ nhưng không người ở là thất bại của chính chủ đầu tư, bởi khi phát triển dự án, mong muốn lớn nhất của chủ đầu tư là dự án bán xong, người mua nhà về xây dựng nhà để ở.
Tuy nhiên, có nhiều chủ đầu tư dự án đất nền lại nghĩ khác, họ chỉ mong bán hết hàng, rồi làm tiếp môi giới kiếm hoa hồng từ các nhà đầu tư thứ cấp, mà không quan tâm có người ở hay không.
“Thị trường cần phát triển bền vững, ở các dự án bất động sản luôn có những nhà đầu tư thứ cấp và nó giúp thanh khoản dự án tốt hơn, nhưng vấn đề là phải có người ở thực.
Khi dự án có người dân chuyển về sinh sống, sẽ giúp tên tuổi của chủ đầu tư tăng lên, tạo điều kiện thuận lợi để triển khai các dự án sau”, ông Vinh nói.
Cũng theo giới phân tích, đây chính là hậu quả của việc buông lỏng của cơ quan quản lý, để thị trường phát triển một cách tự phát. Hậu quả là người có nhu cầu thực không thể mua nhà đất để an cư, còn bộ mặt đô thị nham nhở, ảnh hưởng tới cả quy hoạch phát triển của thành phố.