Nhiều doanh nghiệp chưa biết coi việc lập báo cáo là cơ hội

Nhiều doanh nghiệp chưa biết coi việc lập báo cáo là cơ hội

(ĐTCK) Ý thức minh bạch và sự chuyên nghiệp trong công bố thông tin của các doanh nghiệp niêm yết đã được cải thiện và lan tỏa sau 9 năm Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM, Báo Đầu tư Chứng khoán cùng các đối tác tổ chức Cuộc bình chọn Báo cáo thường niên trên TTCK. 9 mùa giải đã qua, nhưng bên cạnh thành tích, vẫn còn nhiều hạn chế, khoảng tối mà các doanh nghiệp chưa hoặc “chây ỳ” khắc phục. Xin giới thiệu một số đánh giá của Hội đồng bình chọn trong mùa giải năm nay.

“Đừng làm báo cáo để cho xong… sứ mệnh” 

GS.TS Trần Ngọc Thơ, Đại học Kinh tế TP. HCM 

Ở khu vực các định chế tài chính như ngân hàng và bảo hiểm, kiểm soát rủi ro tất nhiên là những vấn đề được mọi người quan tâm nhiều nhất. Nhưng nhiều khi đọc báo cáo cả trăm trang, nhìn mỏi mắt mới tìm thấy vài hàng nói về nợ xấu, trong khi đây đáng lý phải là chủ đề được bàn thảo sâu nhất. Những chỉ tiêu quan trọng như nợ xấu, thanh khoản của ngân hàng, hay các tỷ số tài chính, kết quả hoạt động kinh doanh ở khu vực doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh cần phân tích toàn diện theo nhiều góc nhìn: Tại sao? Khi nào? Cái gì? Như thế nào? Ở đâu? Ai? Càng có giá trị hơn khi tiếp theo đó là phân tích những hậu quả và tác động của chúng đến kết quả hoạt động và tài chính trong năm, cũng như tác động đến các lĩnh vực khác có liên quan.

Cho dù các báo các thường niên được trình bày theo cách nào thì điều quan trọng nhất vẫn là sự kết nối của các sự kiện, sự kiện và… sự kiện. Vì thế, đừng bỏ qua, đừng ngắt quãng những sự kiện có ảnh hưởng trọng yếu. Các doanh nghiệp cần phải có những bước đột phá trong cách thực hiện báo cáo thường niên, phá đi cảm giác nhiều doanh nghiệp do có sẵn format báo cáo tốt, chỉ cần thay đổi ngày tháng, thêm thắt chút đỉnh là… xong “sứ mệnh”.

“Một báo cáo tốt phải có 4 tiêu chí: đầy đủ, chính xác, rõ ràng và dễ hiểu”

PGS.TS Đăng Văn Thanh, Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam 

Ấn tượng chung về hơn 130 báo cáo thường niên (BCTN) ở vòng chung khảo là đa phần được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, đầy đủ về nội dung và hình thức bắt mắt. Sự trung thực, rõ ràng của thông tin trên BCTN không chỉ tăng uy tín, tạo lập lòng tin của xã hội đối với doanh nghiệp, mà còn là cơ sở tin cậy cho quyết định của các nhà đầu tư. Tuy nhiên, vẫn còn một số báo cáo có nội dung sơ sài, bố cục không hợp lý, thông tin tản mạn, khó theo dõi. Không ít báo cáo không có sự đổi mới, sáng tạo, thậm chí có báo cáo sử dụng những phân tích, nhận định, đánh giá từ BCTN năm trước, hoặc những phân tích mang nặng tính lý thuyết. 

Các doanh nghiệp phải nâng cao hơn nữa chất lượng BCTN, đảm bảo để thông tin trên báo cáo thật sự tin cậy, hữu ích. Trước hết, cần đề cao trách nhiệm trong lập và trình bày các báo cáo, đạt cho được cả 4 yêu cầu: đầy đủ, chính xác, rõ ràng và dễ hiểu. Đây không chỉ là yêu cầu pháp lý, yêu cầu chính đáng của các nhà đầu tư, mà còn là lợi ích quốc gia, lợi ích của chính các doanh nghiệp.

“Phát triển bền vững không đơn giản là… từ thiện”

 Ông Tô Vĩ Hùng, Công ty Rosneft Việt Nam, hội viên ACCA, Trưởng nhóm chấm báo cáo PTBV

Trong số 136 báo cáo thường niên vào vòng chung khảo, các báo cáo nằm trong nhóm cuối (khoảng 60 báo cáo) có nội dung phát triển bền vững quá đơn giản, nhiều báo cáo không tuân theo bất kỳ chuẩn mực nào. Các báo cáo thường chỉ đề cập đến các hoạt động cộng đồng của doanh nghiệp, mà chủ yếu là hoạt động từ thiện.

Đa số báo cáo thiếu sự phân tích số liệu, nêu lên ý nghĩa và tác động của các số liệu liên quan đến phát triển bền vững của doanh nghiệp. Các chỉ tiêu doanh nghiệp đề ra thường ngắn hạn, không có sự gắn kết và thể hiện cố gắng vượt bậc; thiếu các chỉ tiêu có tầm nhìn dài hạn và lượng hóa chiến lược phát triển bền vững của công ty; không cập nhật chiến lược phát triển bền vững của doanh nghiệp với những thách thức hiện tại trên thế giới.

Các báo cáo thường chưa nêu ra được phương pháp quản trị, thu thập và đo lường chỉ số của các lĩnh vực trọng yếu của phát triển bền vững. Ngoài ra, rất ít doanh nghiệp thực hiện phân tích tác động phát triển bền vững trên toàn chuỗi cung ứng.

“Hội nhập đặt ra yêu cầu doanh nghiệp phải chuẩn hóa công bố thông tin”

 TS. Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường,Ủy ban Chứng khoán Nhà nước 

Năm nay, có nhiều thay đổi về khung pháp lý, thể chế đối với hoạt động doanh nghiệp, đó là Luật Doanh nghiệp (2014); Luật Đầu tư (2014) và pháp luật về chứng khoán liên quan đến công bố thông tin, quản trị công ty, sở hữu nước ngoài… được điều chỉnh mới so với các quy định trước đó, đòi hỏi doanh nghiệp phải có sự thay đổi cho phù hợp với quy định mới của pháp luật, nhưng không gây xáo trộn trong quản trị nội bộ của doanh nghiệp. Mặt khác, trước yêu cầu của hội nhập khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, các doanh nghiệp cũng đặt ra yêu cầu từng bước chuẩn hóa trong việc xác lập báo cáo thường niên theo hướng công khai, minh bạch, giảm thiểu việc giới thiệu mang tính chất quảng cáo thuần túy, mà phải xác lập báo cáo thường niên một cách khoa học, hướng tới nhu cầu cung cấp thông tin đa chiều từ phía người tiếp cận doanh nghiệp.

Qua nhiều mùa chấm giải BCTN, tôi nhận thấy, doanh nghiệp làm tốt việc xây dựng BCTN và báo cáo phát triển bền vững đều là những doanh nghiệp hàng đầu trên sàn giao dịch và được công chúng nhà đầu tư trong và ngoài nước đón nhận. Ngoài ra, năm nay, Cuộc bình chọn BCTN ghi nhận nhiều doanh nghiệp có tính đột phá trong việc lần đầu tham gia xây dựng BCTN và được Hội đồng bình chọn đánh giá cao và trao giải Báo cáo thể hiện sự tiến bộ vượt trội. Đây là điểm sáng để chúng ta hướng tới phát triển doanh nghiệp bền vững, minh bạch, công khai như mục tiêu, ý nghĩa mà Cuộc bình chọn đưa ra.

“Vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa biết coi việc lập báo cáo là cơ hội”

 Bà Nguyễn Nguyệt Anh, Chuyên gia Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC)

Quản trị công ty tiếp tục là một chủ đề chính được Hội đồng bình chọn Báo cáo thường niên 2016 chú trọng trong cơ cấu giải chấm năm nay, bởi lẽ đơn giản là quản trị tốt sẽ mang lại sự minh bạch và niềm tin cho các cổ đông, giúp các doanh nghiệp huy động vốn dễ dàng và tạo sự bình ổn lâu dài trên thị trường tài chính.

Tập đoàn Bảo Việt (BVH), gương mặt tiêu biểu của Giải thưởng báo cáo thường niên trong nhiều năm qua tiếp tục bứt phá vượt qua chính mình để tiến đến sự hoàn hảo trong chất lượng báo cáo. CTCP Dược Hậu Giang (DHG) chuẩn chỉnh hơn nữa trong việc công bố thông tin liên quan đến nội dung quản trị công ty. Tập đoàn PAN (PAN) với những tiến bộ vượt bậc về chất lượng và nội dung báo cáo để vươn lên Top 10. CTCP Sợi Thế Kỷ (STK) đã đạt được tiến bộ ngoài mong đợi khi mới niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM vào tháng 9/2015 đã trở thành công ty đầu tiên lọt vào Top 10 của Giải năm nay…

Sự cải thiện về điểm số của 136 công ty lọt vào vòng chung khảo Cuộc bình chọn Báo cáo thường niên 2016 đánh dấu nỗ lực chung của cơ quan quản lý và các công ty niêm yết. Tuy nhiên, có một thực tế đáng lo ngại là trong tổng số công ty niêm yết hiện tại lên đến gần 700, nhưng chỉ có khoảng 20 công ty đạt mức điểm trên 75% - mức điểm tạo niềm tin và thu hút của các nhà đầu tư theo kinh nghiệm của khu vực và toàn cầu. Thật không may, thị trường niêm yết Việt Nam vẫn còn có nhiều công ty xem việc lập báo cáo thường niên như là một nghĩa vụ, chứ không phải là một cơ hội. Thậm chí, nếu được xem như là một nghĩa vụ, có không ít công ty niêm yết vẫn chưa thực hiện tốt nghĩa vụ của mình.

“Tăng cường niềm tin để phát triển bền vững”

Bà Nguyễn Thị Hoàng LanPhó chủ tịch HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc, phụ trách Ban điều hành HNX 

Ở góc độ của doanh nghiệp, báo cáo thường niên (BCTN) là thông điệp của Ban điều hành, tổng giám đốc gửi đến nhà đầu tư và các cổ đông như là một trong các phương tiện cho việc đánh giá hiệu quả của việc quản lý và điều hành công ty, phân bổ nguồn lực tốt hơn và đảm bảo cho mục tiêu phát triển bền vững của doanh nghiệp. Qua đó, Cuộc bình chọn BCTN năm nay đã bổ sung các tiêu chí chấm về chất lượng của thông tin công bố liên quan đến việc xây dựng mục tiêu chiến lược, phương pháp thực hiện, công tác giám sát và đánh giá việc thực hiện mục tiêu, nâng cao tính trách nhiệm của Ban điều hành.

Bên cạnh mục tiêu thúc đẩy tính minh bạch và khả năng truyền tải thông tin, một yếu tố quan trọng cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, tăng cường lòng tin của các nhà đầu tư, nâng cao hiệu quả thị trường và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đó là nội dung của BCTN hướng đến các chuẩn mực về phát triển bền vững và quản trị công ty. Do đó, tiêu chí chấm BCTN năm nay có điểm thưởng cho những doanh nghiệp thực hiện báo cáo phát triển bền vững hoặc tích hợp vào BCTN trong một phần riêng.

Số lượng báo cáo tham gia chấm giải báo cáo phát triển bền vững năm nay tăng mạnh, trong đó báo cáo của các doanh nghiệp niêm yết trên HNX là 26 báo cáo, trong khi năm ngoái chỉ có một vài doanh nghiệp công bố hoạt động liên quan đến xã hội, cộng đồng. Đây là tín hiệu cho thấy nhận thức của doanh nghiệp về tầm quan trọng của tác động đến môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp đang có sự cải thiện.

Tin bài liên quan