Thông tin từ Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho biết, trên địa bàn Thành phố đến nay vẫn còn hàng chục dự án bị vướng mắc chưa được giải quyết của các doanh nghiệp bất động sản, trong đó có những doanh nghiệp gặp vướng mắc ở nhiều dự án đến nay vẫn chưa được khơi thông, chẳng hạn như Tập đoàn Novaland, TTC Land, Him Lam...
Cụ thể, trong 14 dự án vướng mắc nhiều năm nay của Tập đoàn Novaland đã được xem xét, giải quyết 4 dự án, hiện còn 10 dự án còn vướng mắc chưa được tháo gỡ gồm: Dự án Khu chung cư Cô Giang tại số 100 Cô Giang, phường Cô Giang, quận 1 (TP.HCM); Dự án Trung tâm thương mại, văn phòng, officetel và căn hộ tại số 151-155 Bến Vân Đồn, phường 6, quận 4 (TP.HCM); Bảy dự án tại khu vực quận Phú Nhuận; Dự án 30,2ha tại phường Bình Khánh, quận 2 (TP.HCM).
Trong khi đó, Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (TTC Land) còn vướng mắc ở Dự án Khu liên hợp Nhà ở - Văn phòng - Thương mại Tản Đà - Hàm Tử, phường 10, quận 5; Dự án Charmington Iris tại 76 Tôn Thất Thuyết, quận 4; Dự án Charmington Golf & Life nằm tại 18B Nguyễn Văn Linh, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh…
Một số doanh nghiệp khác cũng còn vướng mắc ở nhiều dự án như Dự án Khu nhà ở Him Lam của Công ty Him Lam vẫn chưa được giao đất; Dự án Dragon City và Dự án ngầm hoá đường điện cao thế 220kV Nhà Bè - Tao Đàn của Công ty Địa ốc Phú Long; Khu liên hợp Nhà ở - Văn phòng - Thương mại Tản Đà - Hàm Tử, phường 10, quận 5 của Công ty Sơn Kim; Dự án Khu liên hợp Nhà ở - Văn phòng - Thương mại Tản Đà - Hàm Tử, phường 10, quận 5 của Bất động sản Hưng Lộc Phát...
Việc vướng pháp lý khiến các chủ đầu tư phải đối diện với nhiều khó khăn. Trong đó, khó khăn lớn nhất vẫn là dòng vốn đầu tư vay ngân hàng, phải sinh lãi hàng ngày.
Đồng thời, sự ảnh hưởng này cũng tác động không nhỏ đến nguồn cung bất động sản giảm mạnh, doanh nghiệp giảm doanh thu. Hơn hết là sự tác động đến thị trường bất động sản, ảnh hưởng đến kinh tế thành phố.
Theo báo cáo của Sở Xây dựng TP.HCM, trong năm 2020, có tổng cộng 31 dự án đủ điều kiện huy động vốn với tổng số 16.895 căn nhà (trong đó có 15.275 căn hộ, 1.617 căn nhà thấp tầng và 3 căn biệt thự), tổng giá trị cần huy động vốn là 66.674 tỷ đồng.
Trong đó, 7.114 căn phân khúc cao cấp (chiếm 42,1%), 9.618 căn phân khúc trung cấp (chiếm 56,9%) và 163 căn phân khúc bình dân (chiếm tỷ lệ 1%).
Ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, nguồn cung nhà ở năm 2020 đưa ra thị trường so với năm 2019 giảm 34% về tổng số dự án, giảm hơn 30% về tổng số căn nhà.
Không chỉ là chủ đầu tư mà người mua nhà cũng lo lắng vì chưa được cấp sổ hồng dù đã hoàn tất thủ tục thanh toán gây nên sự bức xúc cho hàng ngàn khách hàng, tạo áp lực rất lớn cho các chủ đầu tư.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA), kiến nghị UBND TP.HCM cần xem xét, chỉ đạo ưu tiên giải quyết cấp sổ hồng trước cho khách hàng đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ theo hợp đồng mua nhà. Về nghĩa vụ tài chính, nộp tiền sử dụng đất bổ sung (nếu có) giữa chủ đầu tư dự án với Nhà nước thì đề nghị tách ra, xử lý riêng.
Tại hội nghị gặp mặt giữa lãnh đạo chính quyền TP.HCM với các doanh nghiệp mới đây, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu các sở, ngành cần phải chia sẻ, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp để sớm triển khai dự án kịp thời, nhanh chóng liên quan đến các dự án bất động sản.
Đồng thời, có giải pháp rút ngắn thủ tục, cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các sở, ngành và UBND quận, huyện. Các kiến nghị của các doanh nghiệp sẽ giao Phó chủ tịch Lê Hòa Bình xếp lịch làm việc với các sở, ngành để giải quyết từng vấn đề, kết luận cụ thể.