Nhiều doanh nghiệp trả tiền trở lại cho các trái phiếu chậm trả gốc, lãi

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhìn lại các công bố thông tin trong tháng 8, một loạt doanh nghiệp tiến hành xử lý trái phiếu chậm trả bằng cách trả bằng tiền (thay vì các hình thức cơ cấu khác như gia hạn trái phiếu, xử lý tài sản bảo đảm…) có một số tên tuổi nổi bật.
Nhiều doanh nghiệp trả tiền trở lại cho các trái phiếu chậm trả gốc, lãi

Theo số liệu của VIS Rating, trong tháng 08/2024, 13 tổ chức phát hành chậm trả thuộc các lĩnh vực Bất động sản nhà ở, bán lẻ và nông nghiệp đã hoàn trả tổng cộng 2.400 tỷ đồng tiền gốc cho các trái chủ. Sau khi thanh toán một phần, dư nợ trái phiếu chậm trả còn lại của nhóm các tổ chức phát hành này còn 8.500 tỷ đồng.

Nhìn lại các công bố thông tin trong tháng 8, nhiều doanh nghiệp tiến hành xử lý trái phiếu chậm trả bằng cách trả bằng tiền (thay vì các hình thức cơ cấu khác như gia hạn trái phiếu, xử lý tài sản bảo đảm…) có một số tên tuổi nổi bật.

Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAG) vừa thanh toán thêm 100 tỷ đồng tiền nợ gốc của lô trái phiếu HAGLBOND16.26 cho Ngân hàng BIDV.

Lô trái phiếu trên được Hoàng Anh Gia Lai phát hành ngày 30/12/2016 để cơ cấu lại các khoản nợ gốc và lãi phát sinh từ các khoản nợ của Hoàng Anh Gia Lai tại Ngân hàng BIDV. Lô trái phiếu có kỳ hạn 10 năm, kỳ trả lãi 3 tháng/lần và lãi suất phát hành là 9,8%/năm.

Tính theo mệnh giá, lô trái phiếu này có tổng giá trị là 6.546 tỷ đồng và Hoàng Anh Gia Lai đã chậm trả gốc/lãi kể từ 30/6/2022.

Tính đến ngày 30/6/2024, Hoàng Anh Gia Lai cho biết, số tiền lãi và gốc chậm thanh toán của lô trái phiếu này lần lượt là 3.349 tỷ đồng và 1.015 tỷ đồng.

Hoàng Anh Gia Lai cho biết, việc chậm thanh toán cả lãi và gốc của lô trái phiếu trên là do Công ty chưa thu được tiền nợ của nhóm Công ty cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico, mã cổ phiếu HNG). Việc thanh toán 100 tỷ đồng kể trên có nguồn từ việc thu nợ của HAGL Agrico.

Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Vật tư Nông nghiệp II (Cajimex) sở hữu lô trái phiếu VT3-L2026-001 phát hành ngày 25/12/2020, lãi suất 11,3%/năm, giá trị phát hành 2.230 tỷ đồng, thanh toán 3 tháng/lần. Công ty bắt đầu chậm trả gốc/lãi lô trái phiếu này lần đầu trong năm 2023.

Công ty từng dự tính mua lại toàn bộ trái phiếu vào ngày 28/12/2023 và đã có 2 người sở hữu trái phiếu đồng ý đăng ký bán gồm Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) và CTCP Đầu tư Tài chính H&A nhưng không thể thực hiện do không sắp xếp được nguồn vốn.

Đến ngày 3/1/2024, Cajimex đề nghị điều chỉnh ngày mua lại trước hạn, đồng thời hoàn tất mua lại 5% giá trị trái phiếu, tương ứng với số tiền 111,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, Công ty một lần nữa “thất hẹn” việc mua toàn bộ phần còn lại (2.118 tỷ đồng) vào ngày 31/1/2024 như đã đề xuất với cùng lý do kể trên.

Sau đó, Cajimex đã liên tiếp có các công văn đề nghị điều chỉnh với kỳ vọng sẽ sạch nợ trái phiếu vào cuối các tháng 2, 3, 4 và 6/2024 nhưng vẫn không thực hiện được. Đến tháng 8/2024, Cajimex đã hoàn tất việc mua lại toàn bộ trái phiếu theo thỏa thuận với các trái chủ.

Một số doanh nghiệp khác đã thực hiện thanh toán gốc, lãi trái phiếu còn có thể kể tới như Công ty cổ phần Thương mại Công nghệ An Phát với lô trái phiếu APC.H.20.28.001, phát hành ngày 30/12/2020 giá trị 200 tỷ đồng, lãi suất 11%/năm. Công ty đã chậm trả gốc, lãi kể từ ngày 30/6/2022.

CTCP Đầu tư năng lượng Nam Phương trả gốc, lãi trở lại với lô trái phiếu NPECH2128002 giá trị phát hành 900 tỷ đồng, phát hành ngày 26/11/2021. Công ty đã chậm trả lãi trái phiếu này kể từ ngày 28/8/2023.

Các doanh nghiệp khác bao gồm: CTCP Đầu tư IMG Huế, Công ty TNHH Đầu tư và phát triển năng lượng Thành Nguyên, CTCP Đầu tư năng lượng Hoàng Sơn, Công ty TNHH Saigon Glory, CTCP Đầu tư Kinh doanh Bất động sản S-Homes, CTCP Đầu tư Hải Phát, CTCP Kinh doanh nhà Sunshine…

Tin bài liên quan