Đạt kết quả kinh doanh khá tích cực trong năm 2017, nên việc báo lỗ gần 68 tỷ đồng trong quý II/2018 của CTCP Thép Việt Ý (VIS) khiến giới đầu tư bị “sốc”.
Theo lãnh đạo VIS, Công ty đang ở giai đoạn chuyển giao nên sẽ mất thêm một thời gian nữa mới đi vào ổn định.
Việc hoàn thành kế hoạch lợi nhuận 2018 (90,4 tỷ đồng) đang là một thách thức với VIS.
Hiện Công ty đang thực hiện tái cơ cấu hoạt động và bộ máy lãnh đạo, khi Tập đoàn Kyoel Steel Ltd, cổ đông nắm 65% vốn, tương ứng gần 48 triệu cổ phiếu, cử người tham gia vào các vị trí chủ chốt.
Cũng theo VIS, do phải kiện toàn lại bộ máy để sớm bắt nhịp với hoạt động theo mô hình doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chi phối, nên việc hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm 2018 (VIS đặt mục tiêu trước thuế 2018 đạt 90,4 tỷ đồng) đang là một thách thức.
“Sản lượng tiêu thụ của hầu hết các nhà máy thép trong nước đều rất chậm, chỉ bằng gần 80% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, chi phí nguyên vật liệu phục vụ sản xuất tiếp tục tăng, nối tiếp chu kỳ tăng giá từ cuối năm 2017 làm cho giá thành sản xuất tăng cao, trong khi giá thép đầu ra không có xu hướng tăng là nguyên nhân dẫn đến hiệu quả kinh doanh chưa tốt”, đại diện VIS chia sẻ thêm.
Trong ngành thép, dù một số doanh nghiệp vẫn ghi nhận sự tăng trưởng mạnh, nhưng nhìn chung, các doanh nghiệp đang chịu nhiều khó khăn, thách thức, như phải đối mặt với chủ nghĩa bảo hộ thương mại.
Cụ thể là các vụ kiện của Hoa Kỳ, Australia, Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Ấn Độ đối với sản phẩm thép xuất khẩu của Việt Nam.
Bên cạnh đó, quyết định áp dụng biện pháp hạn chế nhập khẩu thép và nhôm dưới hình thức tăng thuế của Hoa Kỳ cũng có những ảnh hưởng nhất định khi một số sản phẩm thép và nhôm nhập khẩu vào nước này sẽ phải chịu mức thuế cao, 25% với thép và 10% với nhôm.
CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HSG) đã công bố kết quả kinh doanh quý III niên độ tài chính 2017 - 2018 kém tích cực, khi doanh thu tăng 43% so với cùng kỳ năm trước, nhưng lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số giảm mạnh 69%, chỉ đạt 82,9 tỷ đồng.
Mức chênh lệch lớn giữa doanh thu và lợi nhuận tiếp tục là do biên lợi nhuận gộp giảm và chi phí lãi vay cao dù tăng trưởng sản lượng ổn định.
Với kết quả này, doanh thu và lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số 9 tháng đầu năm tài chính 2018 của HSG đạt lần lượt 25,9 tỷ đồng (tăng 35% so với cùng kỳ) và 512 tỷ đồng (giảm 55% so với cùng kỳ).
So với kế hoạch lãi ròng 1.350 tỷ đồng trong niên độ tài chính 2017-2018, mức thực hiện trong 9 tháng mới đạt chưa đầy 40%.
Trong quý cuối của niên độ, HSG khó có thể đi tiếp 60% chặng đường còn lại, khi những khó khăn của ngành cũng như doanh nghiệp vẫn đang hiện hữu.
Báo cáo phân tích cổ phiếu HSG mới đây của Công ty Chứng khoán Bản Việt cho biết nhiều khả năng sẽ điều chỉnh giảm dự báo lợi nhuận của HSG, phần lớn do việc giảm giả định biên lợi nhuận gộp.
Cạnh tranh gia tăng giữa các nhà sản xuất trong nước và chi phí đầu vào tăng là nguyên nhân chính của biên lợi nhuận gộp thấp.
Chi phí lãi vay tăng mạnh 75% trong 9 tháng đầu niên độ tài chính so với cùng kỳ năm trước khi tổng dư nợ tuyệt đối của HSG tăng 47% so với cùng kỳ năm trước, cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.
Ở ngành thủy sản, CTCP Thủy sản Hùng Vương (HVG) nhiều khả năng năm nay tiếp tục “lỗi hẹn” với cổ đông về chỉ tiêu lợi nhuận. Chỉ tính riêng cho giai đoạn 1/1 - 30/6 (HVG áp dụng niên độ tài chính từ ngày 1/10), HVG đã ghi nhận lỗ gần 370 tỷ đồng.
Năm 2018, HVG đặt kế hoạch doanh số toàn Tập đoàn khoảng 10.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế ước đạt tối thiểu 800 tỷ đồng. Tuy nhiên, với thời gian chỉ còn gần 1 tháng, Công ty sẽ khó có thể tạo bước đột phá để về đích kế hoạch kinh doanh này.
Chỉ tính riêng cho giai đoạn 1/1 - 30/6 (HVG áp dụng niên độ tài chính từ ngày 1/10), HVG đã ghi nhận lỗ gần 370 tỷ đồng.
Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam nói chung đang có sự sụt giảm. Hiệp hội Thủy sản Việt Nam (VASEP) cũng vừa đưa ra dự báo tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả nước năm 2018 khó đạt được kế hoạch 10 tỷ USD đặt ra từ đầu năm.
Giá cao su ghi nhận sụt giảm trong năm 2018 được xem là một yếu tố thuận lợi đối với những doanh nghiệp sản xuất săm lốp, nhưng điều này lại không đúng với tất cả doanh nghiệp.
Báo cáo phân tích mới đây của CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDS) cho thấy, CTCP Công nghiệp cao su Miền Nam (CSM) khó hoàn thành kế hoạch lợi nhuận 105,3 tỷ đồng trong năm 2018.
Theo VDS, các loại nguyên vật liệu khác tăng giá cùng sự thay đổi cơ cấu thị trường đã làm lu mờ lợi ích từ giá cao su giảm. Hơn nữa, việc tiêu thụ sản phẩm tiếp tục gặp khó khăn, việc cắt giảm chi phí đầu vào gần như là biện pháp duy nhất để CSM đạt được kế hoạch năm. Tuy nhiên, điều này sẽ rất khó đối với CSM.
VDS ước tính, CSM phải ghi nhận mức lợi nhuận 6 tháng cuối năm khoảng 93 tỷ đồng để hoàn thành kế hoạch, nghĩa là giá vốn trên sản phẩm sẽ phải giảm 6%, song kịch bản này khó xảy ra trong bối cảnh giá dầu tăng khiến nhu cầu và giá cao su thiên nhiên có khả năng tăng trở lại.