CTCP Đạt Phương (DPG) thông báo, ngày13/3 là ngày đăng ký cuối cùng chốt danh sách cổ đông để tổ chức ĐHCĐ thường niên 2020 dự kiến diễn ra vào ngày 28/3 tới.
CTCP Vimeco (VMC) cũng sẽ tổ chức ĐHCĐ thường niên 2020 trong tháng 3 này (dự kiến ngày 25/3), ngày đăng ký cuối cùng tham dự đại hội là ngày 10/3.
Tương tự, CTCP Xây dựng số 9 (VC9) dự kiến tổ chức ĐHCĐ vào ngày 26/3, CTCP Vinaconex 25 lên lịch đại hội vào ngày 27/3...
Trong tuần đầu tháng 4 tới, CTCP Chế tạo cơ điện Hà Nội (HEM) sẽ tổ chức ĐHCĐ thường niên 2020 vào ngày 8/4.
Cuối tháng, nhiều doanh nghiệp dự kiến họp cổ đông như CTCP Nước và môi trường Việt Nam (VWS) ngày 24/4, Tổng CTCP Công nghiệp mỏ Việt Bắc TKV (MVB) dự kiến tổ chức trong khoảng thời gian từ ngày 20-25/4.
CTCP Máy và thiết bị dầu khí PVMachino (PVM) chưa thông báo cụ thể, nhưng cũng dự tính họp trong tháng 4, ngày đăng ký cuối cùng chốt danh sách cổ đông là ngày 18/3.
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Đỗ Huy Hùng, Chủ tịch HĐQT CTCP Xi măng La Hiên (CLH) cho biết, Công ty đã lên kế hoạch tổ chức ĐHCĐ vào tháng 4/2020 với hình thức họp truyền thống.
“Về khả năng tổ chức đại hội trực tuyến, còn tùy thuộc vào diễn biến dịch bệnh. Hiện còn hơn 1 tháng nữa mới tới thời điểm CLH tổ chức ĐHCĐ, nên Công ty sẽ xem xét”, ông Hùng thông tin thêm.
Vào tháng 12/2019, CLH đã tạm ứng cổ tức năm 2019 bằng tiền mặt cho cổ đông với tỷ lệ 8%.
Theo báo cáo tài chính đã kiểm toán, năm 2019, CLH đạt doanh thu 689 tỷ đồng, giảm nhẹ so với thực hiện năm 2018, nhưng lợi nhuận sau thuế tăng 22% lên 38,2 tỷ đồng, nhờ chi phí tài chỉnh giảm từ 11 tỷ đồng xuống 7 tỷ đồng, giá giá vốn hàng bán cũng giảm. Với kết quả này, thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS) năm 2019 đạt 3.829 đồng.
Theo người phát ngôn của CTCP Chế tạo cơ điện Hà Nội (HEM), nhiều khả năng ĐHCĐ thường niên 2020 vẫn diễn ra theo hình thức truyền thống.
Nếu tình hình dịch bệnh thay đổi theo hướng nghiêm trọng hơn, HEM sẽ cân nhắc các phương thức họp khác hoặc lùi thời điểm.
Tuy nhiên, dù tổ chức theo phương án nào thì cũng phải có ý kiến của Công ty mẹ là Công ty TNHH Thiết bị điện Việt Nam (sở hữu 77% vốn tại HEM).
Theo báo cáo tài chính riêng lẻ, lũy kế cả năm 2019, HEM ghi nhận 82 tỷ đồng lãi sau thuế, tăng 16% so với kết quả năm 2018, chủ yếu nhờ thu từ hoạt động tài chính 90,3 tỷ đồng, gấp đôi năm 2018.
Báo cáo tài chính của HEM cũng xuất hiện khoản đầu tư tài chính ngắn hạn 207 tỷ đồng được thuyết minh là trái phiếu của CTCP Đầu tư nước sạch và môi trường Eco&More.
Điều 136 - Luật Doanh nghiệp 2014 về thẩm quyền triệu tập họp ĐHCĐ quy định, ĐHCĐ họp thường niên mỗi năm một lần.
Ngoài cuộc họp thường niên, ĐHCĐ có thể họp bất thường. Địa điểm họp ĐHCĐ phải ở trên lãnh thổ Việt Nam.
Trường hợp cuộc họp ĐHCĐ được tổ chức đồng thời ở nhiều địa điểm khác nhau thì địa điểm họp được xác định là nơi chủ tọa tham dự họp. Quy định này được coi là mở cơ chế cho việc tổ chức ĐHCĐ trực tuyến.
Ngoài ra, Khoản 2, Điều 140 - Luật Doanh nghiệp 2014 về thực hiện quyền dự họp ĐHCĐ quy định, cổ đông được xem là tham dự và biểu quyết tại cuộc họp ĐHCĐ trong trường hợp sau đây: Tham dự và biểu quyết thông qua hội nghị trực tuyến, bỏ phiếu điện tử, hoặc hình thức điện tử khác, hoặc gửi phiếu biểu quyết đến cuộc họp thông qua gửi thư, fax, thư điện tử.
Thực tế, vẫn có một bộ phận cổ đông nhỏ do không có điều kiện tham dự cuộc họp ĐHCĐ nên đã gửi ý kiến chất vấn và văn bản biểu quyết tới doanh nghiệp.
Một số trường hợp doanh nghiệp đã ghi nhận các ý kiến chất vấn và biểu quyết của cổ đông vào biên bản và Nghị quyết ĐHCĐ.
Tuy nhiên, cũng có trường hợp không ghi nhận, thậm chí còn “phê” tỷ lệ biểu quyết đồng ý 100%, cho dù cổ đông biểu quyết không đồng ý hoặc không có ý kiến. Điều này vừa trái quy định pháp luật, vừa ảnh hưởng tới quyền lợi cổ đông.