Tại Vietnam CEO Forum 2014 với chủ đề “Bước đi nào cho cuộc chơi mới” vừa diễn ra tại TP. HCM, TS. Võ Trí Thành thông báo, chúng ta sắp đón nhận tin vui về Hiệp định thương mại Việt Nam - EU. Và không lâu nữa, các nước ASEAN cũng sẽ có tuyên bố tầm nhìn ASEAN 2015 vẫn với tư tưởng tự do, nhưng mang tính năng động, sáng tạo và một khu vực mở hơn.
Ông Thành cho rằng, trong các cuộc chơi mới, cách chơi và luật chơi đã khác nhau. Đó sẽ là sự tương tác nhất thể giữa trong và ngoài nước, phát triển kinh doanh cũng sẽ theo mạng và chuỗi với các cuộc cách mạng công nghệ, cách mạng “xanh, sạch”…
“Thế giới ngày nay là thế giới của sự chuyển đổi: do thiên nhiên, chính trị, đảo chiều dòng vốn, gãy khúc của một chuỗi kinh doanh hay dịch chuyển của con người. Chính vì thế, doanh nghiệp cần sẵn sàng cho mọi tình huống, thiết kế lại tư duy và chuẩn bị cho cuộc chơi mới”, ông Thành nói.
Cảm nhận về sự chuẩn bị của DN Việt Nam trước những cuộc chơi này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, bà khá lo ngại về “sức khỏe” của doanh nghiệp trước sức ép cạnh tranh mới.
“Các doanh nghiệp và cả nền kinh tế đang bước vào cuộc chơi mới với những thách thức cạnh tranh nặng nề, nhưng chúng ta vẫn đang ở thế yếu. Nền kinh tế vẫn đang bộc lộ những yếu kém. Chúng ta đã tụt xuống sau cả Philippines, Indonesia… Thậm chí, Lào và Campuchia cũng đã sẵn sàng vươn lên”, bà Lan nói và chỉ ra rằng, doanh nghiệp Việt Nam trên 90% là doanh nghiệp nhỏ và vừa, thậm chí đa phần là nhỏ. Hiện đang thiếu rất nhiều doanh nghiệp cỡ trung, còn doanh nghiệp cỡ lớn chỉ đếm trên đầu ngón tay. DN Việt Nam cũng sẽ gặp nhiều khó khăn vì còn thiếu sự liên kết, thiếu các chuỗi liên kết giá trị và cơ bản vẫn là nền kinh tế gia công.
Hiện nay, để bước vào những cuộc chơi mới, các nước đều đang chuẩn bị ráo riết. Malaysia khảo sát có tới 90% doanh nghiệp tự tin sẽ thành công, Singaporre 81% tự tin, còn Việt Nam bao nhiêu phần trăm doanh nghiệp tự tin sẽ chiến thắng trong cuộc chơi mới? Dù chưa có khảo sát nào về vấn đề này, nhưng cuộc lấy ý kiến nhỏ ngay tại hội thảo cho thấy, nhiều doanh nghiệp khá e dè.
“Doanh nghiệp Việt Nam rất quan tâm đến thời gian kết thúc các cuộc đàm phán thương mại mới, nhưng thực ra cạnh tranh rất trực diện, đến ngay từ những nước xung quanh và gần Việt Nam nhất như Trung Quốc, ASEAN. DN cần quan tâm hơn đến phần chuẩn bị vào sân chơi mới, tự hỏi mình đã biết gì về nó, đã chuẩn bị như nào khi các Hiệp định được thực thi?”, bà Lan nói và chia sẻ câu chuyện mà bà từng trao đổi với một người bạn Nhật Bản khi bà hỏi rằng, người Việt Nam có tinh thần khởi nghiệp không?
“Rất buồn khi người bạn Nhật đã nhận xét rằng, nhiều doanh nghiệp Việt Nam không có tinh thần khởi nghiệp, họ chộp giật, đánh quả, chứ không không phải kinh doanh”, bà Lan nói.
Trong khi đó, nhận định về tình thế thắng thua của DN khi vào các cuộc chơi mới, ông Thành nói rằng, không nên dùng chữ thắng thua. Những cuộc chơi này là sự học hỏi lẫn nhau. Bà Phạm Chi Lan cũng cho rằng, các cuộc chơi đều nên win win.
Tuy nhiên, theo ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên thái Bình Dương (IPP), thương trường như chiến trường và đã là chiến trường là phải có kẻ thắng người thua. Không thể win win như ngôn ngữ ngoại giao.
“Trên các đường đua này, tất cả các nước đều chạy hết tốc lực, trong khi doanh nghiệp Việt Nam vừa chạy vừa phải nhảy rào. Những rào cản từ các thủ tục hành chính sẽ cản trở các cuộc đua này”, ông Hạnh Nguyễn nói và đề nghị, Chính phủ và các bộ, ban, ngành khi ban hành các văn bản tác động đến môi trường kinh doanh, cần đưa ra thời gian hiệu lực dài hơn, vì những quyết định này đến doanh nghiệp không nhanh như ngày văn bản được ký. Chúng ta cũng nên xây dựng một bộ luật hoàn chỉnh về kinh doanh. Nếu không giải phóng được vấn đề này thì 10 - 20 năm nữa, doanh nghiệp Việt Nam vẫn loay hoay giữa biển mà chưa tới bờ hội nhập.
Theo ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT CTCP Ô tô Trường Hải, trong cuộc chơi hội nhập, các nhà quản lý cũng phải cân nhắc mất cái này được cái kia để giữ cho nền kinh tế. “Về mặt quốc gia, khi tham gia các hiệp định thương mại, Chính phủ sẽ cân nhắc cái được cái mất, nhưng đối với doanh nhân sẽ khó có cùng thắng, mà chỉ có thắng hoặc thua. Muốn hội nhập, doanh nghiệp phải chiếm lĩnh thị trường Việt Nam trước. Và trong lộ trình này cũng phải chia ra từng mục tiêu để mà phấn đấu thực hiện”, ông Dương chia sẻ.