Vừa qua, Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons (CTD) đã quyết định tăng vốn điều lệ công ty con thuộc sở hữu 100% vốn là Công ty TNHH Covestcons từ 26 tỷ đồng lên 1.872 tỷ đồng, nguồn thực hiện tăng vốn lấy từ quỹ đầu tư phát triển và thặng dư vốn cổ phần của CTD.
CTD cho biết, mục đích tăng vốn tại Covestcons là nhằm đầu tư vào các dự án tiềm năng. Bên cạnh kinh doanh bất động sản, Convestcons còn thực hiện kinh doanh quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê; tư vấn, môi giới, đấu giá bất động sản, đấu giá quyền sử dụng đất. Mức vốn của Convestcons sau khi tăng gấp 2,5 lần vốn của Công ty mẹ CTD (770,5
tỷ đồng).
Theo ông Vũ Duy Lam, Giám đốc Đầu tư CTD, Công ty nhìn nhận rằng, không phải năm nào thị trường bất động sản cũng tăng trưởng tốt, nên phải tranh thủ lúc thị trường đang còn tốt, Công ty phải tập trung nguồn lực đầu tư để có được nguồn thu lâu dài, ổn định.
Trước đó, Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (KBC) quyết định nâng vốn điều lệ tại Công ty TNHH MTV Phát triển Khách sạn Hoa Sen, công ty con 100% vốn của KBC, lên hơn 10 lần, đạt 1.500 tỷ đồng, nhằm phát triển Dự án Diamond Rice Flower (tên cũ là Lotus Hotel). Dự án này đã được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt, song vì thị trường bất động sản khó khăn nên KBC đã tạm hoãn triển khai. Với sự khởi sắc trở lại của thị trường bất động sản, KBC đã quyết định đầu tư vào lĩnh vực này. Đồng thời, Công ty đặt mục tiêu trong vài năm tới, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh bất động sản nhà ở sẽ chiếm trên 50% tổng lợi nhuận, dự kiến khoảng 500 tỷ đồng và tăng trưởng 30% mỗi năm.
Nâng vốn điều lệ tại các công ty con, nhiều doanh nghiệp mong muốn có thêm nguồn lực để đẩy mạnh triển khai các dự án và các thương vụ M&A. Thậm chí, không ít doanh nghiệp phối hợp thành lập công ty mới để phát triển từng dự án chuyên biệt. Chẳng hạn, Công ty cổ phần Dịch vụ và Xây dựng Địa ốc Đất Xanh (DXG) phối hợp với Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn (SGR) thành lập TNHH Đầu tư Sài Gòn Riverside nhằm phát triển Dự án SaigonRex Riverside tại phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP.HCM. Trong tổng mức vốn 950 tỷ đồng, DXG chiếm 75%.
Thực tế, sức hấp dẫn của thị trường bất động sản đã kích thích nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đổ vốn vào lĩnh vực này. Bên cạnh những doanh nghiệp có kinh nghiệm lâu năm thì cũng xuất hiện khá nhiều doanh nghiệp “tay ngang”. Sự ra đời của các dự án bất động sản mới làm tăng sức cạnh tranh trong ngành và thành công được nhận định không dành cho tất cả. Trong lịch sử đã có những doanh nghiệp lao đao khi dồn vốn vào mảng bất động sản, dẫn đến thua lỗ triền miên như Licogi13, Vinaconex ITC…
Ở lĩnh vực thép, một số tập đoàn, công ty có chuyển động tương tự khi tăng tỷ lệ sở hữu, tăng vốn điều lệ tại các công ty con. Công ty cổ phần Thương mại Thái Hưng đã nâng số lượng nắm giữ cổ phiếu Công ty cổ phần Thép Việt Ý (VIS) lên gần 32,1 triệu đơn vị, tương ứng 65,2% vốn điều lệ và cho biết, nếu thuận lợi thì doanh nghiệp có thể sẽ tiếp tục nâng tỷ lệ sở hữu tại VIS. Ngoài VIS, Thương mại Thái Hưng đang từng bước mua lại cổ phần, nâng tỷ lệ sở hữu lên cao hơn mức 20%, tiến đến việc nắm cổ phần chi phối tại Công ty cổ phần Giang Thép Thái Nguyên (TISCO), đặc biệt sau khi Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) phải rút toàn bộ vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng theo yêu cầu của Chính phủ và Bộ Tài chính.
Đầu tháng 9/2017, Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP (TVN) đã góp bổ sung vốn điều lệ tại Công ty TNHH Thép Miền Nam - VNSteel thêm 300 tỷ đồng, tăng vốn điều lệ tại công ty con này lên 1.000 tỷ đồng. Ngay sau đó, TVN có công văn phê duyệt kế hoạch tăng vốn điều lệ tại Thép Miền Nam lên 1.200 tỷ đồng, dự kiến sẽ thực hiện trong quý IV/2017 hoặc đầu năm 2018.
Thép Miền Nam là công ty con 100% vốn của TVN và là công ty con lớn nhất của Tổng công ty. Quyết định rót vốn vào Thép Miền Nam, TVN cho biết, thị trường bất động sản hồi phục, sự gia tăng các dự án xây dựng hạ tầng và nhiều chính sách hỗ trợ là những yếu tố sẽ thúc đẩy tăng trưởng của ngành thép.