Những doanh nghiệp bảo hiểm có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài như Bảo Việt còn rất ít.

Những doanh nghiệp bảo hiểm có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài như Bảo Việt còn rất ít.

Nhiều doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ trong nước có năng lực cạnh tranh thấp

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dù vẫn chiếm thị phần chủ yếu, song tăng vốn và cải thiện năng lực quản trị đang là sức ép được đặt ra với các công ty bảo hiểm phi nhân thọ trong nước.

Mới đây, khi trình bày trước Quốc hội về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã đưa ra nhận xét: “Công ty bảo hiểm trong nước năng lực còn thấp”.

Theo lãnh đạo Bộ Tài chính, vẫn còn một số doanh nghiệp bảo hiểm trong nước có năng lực cạnh tranh thấp do quy mô vốn nhỏ, quản trị doanh nghiệp yếu, khả năng kiểm soát rủi ro còn hạn chế; chất lượng nhân sự chưa đáp ứng được yêu cầu và sự phát triển của thị trường.

Trên thị trường bảo hiểm bảo hiểm Việt Nam hiện có 49 công ty bảo hiểm (chưa tính 2 công ty tái bảo hiểm là Vinare và PVI Re) đang hoạt động; trong đó, có 31 công ty bảo hiểm phi nhân thọ và 18 công ty bảo hiểm nhân thọ. Khối bảo hiểm nhân thọ chủ yếu là các công ty nước ngoài, ngoại trừ Bảo Việt Nhân thọ. Ngược lại, ở khối phi nhân thọ, công ty trong nước chiếm vị thế chính yếu, chỉ có vài doanh nghiệp ngoại góp mặt như Liberty, AIG.

Trở lại với nhận xét của lãnh đạo Bộ Tài chính, thông tin từ chính cơ quan này cho biết, tính đến cuối năm 2020, chỉ có 10 công ty bảo hiểm phi nhân thọ có vốn điều lệ từ 1.000 tỷ đồng trở lên, gồm Bảo hiểm Bảo Việt, PVI, BIC, AAA, AIG Việt Nam, MIC, VNI, BSH, Liberty và HD. Trong số 21 công ty có vốn điều lệ dưới 1.000 tỷ đồng, có tới 12 công ty có vốn điều lệ từ 500 tỷ đồng trở xuống.

Không ít doanh nghiệp chỉ có vốn điều lệ bằng vốn pháp định hoặc cao hơn không đáng kể (từ 300 - 400 tỷ đồng, tùy theo mức độ phức tạp của nghiệp vụ bảo hiểm được phép kinh doanh). Chẳng hạn, tính đến cuối năm 2020, Bảo hiểm Hùng Vương chỉ có vốn 300 tỷ đồng, ABIC là 380 tỷ đồng, Toàn Cầu và OPES đều có vốn điều lệ 400 tỷ đồng...

Tăng vốn điều lệ, nâng cao năng lực tài chính đang là yêu cầu đặt ra từ thực tế thị trường với các doanh nghiệp bảo hiểm trong nước, nhất những doanh nghiệp có quy mô vốn chỉ 300 - 400 tỷ đồng. Đại dịch Covid-19 tạo thêm sức ép cho các doanh nghiệp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, chậm chạp trong cuộc đua này đồng nghĩa với doanh nghiệp chấp nhận thụt lùi.

HD, gương mặt khá mới trên thị trường khi được thành lập năm 2020, nhưng có vốn điều lệ thuộc Top cao trong khối phi nhân thọ đã công bố kế hoạch ứng dụng công nghệ số mạnh mẽ trong hoạt động, với việc triển khai kênh bán hàng trực tuyến toàn bộ hệ thống.

Thêm vào đó, theo dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi, công ty bảo hiểm sẽ phải áp dụng mô hình vốn trên cơ sở rủi ro (công ty nào có mức rủi ro cao sẽ tăng vốn nhiều và ngược lại, có mức rủi ro thấp thì tăng vốn ít và dành phần tiền còn lại để đầu tư). Từ đây, doanh nghiệp có khoảng đệm vốn phù hợp để chủ động đối phó trong các tình huống cấp bách, cũng như tăng cường hoạt động kinh doanh.

Ghi nhận từ khối doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ cho thấy, việc tăng vốn đã được nhiều doanh nghiệp coi là nhiệm vụ không thể chần chừ. Chẳng hạn, PJICO đang hoàn tất các thủ tục xin tăng vốn điều lệ từ 887 tỷ đồng lên hơn 1.100 tỷ đồng. Theo PJICO, số vốn mới ngoài mục tiêu nâng cao năng lực tài chính, khả năng cạnh tranh khi tham gia các dự án đấu thầu lớn thì còn đáp ứng yêu cầu mới của luật pháp trong dài hạn.

Trước đó, Bảo hiểm Viễn Đông (VASS) sau một thời gian miệt mài tái cơ cấu cũng đã tăng vốn điều lệ lên 700 tỷ đồng.

Không chỉ chịu sức ép nâng cao năng lực tài chính, cải thiện chất lượng quản trị đang là yêu cầu được đặt ra với nhiều doanh nghiệp trong ngành. Theo cơ quan quản lý nhà nước, tại một số doanh nghiệp bảo hiểm, quy trình quản trị rủi ro chưa thực hiện tốt như VASS, Groupama, AAA… dẫn đến yêu cầu tái cơ cấu hoạt động và thực hiện các biện pháp cải thiện khả năng thanh toán trong thời gian qua.

Năm 2020, theo Bộ Tài chính, vẫn còn một số công ty bảo hiểm phi nhân thọ có thể gặp khó khăn trong việc thanh toán ngay các khoản tiền bồi thường bảo hiểm trong trường hợp xảy ra rủi ro tích tụ trên diện rộng, hoặc chưa thu đòi được nhà tái bảo hiểm do có hệ số thanh toán nhanh (tỷ lệ giữa tài sản có tính thanh khoản cao/tài sản nợ ngắn hạn) ở mức thấp như VASS, Bảo Việt, AAA, GIC.

Những quy định mới tại dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm nếu được thông qua kỳ vọng sẽ tạo thêm sức ép để các doanh nghiệp bảo hiểm nâng tầm năng lực tài chính, nâng cao năng lực hoạt động, đáp ứng yêu cầu ngày càng lớn của người dân và nền kinh tế.

Tin bài liên quan