Chỉ sau nửa chặng đường, Petrolimex đã hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm 2024.

Chỉ sau nửa chặng đường, Petrolimex đã hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm 2024.

Nhiều doanh nghiệp niêm yết vượt khó về đích

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cộng đồng doanh nghiệp đã đi qua gần ba phần tư chặng đường kinh doanh năm 2024 đầy khó khăn và thách thức. Ứng biến linh hoạt và tìm lối đi riêng, không ít doanh nghiệp đã về đích sớm.

Cán đích sớm

Đối mặt với khó khăn kéo dài trong năm 2023 khi sức cầu tiêu dùng của nhiều thị trường lớn trên toàn cầu sụt giảm, nên khi bước vào năm 2024, nhiều doanh nghiệp dệt may trong nước khá thận trọng và chủ động tìm các biện pháp thích ứng.

Đa dạng thị trường, sản phẩm, tối ưu chi phí sản xuất, quản trị dòng tiền, hàng tồn kho để giảm thiểu rủi ro tài chính… là các giải pháp nhiều doanh nghiệp ngành dệt may thực hiện và đã gặt hái được thành công.

Công ty cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (mã chứng khoán TCM) vừa công bố kết quả kinh doanh 7 tháng đầu năm khả quan khi vượt kế hoạch lợi nhuận cả năm 2024.

Cụ thể, doanh thu luỹ kế 7 tháng đầu năm 2024 của TCM đạt gần 91,42 triệu USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt 58% so với kế hoạch năm.

Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 7 triệu USD, tăng 32% so với cùng kỳ năm ngoái và ước đạt 102% so với kế hoạch cả năm 2024. Đến thời điểm hiện tại, Công ty đã nhận khoảng 90% kế hoạch doanh thu cho đơn hàng quý III/2024 và khoảng 82% kế hoạch doanh thu đơn hàng quý IV/2024.

Nhận định thị trường, TCM cho rằng, từ giờ đến cuối năm, nếu không xảy ra biến động quá lớn về kinh tế hay địa chính trị thì ngành dệt may sẽ tốt lên do thông thường mùa cao điểm dệt may rơi vào quý IV, nhu cầu mua sắm tăng cao.

Tuy nhiên, lãnh đạo TCM đánh giá, dù có tín hiệu tích cực hơn so với năm trước, nhưng ngành dệt may Việt Nam vẫn đối diện với nhiều thách thức khi ngày càng nhiều thị trường nhập khẩu dệt may lớn đưa ra những quy định mới mang tính bắt buộc liên quan tới quyền con người và môi trường trong chuỗi cung ứng.

Ngoài ra, các yếu tố xung đột địa chính trị, lạm phát trên thế giới dẫn đến chi phí ngày càng tăng cao, ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Công ty cổ phần May 10 (mã chứng khoán M10) cho biết, Công ty tự tin sẽ về đích kế hoạch kinh doanh năm 2024 cả mục tiêu doanh thu và lợi nhuận. Hiện đơn hàng Công ty đã nhận đến hết quý IV. Năm 2024, May 10 đặt mục tiêu doanh thu đạt 4.500 tỷ đồng, vượt 6,6% so với năm 2023 và lợi nhuận đạt 130 tỷ đồng, vượt 5,7% so với năm 2023.

Bên cạnh các kinh tế vĩ mô thuận lợi, việc tối ưu chi phí, nâng cao năng suất cũng là các yếu tố quan trọng để nhiều doanh nghiệp lấy lại đà tăng trưởng, cán đích kế hoạch kinh doanh 2024 sớm.

Không chỉ với các doanh nghiệp ngành dệt may, sự phục hồi kinh tế trong nước và nhu cầu của các thị trường nước ngoài cũng là động lực chính thúc đẩy nhiều doanh nghiệp ở các ngành nghề khác có kết quả kinh doanh khởi sắc.

Chẳng hạn, nửa đầu năm 2024, Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (RAL) đạt 4.950 tỷ đồng doanh thu thuần và 332 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 35% và 13% so với cùng kỳ năm ngoái.

Năm 2024, RAL lên kế hoạch doanh thu đạt 7.050 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 388 tỷ đồng. Với mức lợi nhuận trước thuế 6 tháng đạt 351 tỷ đồng, RAL đã hoàn thành hơn 90% mục tiêu cả năm.

Theo lý giải của RAL, kết quả kinh doanh bán niên 2024 tăng trưởng tốt nhờ Công ty đã áp dụng chuyển đổi số mạnh mẽ thông qua xây dựng nền sản xuất thông minh, tự động hóa và nâng cao tự động hóa các khâu trong dây chuyền.

Trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, đánh bắt thủy sản, Công ty đã nghiên cứu, phát triển và đưa ra thị trường các giải pháp chiếu sáng chuyên dụng giúp tiết kiệm năng lượng, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân.

Tương tự, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex, mã chứng khoán PLX) cũng thông báo đã vượt kế hoạch lợi nhuận cả năm 2024 chỉ sau nửa chặng đường. Cụ thể, lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, Petrolimex đạt gần 149.000 tỷ đồng doanh thu, tăng 12% so với cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế đạt 2.955 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 2.407 tỷ đồng, tăng 59%.

Năm nay, Petrolimex đặt kế hoạch doanh thu 188.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 2.900 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc nửa đầu năm, Tập đoàn đã thực hiện được 79% mục tiêu doanh thu và vượt 1,5% chỉ tiêu lãi trước thuế.

Petrolimex cho biết, kết quả kinh doanh bán niên khởi sắc là do hoạt động kinh doanh xăng dầu ổn định, có hiệu quả và sản lượng bán tăng so với năm 2023. Bên cạnh đó, nguồn cung năng lượng và giá bán dầu thế giới ổn định, không biến động mạnh như các năm.

Ngoài ra, nguồn cung xăng dầu từ các nhà máy lọc dầu trong nước khá ổn định, các thương nhân thực hiện nhập mua xăng dầu theo đúng kế hoạch và đảm bảo kế hoạch. Hoạt động kinh doanh thuộc các lĩnh vực khác của Tập đoàn hoạt động ổn định và có tăng trưởng so với cùng kỳ.

Lạc quan trở lại

Trong tháng 7/2024, Ngân hàng UOB công bố Nghiên cứu Triển vọng doanh nghiệp năm 2024, khảo sát trên 4.000 doanh nghiệp tại 7 thị trường lớn ASEAN và Trung Quốc, trong đó có 525 doanh nghiệp tại Việt Nam, kết quả cho thấy hầu hết các doanh nghiệp ở Việt Nam lạc quan về môi trường kinh doanh hiện tại.

Theo đó, gần 90% doanh nghiệp tại Việt Nam kỳ vọng triển vọng năm 2024 sẽ tích cực với hiệu quả kinh doanh được cải thiện. ASEAN chính là điểm đến hàng đầu cho các doanh nghiệp Việt Nam muốn mở rộng hoạt động ra nước ngoài trong 3 năm tới

Theo UOB, bất chấp những bất ổn đang diễn ra như căng thẳng địa chính trị và nhu cầu toàn cầu chững lại, các nền kinh tế trong khu vực ASEAN vẫn duy trì sự ổn định.

Khu vực này sẽ tiếp tục phát triển với nền tảng vững chắc được thúc đẩy bởi tầng lớp trung lưu đang phát triển nhanh, lực lượng lao động trẻ và năng động, khả năng kết nối ngày càng tăng và đầu tư trực tiếp nước ngoài mạnh mẽ.

Trong đó, với kinh tế Việt Nam, đà phục hồi tích cực là tiền đề quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng của doanh nghiệp. Dự báo, 2024 là năm mà kinh tế - xã hội Việt Nam tiếp tục đạt được những kết quả tích cực và khá toàn diện.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự kiến có 14/15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra, trong đó đạt và vượt toàn bộ các chỉ tiêu về xã hội. Bên cạnh đó, nhiều chỉ tiêu quan trọng về kinh tế cũng sẽ đạt và vượt mục tiêu đề ra, mà một trong số này chính là tăng trưởng GDP. Tăng trưởng GDP Việt Nam có thể đạt 6,8 - 7%.

Theo dự báo, năm 2024, khu vực công nghiệp phục hồi tích cực trở lại, tốc độ tăng trưởng năm 2024 ước đạt 8% và tiếp tục là động lực quan trọng dẫn dắt tăng trưởng kinh tế.

Khu vực dịch vụ cũng được dự báo tiếp tục đà tăng trưởng, tốc độ tăng trưởng năm 2024 có thể đạt 7%. Khu vực nông - lâm nghiệp có thể sẽ khó khăn hơn, sau những ảnh hưởng của cơn bão Yagi. Tuy vậy, triển vọng của nền kinh tế vẫn khả quan.

“Doanh nghiệp nhiều nhóm ngành sẽ có tăng trưởng tích cực cùng đà phục hồi của nền kinh tế như xuất khẩu, bán lẻ, dịch vụ dầu khí…”, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận định.

Ngoài ra, theo ông Minh, các doanh nghiệp ngành bất động sản được kỳ vọng sớm trở lại đường đua khi các vấn đề pháp lý được tháo gỡ, bất động sản khu công nghiệp tiếp đà bứt phá cùng dòng vốn FDI vào Việt Nam mạnh mẽ từ đầu năm đến nay, kéo theo nhu cầu thuê kho, nhà xưởng tại khu công nghiệp tăng lên.

Dù khó khăn, thách thức luôn hiện hữu dưới hình thức này hay hình thức khác trên chặng đường kinh doanh, nhưng với việc “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, các doanh nghiệp đã vượt qua, thành công cán đích.

Tin bài liên quan