CTCP C.E.O đang cùng với đơn vị tư vấn là CTCK MB (MBS) hoàn tất các thủ tục niêm yết trên Sở GDCK Hà Nội (HNX). Mục tiêu của C.E.O là sẽ chào sàn trong quý III/2014. Đại diện C.E.O cho biết, Công ty đã nộp hồ sơ niêm yết tới HNX từ vài năm trước, nhưng nhận thấy thị trường trong hai năm qua chưa phù hợp nên đã hoãn lại. Diễn biến thị trường từ đầu năm 2014 đến nay khởi sắc khiến Công ty quyết tâm lên sàn, bởi việc chọn thời điểm lên sàn cũng rất quan trọng. Công ty hiện có vốn điều lệ 343 tỷ đồng.
CTCP Cấp thoát nước Quảng Nam là doanh nghiệp đã nộp hồ sơ niêm yết trên HNX từ năm 2010, nhưng đến nay vẫn chưa lên sàn. Trao đổi với ĐTCK, ông Nguyễn Hữu Y, Phó tổng giám đốc Công ty cho hay, theo quy định Công ty đang vướng phần phải trả các khoản nợ tồn đọng từ khi Công ty còn là DNNN. Đến nay, Công ty đã trả được gần 90% khoản nợ đọng, nhưng để đủ tiêu chuẩn niêm yết, Công ty vẫn phải hoàn tất việc trả khoản nợ này. Theo ông Y, lên sàn vào thời điểm hiện nay là khá phù hợp, bởi TTCK đang có xu hướng tích cực. CTCP Cấp thoát nước Quảng Nam sẽ cố gắng để lên sàn trong năm nay. Hiện Công ty có vốn điều lệ 216 tỷ đồng.
Trong năm 2014, ngoài kế hoạch chào bán 7 triệu cổ phiếu để tăng vốn (vốn hiện tại là 430 tỷ đồng) và phát hành cổ phiếu ESOP cho người lao động, CTCK Thiên Việt (TVS) dự kiến sẽ đưa cổ phiếu lên niêm yết trong quý III/2014.
Tại ĐHCĐ mới đây của Ngân hàng TMCP Kỹ thương (Techcombank), Ngân hàng đã trình xin cổ đông về kế hoạch niêm yết trong thời gian tới.
Đại diện Sở GDCK TP. HCM (HOSE) cho biết, hiện Sở đã tiếp nhận một số hồ sơ xin niêm yết, dự báo số DN nộp hồ sơ niêm yết sẽ tăng mạnh sau tháng 4, khi các DN có báo cáo kiểm toán và được ĐHCĐ thông qua.
Trong kế hoạch đưa các DN lên niêm yết mới trong năm 2014, HOSE đặt mục tiêu khối lượng cổ phiếu niêm yết mới trong năm nay cao hơn nhiều so với năm 2013 và đạt tương tự so với năm 2012. Còn HNX đặt mục tiêu đưa thêm tối thiểu 15 DN lên niêm yết mới (cao gấp đôi so với năm 2013). Tuy nhiên, theo hai sở, kế hoạch đưa các DN lên niêm yết chỉ mang tính tương đối, bởi rất khó để đặt mục tiêu cụ thể vì phụ thuộc vào nhiều yếu tố như ý chí chủ quan của DN, diễn biến thị trường, tiêu chuẩn niêm yết mới…
Mặc dù vậy, HNX cho rằng, năm 2014 sẽ là năm có sự phát triển mạnh về quy mô niêm yết. Nghị định số 108/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định, các công ty đại chúng đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng phải cam kết đưa chứng khoán vào giao dịch trên thị trường tập trung trong thời hạn một năm kể từ ngày kết thúc đợt chào bán. Trong khi đó, với chủ trương đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã được Nghị quyết của Chính phủ thông qua, dự kiến trong năm 2014 và 2015 sẽ có trên 400 DN thực hiện bán cổ phần lần đầu ra công chúng. Như vậy, trong thời gian tới sẽ bùng nổ số lượng DN lên sàn, trong đó có những DN lớn, hoạt động hiệu quả, giúp nhà đầu tư có nhiều lựa chọn cổ phiếu để đầu tư hơn.
Trong một diễn biến khác, số DN có nguy cơ bị hủy niêm yết bắt buộc và một số DN xin hủy niêm yết tự nguyện có xu hướng tăng, khiến nhiều nhà đầu tư lo lắng, nhất là những nhà đầu tư đang trực tiếp nắm cổ phiếu của các DN này. Đứng trên phương diện bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư, lãnh đạo HNX cho rằng, khi số lượng DN niêm yết ngày một gia tăng thì cũng cần có sự “thanh lọc hàng hóa” để giữ được niềm tin của nhà đầu tư. Nhưng để đảm bảo nhà đầu tư vẫn có “cửa” để giao dịch, theo quy chế mới, các DN sau khi hủy niêm yết phải đưa cổ phiếu vào giao dịch trên sàn UPCoM.