Tạm gạt sang bên cạnh những DN chây ì, nói không với cổ tức, ở chiều ngược lại có không ít những DN “mạnh tay” quyết định chia cổ tức cao làm “mát lòng” cổ đông.
Nhìn vào “bản danh sách lạc quan” năm nay có cả những cái tên quen thuộc nhưng cũng có những gương mặt mới. Chẳng hạn, CTCP Kỹ thuật và Ô tô Trường Long (HTL) vừa gây bất ngờ cho cổ đông khi thông qua phương án chi trả cổ tức năm 2015 ở mức 100%, trong đó chia 50% bằng tiền và 50% bằng cổ phiếu. Ngay lập tức, thông tin này đã phản ánh vào sự tăng nóng của cổ phiếu HTL trong vài phiên trở lại đây.
Cũng với mức cổ tức lên đến 100% là CTCP Dịch vụ hàng hóa Nội Bài - NoibaiCargo (NCT). Kế hoạch này dự kiến NCT sẽ trình ĐHCĐ ngày 23/4 tới. NCT cũng là DN có “truyền thống” chi trả cổ tức cao khi năm 2014, Công ty từng chi trả cổ tức ở mức 104%. CTCP Xuất nhập khẩu Thủy sản Bến Tre (ABT) cũng dự kiến trả cổ tức năm 2015 từ 40 - 60%. Tuy nhiên, cần lưu ý đây là cổ tức kế hoạch năm 2015 và cổ đông sẽ được nhận với điều kiện DN đạt (vượt mức) kế hoạch, những thay đổi vẫn có thể xảy ra khi các DN không hoàn thành kế hoạch.
Nhìn vào kế hoạch chia trả cổ tức, nhà đầu tư phần nào đánh giá được “sức khỏe” của DN và nó cũng ít nhiều chứng minh không ít DN đã đứng vững trong khó khăn. Không chỉ duy trì được kết quả kinh doanh tăng trưởng đều qua các năm, CTCP Sữa Việt Nam (VNM) cũng duy trì được tỷ lệ cổ tức khá ổn định, Công ty đã quyết định chia cổ tức bằng tiền mặt năm 2014 tối thiểu 50% lợi nhuận sau thuế và tỷ lệ này tiếp tục được giữ nguyên trong năm 2015. Mặc dù vậy, nếu so với giá cổ phiếu VNM đang giao dịch ở mức 110.000 đồng/CP thì mức cổ tức trên chưa hẳn là cao.
Dự kiến chi hơn 4.700 tỷ đồng để trả cổ tức 200% của CTCP Kinh Đô (KDC) đã từng gây tranh cãi cho thị trường sau khi công ty này bán cổ phần tại CTCP Kinh Đô Bình Dương. Mặc dù vậy, quyết định cuối cùng vẫn phải phụ thuộc vào cuộc họp ĐHCĐ tới đây của Công ty.
Trên thực tế, dù cổ tức là một yếu tố để đánh giá tiềm năng của DN, nhưng với đa số nhà đầu tư cá nhân, việc mua cổ phiếu thường là kỳ vọng vào mức tăng giá cổ phiếu nhiều hơn là trông chờ vào việc DN trả cổ tức. Ngược lại, đối với trường phái đầu tư dài hạn, thông tin DN trả cổ tức cao là lý do hợp lý để cân nhắc vì những DN này thường có nền tảng cơ bản tốt.
Cũng có những ý kiến cho rằng, quyết định chi trả cổ tức cao của DN tạo ra tâm lý “vừa mừng vừa lo”. Mừng vì được nhận một khoản tiền tươi (dù rằng giá cổ phiếu bị điều chỉnh), nhưng lo vì nếu DN dùng hết tiền để chia cho cổ đông thì không còn nguồn vốn để đầu tư, tạo cơ hội sinh lời cao hơn nữa trong tương lai.
Tuy vậy, sự “phấp phỏng” này của cổ đông chắc chắn sẽ hạnh phúc hơn nhiều so với việc phấp phỏng chờ tin thua lỗ hay là lời hứa cổ tức từ có thành không của ban điều hành!