Ảnh: Dũng Minh.

Ảnh: Dũng Minh.

Nhiều doanh nghiệp hưởng lợi từ tăng giá VND

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Năm 2020, VND tăng giá nhẹ khoảng 0,2% so với USD đã giúp nhiều doanh nghiệp có dư nợ vay ngoại tệ lớn hưởng lợi.

Diễn biến tích cực

Khối nghiên cứu kinh tế toàn cầu HSBC cho biết, diễn biến tỷ giá năm 2020 nhìn chung không giống như những năm trước, vì VND thậm chí đã tăng giá nhẹ khoảng 0,2% so với USD, trong khi thị trường ngoại hối gần như không có áp lực vào cuối năm.

Trên thị trường, các doanh nghiệp có dư nợ vay ngoại tệ lớn thường thuộc về ngành năng lượng, hàng không, dầu khí… Năm 2020, nhờ diễn biến thuận chiều của tiền đồng, bài toán tỷ giá đã bớt cân não, thậm chí doanh nghiệp được hưởng lợi lớn nhờ chênh lệch tỷ giá, từ đó báo lãi tích cực hoặc hỗ trợ phần nào kết quả kinh doanh trong bối cảnh bất lợi vì đại dịch.

Công ty cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng (HND) vừa công bố doanh thu thuần trước kiểm toán năm 2020 đạt gần 10.866 tỷ đồng, giảm 4% so với năm trước. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế đạt gần 1.452 tỷ đồng, tăng 24%.

Nguyên nhân chủ yếu nhờ tiết kiệm đáng kể các khoản chi phí, nhất là chi phí lãi vay giảm 30%, còn 268,3 tỷ đồng. Bên cạnh đó, lãi chênh lệch tỷ giá hối đoái do đánh giá lại các khoản mục có gốc ngoại tệ đạt 23,58 tỷ đồng, so với mức 6,9 tỷ đồng năm trước đó.

HND đang ghi nhận 3.429,5 tỷ đồng các khoản vay và nợ thuê tài chính, trong đó đa phần là khoản vay bằng đồng USD.

Trong khi đó, theo Tổng công ty Phát điện 3 – CTCP (Genco 3 – PGV), ước tính năm 2020, Công ty ghi nhận lợi nhuận trước thuế 2.244 tỷ đồng, hoàn thành vượt 47,45% kế hoạch được ĐHĐCĐ thông qua và gấp 1,53 lần năm 2019. Nguyên nhân chính là khoản lỗ do chênh lệch tỷ giá không còn lớn như năm trước.

Thường được nhắc tới với các khoản vay ngoại tệ lớn, Công ty cổ phần Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (NT2) cũng hưởng lợi khi VND tăng giá. Theo báo cáo tài chính quý IV/2020, NT2 ghi nhận doanh thu 6.082,2 tỷ đồng, giảm 20,5% so với năm 2019. Lợi nhuận sau thuế đạt 625,2 tỷ đồng, giảm 17%. Nhờ VND tăng giá, chi phí lãi vay trong năm là 38,2 tỷ đồng, giảm 56,5% so với năm 2019.

Nhờ VND tăng giá, chi phí lãi vay trong năm 2020 của NT2 là 38,2 tỷ đồng, giảm 56,5% so với năm 2019.

NT2 sở hữu 492,3 tỷ đồng các khoản vay dài hạn ngân hàng nước ngoài với dư nợ chủ yếu bằng USD và euro.

Theo số liệu của Công ty Chứng khoán Mirae Asset, một số doanh nghiệp có khoản vay ngoại tệ lớn sẽ hưởng lợi nhờ tỷ giá có thể kể đến như Công ty cổ phần Phân bón dầu khí Cà Mau (DCM); Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (HVN), Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư địa ốc No Va (NVL)…

VND sẽ còn tăng giá

Theo Công ty Chứng khoán VNDIRECT, việc VND tăng giá mang lại nhiều tác động tích cực đối với nền kinh tế. Thứ nhất, khiến nợ nước ngoài quy đổi ra VND giảm, từ đó giảm bớt áp lực cho doanh nghiệp và chính phủ.

Thứ hai, làm giảm áp lực lạm phát, đặc biệt là lạm phát nhập khẩu, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Thứ ba, VND tăng giá sẽ càng củng cố niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài, qua đó kích thích dòng vốn nước ngoài chảy mạnh hơn vào Việt Nam.

VNDIRECT dự báo, đồng tiền Việt Nam sẽ tiếp tục mạnh lên trong năm 2021 nhờ nhiều yếu tố thúc đẩy như kinh tế vĩ mô hồi phục nhanh, áp lực lạm phát được dự báo giảm, USD tiếp tục suy yếu, Nhân dân tệ (CNY) mạnh lên…

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, VND có thể tiếp tục tăng giá trong năm tới, trong đó nguyên nhân chính là USD sẽ suy yếu, không phải vì cáo buộc “thao túng tiền tệ” mà Bộ Tài chính Mỹ áp đặt đối với Việt Nam.

Cùng chung quan điểm, một số quỹ đầu tư đánh giá, VND đang thể hiện sự ổn định so với đà suy yếu của USD.

Trong thư gửi nhà đầu tư, quỹ Phần Lan PYN Elite cho biết, kể từ mùa xuân năm 2019, PYN đã thực hiện nghiệp vụ bảo đảm (hedging) danh mục đầu tư với những biến động tỷ giá liên quan tới đồng euro và USD.

Nếu USD mất giá, giá trị danh mục của PYN Elite sẽ giảm. Việc thực hiện nghiệp vụ bảo đảm có ý nghĩa rằng, Quỹ sẽ nhận được những khoản tương xứng với biến động tăng/giảm của hợp đồng tỷ giá. Điều này phần nào cân bằng lại tác động của biến đổi tỷ giá và hiệu suất đầu tư sẽ chỉ phụ thuộc vào sự thay đổi của giá cổ phiếu.

Diễn biến tỷ giá EUR/VND và EUR/USD năm 2020.

Diễn biến tỷ giá EUR/VND và EUR/USD năm 2020.

Chế độ kế toán của PYN Elite sử dụng đồng euro, trong khi danh mục đầu tư tính theo VND. VND được neo giá với USD, do đó, nó sẽ phản ánh những thay đổi nếu có của đồng bạc xanh.

Đồng euro đã giảm giá trong những năm qua do môi trường lãi suất thấp tại châu Âu so với Mỹ. Năm 2014, lãi suất đồng euro chỉ giảm nhẹ, nhưng tới năm 2019, cách biệt đã ở mức 3,3%, mức lớn nhất trong giai đoạn vừa qua. PYN dự đoán rằng, đồng USD sẽ tiếp tục suy yếu hơn trong năm 2021.

Diễn biến tỷ giá EUR/VND và EUR/USD năm 2020.

Diễn biến tỷ giá EUR/VND và EUR/USD năm 2020.

“Diễn biến tương đồng giữa tỷ giá EUR/VND và EUR/USD cho thấy, tỷ giá VND không phải vấn đề với chúng tôi. Vấn đề là những biến động giữa 2 đồng tiền chính là euro và USD. Nếu không sử dụng nghiệp vụ bảo đảm, NAV của PYN Elite có thể giảm khoảng 8% trong năm 2020. Điều này đồng nghĩa với việc đa phần hiệu quả đầu tư đã bị “bốc hơi”, ngay cả khi VND duy trì trạng thái ổn định so với USD”, ông Petri Deryng, nhà quản lý quỹ PYN cho biết.

Về việc Bộ Tài chính Mỹ từng công bố Việt Nam là một trong các quốc gia thao túng tiền tệ, từ góc nhìn của quỹ đầu tư, AFC Fund cho rằng, điều này là một minh chứng cho thấy sự ổn định của VND so với USD, cũng như nền kinh tế Việt Nam.

Là một quốc gia đang phát triển, tỷ lệ lạm phát 3 - 4%, chính quyền Mỹ khó có thể kỳ vọng biến động tăng giá mạnh của tiền đồng, nhất là khi đây là một trong những đồng tiền ổn định nhất thế giới so với USD.

Có 3 điểm mà Bộ Tài chính Mỹ đưa ra khi đánh giá Việt Nam thao túng tiền tệ. Thứ nhất, thặng dư thương mại lớn (nhưng đây luôn là một trong những mục tiêu của các quốc gia đang phát triển).

Thứ hai, lượng dự trữ ngoại tệ lớn. Đúng là dự trữ ngoại tệ của Việt Nam ở mức cao trong 1 - 2 năm qua, nhưng điều này xuất phát từ việc Việt Nam có xuất phát điểm thấp và dòng tiền có được chủ yếu nhờ đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Thứ ba, thặng dư tài khoản vãng lai lớn (xuất hiện khi quốc gia xuất khẩu nhiều hơn nhập khẩu, hoặc tiết kiệm nhiều hơn đầu tư…). Đây là tình trạng mà nước Đức, Thuỵ Sỹ và cả Thái Lan từng trải qua.

Việt Nam đang trở thành một đối tác chính trị quan trọng của Mỹ trong khu vực, trong khi mối quan hệ Mỹ - Philippines phai nhạt. Chính phủ mới của Tổng thống Biden nhiều khả năng sẽ tìm kiếm các thoả thuận thương mại với các quốc gia châu Á, thay vì tự cô lập nước Mỹ như chính quyền của Tổng thống Trump. Chính điều này sẽ càng tạo bệ đỡ vững vàng cho sự ổn định của VND, nhất là trong môi trường USD yếu trên toàn cầu.

Tin bài liên quan