Doanh nghiệp xây dựng, vật liệu xây dựng đang chịu nhiều khó khăn.

Doanh nghiệp xây dựng, vật liệu xây dựng đang chịu nhiều khó khăn.

Nhiều doanh nghiệp niêm yết khó về đích lợi nhuận

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tính đến ngày 20/10/2022, có khoảng gần 300 doanh nghiệp công bố báo cáo tài chính quý III/2022. Trong đó, nhiều doanh nghiệp thua lỗ, hoặc suy giảm mạnh lợi nhuận.

Những điểm sáng

Thống kê sơ bộ của FiinTrade cho thấy, lợi nhuận sau thuế quý III/2022 của 212 doanh nghiệp (bao gồm 16 ngân hàng) đã công bố báo tài chính quý III/2022 ghi nhận mức tăng trưởng 23,8% so với cùng kỳ, trong đó có 16 ngân hàng có lợi nhuận sau thuế tăng 59% so với cùng kỳ, đóng góp chủ yếu (86%) vào mức tăng trưởng lợi nhuận chung.

Trong đó, VPBank ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận 66% so với cùng kỳ năm ngoái, VIB tăng 101%, Sacombank tăng 92% và MBB tăng 69%, nhờ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tín dụng.

Tính chung 9 tháng, lợi nhuận sau thuế của 16 ngân hàng ghi nhận tăng trưởng bình quân 44,8% so với cùng kỳ và hoàn thành 80% kế hoạch cả năm 2022, cho thấy khả năng cao ngành ngân hàng sẽ hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm 2022 với mức tăng trưởng chung dự kiến là 30 - 35%.

Một số ngân hàng còn dư địa tăng trưởng tín dụng, bao gồm HDB, MBB và VPB, dự kiến có lợi nhuận tiếp tục tăng trưởng trong quý IV/2022. Theo thống kê của FiinTrade, nhóm doanh nghiệp đang duy trì được tốc độ tăng trưởng lợi nhuận ô tô và phụ tùng, cảng hàng không, trong khi nhóm tiện ích (điện, nước, khí đốt) và hóa chất đang ghi nhận sụt giảm. Đối với nhóm ô tô và phụ tùng, nhu cầu tiêu thụ hồi phục mạnh hậu đại dịch là yếu tố hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng lợi nhuận của Haxaco (HAX) và Cao su Đà Nẵng (DRC).

Trong số 15 doanh nghiệp ngành điện đã công bố kết quả kinh doanh với tổng lợi nhuận tăng trưởng so với cùng kỳ, QTP và HND là hai doanh nghiệp có lợi nhuận sau thuế tăng tốc nhờ sản lượng tiêu thụ, giá bán cùng tăng.

Fiin Trade kỳ vọng hai doanh nghiệp nhiệt điện này sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt trong quý cuối năm 2022 và nửa đầu năm 2023 nhờ nền so sánh thấp và áp lực tăng giá điện hiện hữu.

Gam màu tối

Sản lượng tiêu thụ thấp kỷ lục, trong khi giá thép giảm sâu tạo nên “cơn bão kép” đối với nhóm doanh nghiệp ngành thép trong quý III/2022. Có tới 5 trong số 7 doanh nghiệp thép đã công bố báo cáo tài chính quý III/2022 ghi nhận lợi nhuận giảm sâu so với cùng kỳ.

Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (mã TIS) ghi nhận lỗ 25 tỷ đồng trong quý III/2022, trong khi cùng kỳ lãi 10 tỷ đồng. Đây cũng là quý lỗ nặng nhất trong 9 năm của doanh nghiệp.

Thép Thủ Đức - VNSteel (mã TDS) cũng ghi nhận lỗ 29,5 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số lỗ 643 triệu đồng cùng kỳ năm ngoái. Hàng tồn kho Công ty tới cuối kỳ là 420 tỷ đồng.

Với tình trạng này, khả năng hoàn thành kế hoạch năm 2022 của VGS là rất thấp.

Bà Nguyễn Thị Nhi, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Thép Việt Đức (mã VGS)

Bà Nguyễn Thị Nhi, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Thép Việt Đức (mã VGS) cho biết, các doanh nghiệp ngành thép nói chung đang chịu tác động tiêu cực từ suy thoái kinh tế toàn cầu, lạm phát tăng cao, xung đột giữa Nga - Ukraine.

Tiêu thụ hàng hóa chậm, tồn kho giá cao, giá cả vật tư thu mua biến động thất thường, nhiều doanh nghiệp trong tình trạng giá bán không đủ bù đắp giá vốn, làm lợi nhuận sụt giảm mạnh, thậm chí thua lỗ. Lãi suất ngân hàng trong xu hướng tăng tiếp tục chồng thêm gánh nặng chi phí lên các doanh nghiệp.

“Chúng tôi đang làm báo cáo tài chính quý III/2022, nhưng kết quả đã sớm được dự báo không mấy khả quan. Với tình trạng này, khả năng để hoàn thành kế hoạch năm 2022 của VGS là rất khó”, bà Nhi chia sẻ.

Trong khi đó, Công ty cổ phần Pomina (POM) đã dừng hoạt động sản xuất lò cao (BF) từ ngày 23/9/2022. Giá bán các sản phẩm từ thép, phôi thép giảm liên tiếp và nhà máy phải đương đầu với khủng hoảng trong bối cảnh kinh tế chững lại trên toàn cầu. Trước đó, Pomina ghi nhận khoản lỗ gần 64 tỷ đồng trong quý II/2022.

So với các quý trước thì Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (mã HPG) ra báo cáo tài chính có phần muộn hơn, giới phân tích đang đưa ra ước tính lợi nhuận sau thuế quý III của doanh nghiệp có thể giảm khoảng 80% so với cùng kỳ. Như chia sẻ của ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị HPG thì “kết quả kinh doanh của ngành thép rất thê thảm vì không thuận lợi”.

Khó khăn cũng là tình cảnh chung của các doanh nghiệp vật liệu xây dựng. Công ty cổ phần Vicostone (mã VCS) vừa báo cáo doanh thu và lợi nhuận sau thuế quý III/2022 giảm lần lượt 41,3% và 58,8% so với cùng kỳ, do đơn hàng từ các thị trường lớn như Bắc Mỹ và châu Âu đều sụt giảm.

Quý IV, chưa hết khó

Sức cầu tại các thị trường xuất khẩu chủ chốt của Vicostone trong các tháng cuối năm khó có thể hồi phục do lạm phát tại các thị trường này chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Bên cạnh đó là áp lực cạnh tranh gay gắt hơn từ các đối thủ, bao gồm đá tự nhiên và đá nhân tạo.

Theo chia sẻ của lãnh đạo một doanh nghiệp thép đang niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE cho biết, “ngành thép có thể tiếp tục chịu áp lực đến hết năm 2023, nếu Chính phủ có những chính sách hỗ trợ kịp thời”.

Từ đầu năm đến nay, mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt trong bối cảnh yêu cầu phục hồi nhanh và bền vững của nền kinh tế, đã có nhiều văn bản chỉ đạo được ban hành, thành lập 6 tổ công tác để kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Mặc dù vậy, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước 9 tháng ước đạt 334.500 tỷ đồng, bằng 58,7% kế hoạch năm.

Đến tại thời điểm hiện tại, nhiều doanh nghiệp cho biết vẫn chưa có ý định điều chỉnh lại kế hoạch cả năm mà vẫn cố gắng bám sát vào tình hình thực tiễn, dù kết quả kinh doanh 3 quý đầu năm không đạt được như kỳ vọng.

Ông Phạm Việt Khoa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Fecon (mã FCN) cho biết, 2022 có thể nói là một năm “tài khốc” đối với doanh nghiệp ngành xây dựng nói chung và bản thân các doanh nghiệp trong ngành sống bám trụ đã là một nỗ lực lớn.

“Biên lợi nhuận của ngành xây dựng đang chịu nhiều áp lực khi chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng cao và lượng cung bất động sản trên thị trường nhà ở suy giảm, cũng như tác động lan tỏa từ đầu tư công chưa đạt kỳ vọng. Nhiều hợp đồng chúng tôi đã ký với đối tác trong quý I, quý II thì nay giá vật liệu đã điều chỉnh tăng mạnh, điều này khiến doanh nghiệp nhà thầu chịu nhiều thiệt hại”, ông Khoa chia sẻ.

Fecon đang đẩy mạnh hoạt động thi công xây dựng công nghiệp và xây dựng hạ tầng, đặc biệt là những công trình có kết cấu đặc biệt. Dù vậy, theo ông Khoa, việc hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2022 là một thách thức lớn đối với doanh nghiệp.

Trong khi với nhóm ngân hàng, dù ghi nhận lợi nhuận tích cực trong quý III/2022 nhưng theo dự báo của FiinTrade, sang năm 2023, lợi nhuận ngành ngân hàng có thể bị ảnh hưởng tiêu cực bởi một số yếu tố. Đó là, NIM dự kiến bị thu hẹp do chi phí vốn tăng lên sau khi các ngân hàng tăng lãi suất huy động và áp lực nợ xấu tăng dưới hệ lụy từ những xáo trộn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp và sự trầm lắng của thị trường bất động sản gần đây, đặc biệt là ở những ngân hàng có phân bổ tín dụng trái phiếu lớn trên tổng cơ cấu dư nợ tín dụng.

Tin bài liên quan