Nhiều doanh nghiệp lỡ hẹn đại hội trước tháng 7

Nhiều doanh nghiệp lỡ hẹn đại hội trước tháng 7

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Quá thời hạn cuối cùng (30/6) theo quy định tại Luật Doanh nghiệp, nhưng trên sàn chứng khoán, số doanh nghiệp chưa tổ chức đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) còn rất nhiều. 

Hết thời gian gia hạn vẫn chưa tổ chức đại hội

Theo quy định của Luật Doanh nghiệp hiện hành, ĐHCĐ phải họp thường niên trong thời hạn 4 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính.

Theo đề nghị của hội đồng quản trị, cơ quan đăng ký kinh doanh có thể gia hạn, nhưng không quá 6 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính...

Điều này có nghĩa là, với những doanh nghiệp có năm tài chính bắt đầu từ ngày 1/1- 31/12, trong trường hợp được cơ quan đăng ký kinh doanh gia hạn, thì thời hạn muộn nhất doanh nghiệp phải họp ĐHCĐ là ngày 30/6.

Thế nhưng, hiện đã sang tháng 7, nhưng khác với mọi năm, đến nay, danh sách các doanh nghiệp chưa tiến hành ĐHCĐ vẫn còn rất dài.

Bên cạnh một số tập đoàn, tổng công ty quy mô lớn và hiện là các doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực hàng không, dệt may…, nhiều doanh nghiệp quy mô nhỏ trên sàn chứng khoán như CTCP Đầu tư Địa ốc Khang An (KAC), CTCP Bao bì Tiền Giang (BTG)… không kịp tổ chức họp ĐHCĐ thường niên năm 2020 trước ngày 30/6.

Về nguyên nhân, theo thông tin từ nhiều doanh nghiệp trong ngành hàng không, dệt may, là do đến nay công tác chuẩn bị các nội dung đại hội vẫn chưa hoàn thành.

Vì vậy, hội đồng quản trị các công ty đã chốt kế hoạch tổ chức họp ĐHCĐ vào giữa tháng 7 này, thậm chí có trường hợp lịch họp kéo dài sang đầu tháng 8/2020.

Nhiều doanh nghiệp lỡ hẹn đại hội trước tháng 7  ảnh 1

Vào tháng 4/2020, tuy đã được Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Tiền Giang gia hạn tổ chức ĐHCĐ đến hết tháng 6/2020, nhưng CTCP Bao bì Tiền Giang đã không kịp họp đúng theo luật định.

Nguyên nhân của tình trạng chậm trễ này theo Công ty là do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nên Công ty xin gia hạn họp ĐHCĐ…

Những tháng đầu năm nay, đại dịch Covid-19 bùng phát và Chính phủ đã thực hiện biện pháp giãn cách xã hội để phòng chống dịch bệnh. Điều này ảnh hưởng đến kế hoạch họp ĐHCĐ của các doanh nghiệp.

Trước thực tế này, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đã gợi mở cho doanh nghiệp chọn hình thức họp trực tuyến.

Tuy nhiên, do điều lệ nhiều công ty chưa đề cập đến hình thức họp này, nên các doanh nghiệp không thể triệu tập ĐHCĐ trực tuyến.

May mắn là tình hình dịch bệnh ở Việt Nam vào đầu tháng 5 cơ bản được kiểm soát, cùng với các biện pháp nới lỏng về giãn cách xã hội, nên nhiều doanh nghiệp đã bắt tay vào công tác chuẩn bị, để khi đời sống kinh tế - xã hội trở lại trạng thái “bình thường mới” thì tổ chức đại hội.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đã không làm được điều này, nên đang đối mặt với nguy cơ bị xử phạt vì vi phạm quy định của Luật Doanh nghiệp…

Việc quá chậm trễ họp ĐHCĐ ảnh hưởng đến quyền lợi của cổ đông, cũng như tác động tiêu cực đến hoạt động của doanh nghiệp.

Trên thực tế, kỳ họp này không chỉ đơn thuần thông qua kế hoạch sản xuất, kinh doanh trong năm để làm cơ sở cho doanh nghiệp triển khai, cũng như các cổ đông giám sát, mà còn là dịp gần như duy nhất trong năm cổ đông có cơ hội trực tiếp gặp gỡ ban lãnh đạo doanh nghiệp để chất vấn, làm rõ những vấn đề nóng mà cổ đông, nhà đầu tư quan tâm.

Mặt khác, ĐHCĐ cũng là dịp để bàn thảo, thông qua các chiến lược tái cấu trúc, đường hướng lớn về phát triển của doanh nghiệp…

Một khi các vấn đề lớn này chậm được thông qua, thì đương nhiên ảnh hưởng không tích cực đến quyền và lợi ích của cổ đông, cũng như đường hướng phát triển của doanh nghiệp… 

Chậm đại hội vì covid-19, doanh nghiệp có bị xử phạt?

Trả lời câu hỏi của phóng viên Đầu tư Chứng khoán, có bao nhiêu doanh nghiệp niêm yết, đăng ký giao dịch trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đến nay chưa họp ĐHCĐ, đại diện UBCK cho biết đang theo dõi để thống kê số lượng doanh nghiệp vi phạm, từ đó có hướng xử lý.

“Với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán là công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ mà vi phạm về thời hạn tổ chức họp ĐCHĐ thường niên năm nay, UBCK sẽ xem xét mức độ, tính chất vi phạm để xử phạt. Với các doanh nghiệp niêm yết, đăng ký giao dịch không phải là công ty hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán, UBCK sẽ tổng hợp thông tin, để phối hợp, thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh là sở kế hoạch và đầu tư các tỉnh để xử phạt các doanh nghiệp theo luật định...”, đại diện UBCK cho hay.

Liên quan đến mức xử phạt với các doanh nghiệp vi phạm quy định về thời hạn tổ chức họp ĐHCĐ thường niên, Nghị định 50/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, quy định: phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng đối với hành vi không tiến hành họp ĐHCĐ thường niên trong thời hạn quy định…

Trên thực tế, để tháo gỡ cho các doanh nghiệp gặp khó khăn bởi dịch bệnh Covid-19, Bộ Tài chính đã kiến nghị Chính phủ gia hạn thời hạn họp ĐHCĐ thường niên năm 2020 tới trước ngày 30/9, thay vì 36/6 như quy định hiện hành. Tuy nhiên, đề xuất này chưa được cấp có thẩm quyền thông qua.

Câu hỏi đặt ra là liệu cơ quan quản lý có căn cứ vào thực tế là vì lý do bất khả kháng nên doanh nghiệp không thể tiến hành họp ĐHCĐ như luật định để miễn hình phạt cho họ?

Một chuyên gia trong lĩnh vực pháp luật về doanh nghiệp cho rằng, với tình huống hiện nay là không thể, vì Luật Doanh nghiệp hiện hành không có cơ chế cho sự linh hoạt này, nên các doanh nghiệp sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.   

Doanh nghiệp cần khắc phục tình trạng chậm họp cổ đông

Nhiều doanh nghiệp lỡ hẹn đại hội trước tháng 7  ảnh 2

Ông Phan Đức Hiếu. Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương.

ĐHCĐ là sự kiện quan trọng không chỉ với doanh nghiệp, mà cả với các cổ đông. Bởi tại đây, nhiều quyết sách về chiến lược, phương hướng hoạt động của công ty sẽ được xem xét thông qua để hoạch định đường hướng phát triển mới cho doanh nghiệp. Với tầm quan trọng như vậy, ĐHCĐ dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng không được tiến hành theo kiểu “cho xong”.

Những doanh nghiệp đến nay chưa tổ chức ĐHCĐ thường niên năm 2020, vi phạm Luật Doanh nghiệp nên bị xem xét xử lý vi phạm hành chính.

Việc các doanh nghiệp chậm triển khai ĐHCĐ vì đại dịch Covid-19 cho thấy khả năng ứng phó và thích nghi với các tình huống biến động từ thực tế đời sống kinh tế - xã hội, môi trường kinh doanh… của doanh nghiệp Việt Nam chưa tốt. Đây là điều các doanh nghiệp cần có giải pháp khắc phục trong thời gian tới, để khi đối mặt với các tình huống khó khăn, thách thức thì vẫn tuân thủ được quy định pháp lý, chứ không phải rơi vào tình huống vi phạm như hiện nay.

Tin bài liên quan