Thông tin này được lãnh đạo Công ty TNHH MTV Lọc dầu Bình Sơn (BSR- đơn vị quản lý Nhà máy Lọc dầu Dung Quất) chia sẻ với VnExpress.
Đánh giá năm 2017 là thời điểm phù hợp để BSR thực hiện cổ phần hoá, theo ông Trần Ngọc Nguyên - Tổng giám đốc BSR, hiện công ty đã hoàn thành hồ sơ định giá giá trị doanh nghiệp trình Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) và Bộ Công Thương xem xét, phê duyệt. Dự kiến giá trị doanh nghiệp này sẽ được công bố vào giữa tháng 3/2017.
“Việc cổ phần hóa sẽ giúp doanh nghiệp có thêm nguồn tài chính để đầu tư vào lĩnh vực lọc hoá dầu”, Tổng giám đốc BSR tự tin và cho biết, khối lượng và chào bán cổ phần thực tế sẽ còn tuỳ thuộc vào tình hình và thị trường năm tới. Hiện tại BSR đã chủ động làm việc với các tập đoàn dầu khí của các nước để tìm đối tác chiến lược.
Ông Trần Ngọc Nguyên cũng cho biết, hiện năng lực đáp ứng nhu cầu xăng dầu trong nước của Nhà máy lọc dầu Dung Quất chỉ khoảng 40%, do đó năm 2017 được BSR xác định sẽ cung cấp sản phẩm ưu tiên cho nội địa. Còn chiến lược trong 5-10 năm tới của công ty là sẽ xuất khẩu và khi đó doanh nghiệp sẽ tập trung phát triển chuyên sâu về hoá dầu chứ không đơn thuần lọc dầu như hiện nay để cạnh tranh với các đối thủ.
Năm 2016 được coi là năm thành công của BSR khi sản lượng sản xuất ước khoảng 6,84 triệu tấn; sản lượng tiêu thụ đạt 6,8 triệu tấn. Công ty cũng đạt doanh thu nhà máy hơn 72.500 tỷ đồng và nộp ngân sách nhà nước gần 12.000 tỷ.
Đó cũng là lý do việc lựa chọn cổ đông chiến lược vẫn chưa được quyết định do Dung Quất mong muốn tìm kiếm đối tác có năng lực tài chính đủ mạnh, kinh nghiệm trong lĩnh vực hoá dầu.
Riêng về đối tác Gazprom Neft (Nga), Tổng giám đốc BSR tiết lộ dù trước đây tập đoàn này đã rút ý định mua lại 49% cổ phần Nhà máy Lọc dầu Dung Quất do ở thời điểm đó có một số yếu tố chưa thuận lợi, song khi BSR lên kế hoạch cổ phần hoá, Gazprom Neft vẫn giữ ý định muốn mua cổ phần tại Dung Quất.
"Nga chỉ là một đối tác để chúng tôi đàm phán, chọn lựa. Ngoài ra một số tập đoàn dầu khí lớn như PTT (Thái Lan), Singapore... cũng đang rất quan tâm tới cổ phần của nhà máy", lãnh đạo BSR tiết lộ, đồng thời cho biết quá trình đàm phán với các đối tác này vẫn tiếp tục diễn ra thời gian tới.
Đề cập tới biến động giá dầu vào năm sau khi OPEC tuyên bố cắt giảm sản lượng vào 30/11 vừa qua, ông Trần Ngọc Nguyên cho biết, biến động giá dầu là vấn đề của thị trường, nhưng BSR vẫn đưa ra tất cả các kịch bản giá, từ 20 đến 50 USD.
Đơn cử, năm 2015 BSR đưa ra kịch bản giá dầu 60 USD một thùng, 2016 là 50 USD. Tuy nhiên, khác với khai thác thì lọc dầu không bị ảnh hưởng nhiều khi giá dầu lên xuống. Bởi giá mặt hàng này tăng giảm thì giá sản phẩm đầu ra cũng thay đổi theo.
“Khai thác giá dầu giảm thì chi phí tăng lên dẫn tới thua lỗ. Còn lọc dầu là sự chênh lệch giữa sản phẩm đầu ra và đầu vào. Vấn đề của BSR là nâng cao quản trị để chi phí sản xuất thấp nhất”, ông Nguyên bày tỏ.
Năm 2016 được coi là năm thành công của BSR khi sản lượng sản xuất ước khoảng 6,84 triệu tấn; sản lượng tiêu thụ đạt 6,8 triệu tấn. Công ty cũng đạt doanh thu nhà máy hơn 72.500 tỷ đồng và nộp ngân sách nhà nước gần 12.000 tỷ.
Để đáp ứng nhu cầu sản xuất, năm qua Lọc dầu Dung Quất nhập gần 4,4 triệu tấn dầu Bạch Hổ thương phẩm (gồm Bạch Hổ, Cá Ngừ Vàng, Đồi Mồi); 1,20 triệu tấn dầu thô Tê Giác Trắng; 1,11 triệu tấn dầu thô Sư Tử Đen và 0,37 triệu tấn dầu thô Đại Hùng. Ngoài dầu trong nước, nhà máy đã nhập khẩu 4 lô dầu Champion và Azeri.