Nhiều doanh nghiệp cam kết góp vốn cùng Đèo Cả xây cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh

0:00 / 0:00
0:00
Các nhà đầu tư muốn tỉnh Cao Bằng sớm thực hiện điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án với cơ cấu vốn 50% ngân sách nhà nước và 50% vốn từ nhà đầu tư và các nguồn vốn khác.
Phối cảnh hầm Đông Khê, thuộc cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh.

Phối cảnh hầm Đông Khê, thuộc cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh.

Ngày 1/12, Tỉnh ủy Cao Bằng tổ chức cuộc họp trao đổi một số nội dung liên quan đến dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) -Trà Lĩnh (Cao Bằng) và các dự án công nghiệp, trung chuyển thương mại dịch vụ trên địa bàn.

Dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh thuộc nhóm A được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định 1212/QĐ-TTg ngày 10/8/2020 theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Dự án được Tập đoàn Đèo Cả nghiên cứu tiết giảm tổng mức đầu tư từ 47.000 tỷ đồng xuống còn 23.000 tỷ đồng; tối ưu và phân kỳ đầu tư giai đoạn 1 (2021-2025) là 13.180 tỷ đồng; trong đó, ngân sách nhà nước đầu tư 6.580 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 1.229 tỷ đồng và vốn huy động khác là 5.372 tỷ đồng.

Ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Đèo Cả kiến nghị tỉnh Cao Bằng tập trung mọi nguồn lực để hoàn thành dự án đường cao tốc, sớm thực hiện điều chỉnh chủ trương đầu tư với cơ cấu vốn 50% ngân sách nhà nước và 50% vốn từ nhà đầu tư và các nguồn vốn khác.

Để minh chứng cho việc chủ động trong phần vốn huy động từ các nhà đầu tư khác (P3) như; bất động sản, đô thị công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, dịch vụ, logistics…, tới Cao Bằng lần này, Tập đoàn Đèo Cả có sự đồng hành của Tập đoàn Phú Mỹ, Công ty đầu tư xây dựng Thành Lợi, Công ty đầu tư Văn Phú - Invest. Phát biểu tại buổi họp, các nhà đầu tư đều thể hiện quyết tâm và cam kết đồng hành với địa phương và Tập đoàn Đèo Cả xây dựng đường cao tốc.

Đối với việc tạo nguồn vốn đầu tư cao tốc, các nhà đầu tư sẽ nghiên cứu quy hoạch mở rộng thành phố Cao Bằng với mạng lưới giao thông kết nối tới các dự án bất động sản, khu công nghiệp, trung chuyển, thương mại dịch vụ hiện tại để đề xuất đầu tư theo quy định.

Các nhà đầu tư kiến nghị Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân tỉnh Cao Bằng cần ban hành các nghị quyết chuyên đề thống nhất các nội dung báo cáo của các nhà đầu tư làm cơ sở cho Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện nhằm đảm bảo các thủ tục đầu tư, huy động vốn.

UBND tỉnh Cao Bằng thành lập Tổ công tác xúc tiến đầu tư là đầu mối trực tiếp giải quyết các thủ tục liên quan đến việc tạo nguồn vốn cho dự án cao tốc; tổ chức ký kết hợp tác đầu tư dự án cao tốc, bất động sản, khu công nghiệp và các công việc cần hoàn thành ngay trong tháng 12/2021.

Ông Hoàng Xuân Ánh, Chủ tịch tỉnh Cao Bằng cho biết, trước 2017, rất ít doanh nghiệp tư lên Cao Bằng nghiên cứu đầu tư: “Họ lên rồi đều về. Từ năm 2018, Tập đoàn Đèo Cả lên Cao Bằng nghiên cứu đề xuất xây dựng đường cao tốc thì mới có các nhà đầu tư khác lần lượt đến nghiên cứu đầu tư các lĩnh vực khác như khu công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, đô thị…”.

Chủ tịch Cao Bằng nhấn mạnh, vấn đề quan trọng nhất vẫn là tiến độ đường cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh.

Phát biểu kết luận cuộc họp, ông Trần Hồng Minh, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng mong muốn các nhà đầu tư tiềm năng đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh và các Dự án công nghiệp, trung chuyển thương mại dịch vụ trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, nhất trí với các kiến nghị, đề xuất của các nhà đầu tư, thống nhất tập trung nguồn lực đầu tư cho dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng- Trà Lĩnh.

Tỉnh Cao Bằng sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư, doanh nghiệp triển khai thực hiện các dự án; thành lập các Tổ công tác nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư. Nút thắt giao thương được tháo gỡ, tạo ra sự liên kết và hội nhập kinh tế của một vùng biên giới trở nên sôi động và sâu rộng hơn cho Cao Bằng.

Tin bài liên quan