Gần 1.000 đơn vị chậm đóng BHXH
Trong những năm qua, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh Thanh Hóa đã quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về BHXH. Đại đa số các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đã thực hiện đầy đủ các quy định về chính sách BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân. Tuy nhiên, dù các cơ quan chức năng đã đôn đốc, thanh tra, kiểm tra nhiều lần..., nhưng tình trạng chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động của các đơn vị, doanh nghiệp, cơ quan hành chính sự nghiệp vẫn còn diễn ra; nhiều doanh nghiệp trốn đóng hoặc không kê khai số lao động tham gia bảo hiểm bắt buộc; nhiều đơn vị chậm đóng thời gian dài với số tiền lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động khi giải quyết các chế độ, chính sách liên quan đến ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, thất nghiệp, chốt sổ BHXH cho người lao động đến tuổi nghỉ hưu, chuyển công tác...
Tính đến quý II/2024, trên địa bàn tỉnh có gần 1.000 đơn vị chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN, với số tiền hàng trăm tỷ đồng. Có nhiều đơn vị chậm đóng nhiều năm, thậm chí gần 10 năm với số tiền rất lớn, lên đến hàng chục tỷ đồng. Cụ thể, Công ty TNHH FLC SAMSON GOLF & RESORT có 358 lao động, chậm đóng 39 tháng, với số tiền 31,428 tỷ đồng; Công ty TNHH MTV công nghiệp tàu thủy Thanh Hóa có 46 lao động, chậm đóng 91 tháng với số tiền 17,108 tỷ đồng; Công ty CP Lilama 5 có 40 lao động, chậm đóng 57 tháng, với số tiền 11,559 tỷ đồng; Công ty CP Xi măng Công Thanh có 67 lao động, chậm đóng 20 tháng với số tiền 4,534 tỷ đồng; Công ty TNHH MMTV JLG Vina có 13 lao động, chậm đóng 49 tháng với số tiền 5,801 tỷ đồng...
Được đóng BHXH là quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động
Một số doanh nghiệp có số tiền chậm đóng lớn, lao động ít hoặc đã giảm hết, thời gian chậm đóng kéo dài, đã thực hiện thanh tra, kiểm tra nhiều lần nhưng không thu hồi được tiền chậm đóng, như: Công ty CP đầu tư xây dựng Công trình giao thông 838, Công ty CP công nghiệp tàu thủy Hoàng Long, Công ty CP xây dựng Hancorp.2, Công ty Cổ phần Thiện Xuân - Lam Sơn, Công ty TNHH Hà Thịnh - Hà Trung, Công ty TNHH chế biến hải sản Ngọc Sơn - Nghi Sơn; Công ty CP Sản xuất, Thương mại và Dịch vụ vận tải An Huy - Nghi Sơn; Công ty CP Bỉm Sơn Viglacera ...
Ngoài ra, tại Thanh Hóa có 17 đơn vị khối hành chính sự nghiệp nợ từ năm 2022 với số tiền chậm đóng là 4.610.977.502 đồng, tính đến ngày 30/6/2024 còn chậm đóng 1.651.713.612 đồng. Tại các đơn vị khối doanh nghiệp, tính đến ngày 30/6/2024 còn chậm đóng 347.869.088.048 đồng/2.252 đơn vị. Trong quý II/2024, trên địa bàn tỉnh phát sinh mới 14 đơn vị hành chính sự nghiệp chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN, từ 3 tháng trở lên với số tiền hơn 1,7 tỷ đồng.
Giải pháp nào?
Trao đổi với ông Nguyễn Đức Tuấn, Trưởng phòng quản lý thu - sổ, thẻ BHXH tỉnh Thanh Hóa, được biết, trong số các đơn vị chậm đóng BHXH có 604 doanh nghiệp chậm đóng số tiền 130 tỷ đồng từ nhiều năm nay. Số đơn vị này đã dừng hoạt động, hoặc chỉ có vài lao động. Số tiền chậm đóng này rất khó thu hồi, một số đơn vị không thể thu hồi.
Trước thực trạng đó, BHXH tỉnh tiếp tục tăng cường kiểm tra, thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT, BHTN. Trong quý II năm 2024 đã tổ chức thanh tra, kiểm tra 32 cuộc với 104 đơn vị. Sau thanh tra, kiểm tra đã kịp thời ban hành kết luận thanh tra, kiểm tra chấn chỉnh những sai sót trong quá trình thực hiện thu, chi BHXH, BHYT, BHTN; cấp và quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT ở các cơ quan, đơn vị. Theo đó, đã yêu cầu các đơn vị sử dụng lao động tham gia BHXH cho 39 lao động thuộc đối tượng phải tham gia BHXH bắt buộc nhưng chưa đăng ký tham gia, số tiền truy thu trên 65,2 triệu đồng; kiến nghị nộp số tiền 2.274,9 triệu đồng chậm đóng BHXH, BHTN, BHYT. Thực hiện lập biên bản vi phạm hành chính tại 5 đơn vị, Giám đốc BHXH tỉnh ban hành quyết định xử phạt 4 đơn vị (số tiền xử phạt 84,4 triệu đồng) và đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh ra quyết định xử phạt đối với 1 đơn vị; có 4 đơn vị đã chấp hành quyết định xử phạt và đã nộp 84,4 triệu đồng.
Thời gian tới, BHXH tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm các quy định, quy trình quản lý thu của BHXH Việt Nam; phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan nắm bắt kịp thời tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các đơn vị, nhất là đối với các đơn vị sử dụng nhiều lao động, có số thu BHXH, BHYT, BHTN lớn để theo dõi, cập nhật kịp thời tình hình biến động tăng, giảm lao động, đảm bảo theo dõi chính xác số người lao động của từng đơn vị; thực hiện gửi thông báo kết quả đóng BHXH, BHYT, BHTN tới đơn vị sử dụng lao động và người lao động để đơn vị biết và đóng BHXH, BHYT, BHTN đầy đủ, kịp thời; triển khai linh hoạt cách thức làm việc với các đơn vị chậm đóng như: Gửi thông báo đôn đốc, trực tiếp làm việc tập trung hoặc tổ chức theo hội nghị, tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra....; chủ động đề xuất các giải pháp để nâng cao chất lượng hoạt động của tổ liên ngành thu tiền chậm đóng, đối với đơn vị chậm đóng từ 1 đến dưới 3 tháng, thực hiện gửi thông báo, đôn đốc đơn vị đóng nộp; đơn vị chậm đóng từ 3 tháng trở lên tổ chức thanh tra, phối hợp thanh tra chuyên ngành đột xuất, xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền...