Doanh nghiệp may, nhựa đi làm khu công nghiệp
Là doanh nghiệp chuyên kinh doanh xuất nhập khẩu hàng dệt may gia dụng, nhưng mới đây, Công ty cổ phần Sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Gilimex, GIL) quyết định mở rộng hoạt động sang lĩnh vực phát triển khu công nghiệp.
Cụ thể, GIL đã tổ chức họp Đại hội cổ đông bất thường trình xin ý kiến cổ đông về việc bổ sung ngành nghề kinh doanh và đầu tư dự án Khu công nghiệp Phú Bài 4 (Thừa Thiên - Huế).
Lãnh đạo GIL cho biết, mảng kinh doanh mới kỳ vọng sẽ góp phần mang lại lợi nhuận bền vững cho Công ty trong thời gian tới.
Khu công nghiệp Phú Bài nằm ở thị xã Hương Thủy (Thừa Thiên - Huế) có quy mô đất khoảng 507 ha, dự kiến triển khai làm hai đợt; trong đó, đợt 1 có tổng diện tích 420 ha và đợt 2 là 87 ha.
GIL có kế hoạch đầu tư dự án này thành "khu công nghiệp xanh, công nghệ sạch, công nghệ tiên tiến”.
Vốn đầu tư thực hiện dự án là 3.000 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu 500 tỷ đồng và vốn huy động từ các ngân hàng, nhà đầu tư thứ cấp là 2.500 tỷ đồng. Đơn vị thực hiện dự án là Công ty cổ phần Khu công nghiệp Gilimex, công ty con của GIL.
Theo GIL, Công ty sẽ hoàn thành các thủ tục xin cấp quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư cho dự án trong năm 2020; đồng thời, tiến hành giải phóng mặt bằng đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, các công trình tiện ích.
Mới đây, Công ty TNHH Khu công nghiệp kỹ thuật cao An Phát (An Phát Complex) đã ký kết hợp đồng cho Công ty TNHH MTC Shenzen đến từ Thẩm Quyến (Trung Quốc) thuê làm nhà xưởng, nâng tỷ lệ cho thuê khu công nghiệp lên 65%.
An Phát Complex là công ty con của Tập đoàn An Phát Holdings (AAA), doanh nghiệp hoạt động trong ngành nhựa và bao bì màng mỏng.
Được biết, dự án Kenmark Việt Hòa của chủ đầu tư Đài Loan, sau 10 năm bỏ hoang đã được An Phát Holdings mua lại và đưa vào khai thác từ đầu năm 2019. Khu công nghiệp có diện tích 46 ha, AAA dự kiến sẽ nâng tỷ lệ lấp đầy lên 75 - 80% vào cuối năm nay.
Bên cạnh đó, An Phát Complex cũng đang có kế hoạch đầu tư thêm một khu công nghiệp nữa tại Hải Dương là Khu công nghiệp Quốc Tuấn - An Bình.
Đây là khu công nghiệp thuộc huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương, có vị trí nằm tiếp giáp phía Tây quốc lộ 37 tại đoạn Km 69, thuộc địa giới hành chính 3 xã Quốc Tuấn, An Bình, An Lâm của huyện Nam Sách.
Khu công nghiệp Quốc Tuấn - An Bình trong giai đoạn 1 dự kiến sẽ khai thác 180 ha và hoàn thành vào cuối năm 2020.
Doanh nghiệp cao su hưởng lợi từ cho thuê đất
Nhìn vào cơ cấu doanh thu của Công ty cổ phần Cao su Phước Hòa trong 9 tháng đầu năm, có thể thấy, doanh thu từ cho thuê đất và phí sử dụng hạ tầng khu công nghiệp gia tăng mạnh mẽ, từ 31 tỷ đồng năm ngoái lên 375 tỷ đồng năm nay.
Đáng chú ý, Cao su Phước Hòa có khoản lợi nhuận đột biến từ tiền đền bù đất do vườn cao su bị lấy lại làm khu công nghiệp VSIP 3.
Cụ thể, VSIP sẽ bồi thường cho Cao su Phước Hòa bình quân 1,3 tỷ đồng/ha, tương ứng 898,3 tỷ đồng hỗ trợ thiệt hại cây cao su do thanh lý sớm. Số tiền này sẽ được chi trả trong hai năm 2019, 2020.
Bắt đầu từ tháng 9/2019, VSIP sẽ chia cho Cao su Phước Hòa 20% lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh cho thuê, số tiến này được chia theo tiến độ cho thuê đất. Ngoài ra, VSIP sẽ trả tiền đền bù cho Công ty đối với tài sản khác trên đất (gồm đường giao thông, mương, cống…).
Cao su Phước Hòa cho biết, hai bên cũng đang thống nhất những điều khoản cuối cùng để ký hợp đồng hợp tác kinh doanh; trong đó, Công ty sẽ góp 20% vốn điều lệ vào dự án VSIP 3 và được chia lợi nhuận theo kết quả hoạt động kinh doanh hàng năm của toàn bộ dự án.
Bên cạnh đó, Khu công nghiệp Tân Bình được Công ty mở rộng và trong kế hoạch phát triển 3 tháng cuối năm 2019, Công ty nhấn mạnh, sẽ tổ chức xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước vào khu công nghiệp này.
Phước Hòa là một trong số nhiều doanh nghiệp ngành cao su đang chuyển đổi sang làm bất động sản khu công nghiệp.
Công ty cổ phần Cao su Hòa Bình trong kế hoạch triển khai kinh doanh quý IV/2019 đã đề cập tới nội dung làm khu công nghiệp.
Cụ thể, Cao su Hòa Bình cho biết, Công ty tiếp tục xây dựng hoàn chỉnh kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025) và quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 - 2030, phối hợp với đối tác xây dựng chi tiết phương án quy hoạch và sử dụng đất theo quy định làm cơ sở trình các cấp thẩm quyền phê duyệt để triển khai dự án Khu công nghiệp - dịch vụ - tái định cư trong thời gian sớm.
Được biết, dự án này có quy mô khoảng 2.000 ha tại huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Hồi đầu năm nay, Công ty đã công bố sẽ hợp tác với Becamex IDC để triển khai dự án này.