Tại nhiều doanh nghiệp da giày, nguyên liệu hiện chỉ đủ cho sản xuất đến tháng 4.

Tại nhiều doanh nghiệp da giày, nguyên liệu hiện chỉ đủ cho sản xuất đến tháng 4.

Nhiều doanh nghiệp đang hoạt động cầm chừng

(ĐTCK) Thiếu nguyên liệu cho sản xuất, hạn chế trong mở rộng thị trường... đang khiến nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu gặp khó khăn, hoạt động cầm chừng khi nguyên liệu sản xuất dần cạn kiệt.

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), hầu hết doanh nghiệp dệt may Việt Nam phụ thuộc vào nguồn cung nguyên liệu từ Trung Quốc, nên hoạt động sản xuất - kinh doanh chịu tác động mạnh mẽ khi hệ thống sản xuất của nước này đình trệ kéo dài vì dịch Covid-19.

“Nhiều doang nghiệp đang rất lo lắng cho khả năng tìm kiếm và nối lại nguồn cung bởi nguồn nguyên liệu gần như đã cạn từ cuối tháng 2, doanh nghiệp nào tích lũy nhiều cũng chỉ có thể cầm cự được đến giữa hoặc cuối tháng 3”, đại diện Vitas lo ngại.

Tương tự, tình trạng thiếu nguyên liệu sản xuất cũng đang đe dọa ngành da giày. Bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng thư ký Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) cho  biết, tại nhiều doanh nghiệp, nguyên liệu hiện chỉ đủ cho sản xuất đến tháng 4.

Nếu nguồn cung nguyên phụ liệu từ thị trường Trung Quốc không khôi phục trở lại, thì nguy cơ phải ngừng sản xuất là hiện hữu.

“Nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực mở rộng tìm kiếm nguồn cung thay thế từ các thị trường khác như Ấn Ðộ, Thái Lan…, song chỉ đáp ứng được phần nào, trong khi yếu tố quan trọng nhất là nguyên liệu giả da thì vẫn không thể thay thế, vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu từ Trung Quốc. Ðây là bài toán vô cùng khó khăn khi doanh nghiệp chưa tìm ra phương án thay thế ổn định lâu dài, mà vẫn chỉ là giải pháp tình thế”, bà Xuân chia sẻ.

Về xuất khẩu, báo cáo khảo sát các ngành công nghiệp xuất khẩu của Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) mới đây cho thấy, ngành công nghiệp chế biến - chế tạo của Việt Nam hiện nay phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung cấp nguyên phụ liệu, linh kiện có đầu vào nhập khẩu từ Trung Quốc hay Hàn Quốc, Nhật Bản - vốn cũng đang chịu tác động lớn vì dịch bệnh, trong đó các ngành hàng sản xuất chịu ảnh hưởng nhiều nhất là điện - điện tử, sản xuất - lắp ráp ô tô…

Với ngành điện - điện tử, năm 2019, Việt Nam nhập khẩu khoảng 40 tỷ USD các mặt hàng linh kiện điện tử, trong đó nhập khẩu từ Hàn Quốc là 16,8 tỷ USD (chiếm 42%), Trung Quốc là 13,8 tỷ USD (chiếm 34%), Nhật Bản là 1,7 tỷ USD (chiếm 4,2%).

Hiện nay, các doanh nghiệp điện tử chỉ còn đủ lượng linh phụ kiện phục vụ cho sản xuất đến cuối tháng 3/2020.

Ngành sản xuất - lắp ráp ô tô cũng có tỷ lệ linh kiện nhập khẩu 15-30% từ các thị trường này, thậm chí tỷ lệ này tại ngành sản xuất ô tô tải còn lên tới hơn 70% từ từ Trung Quốc.

Theo tính toán của Cục Công nghiệp, dự kiến đến cuối quý I/2020, các doanh nghiệp sản xuất - lắp ráp ô tô Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng lớn do thiếu hụt nguồn linh phụ kiện phục vụ sản xuất.

Không chỉ yếu tố đầu vào là nguyên liệu sản xuất, theo Cục Công nghiệp, đầu ra cũng đang là vấn đề nan giải đối với các doanh nghiệp xuất khẩu khi khó khăn về thị trường tiêu thụ.

Hiện nay, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản là 3 thị trường tiêu thụ lớn nhất đối với nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam như dệt may, da giày, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, điện thoại di động và linh kiện...

Bởi vậy, việc nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh ở các thị trường này sẽ tác động đến kim ngạch xuất khẩu và thị trường tiêu thụ ngoài nước của các ngành hàng trên.

Ðể giúp tháo gỡ khó khăn về tài chính cho doanh nghiệp, bên cạnh việc miễn giảm thuế, giảm lãi suất, giãn nợ…, Cục Công nghiệp đề xuất Chính phủ xem xét áp dụng hợp lý các biện pháp kiểm soát biên giới có giới hạn trong việc phòng ngừa dịch bệnh để bảo đảm nguồn nguyên phụ liệu, linh phụ kiện phục vụ sản xuất trong nước.

Ðồng thời, có các biện pháp khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc chủ động tìm nguồn cung nguyên phụ liệu thay thế; khuyến khích các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất các nguyên phụ liệu đầu vào cho một số ngành công nghiệp như dệt may, da giày… vốn là các ngành phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu tăng cường sản xuất để đáp ứng một phần nhu cầu nội địa.

Ðể mở rộng đầu ra cho các doanh nghiệp xuất khẩu, cần tăng cường xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới để các ngành hàng dần bớt phụ thuộc vào thị trường chính hiện nay là Trung Quốc, đặc biệt là tận dụng các hiệp định thương mại tự do Việt Nam mới gia nhập như CPTPP, EVFTA.

Tin bài liên quan