Không nên can thiệp sâu vào quyền tự chủ kinh doanh
Liên quan đến nội dung về điều kiện cấp giấy phép thành lập và hoạt động CTCK, dự thảo quy định, CTCK phải đáp ứng các điều kiện: quyền sử dụng trụ sở công ty có thời hạn tối thiểu 1 năm tính từ ngày hồ sơ đề nghị cấp giấy phép thành lập và hoạt động CTCK đầy đủ và hợp lệ; diện tích sàn giao dịch chứng khoán tại trụ sở chính của CTCK có nghiệp vụ môi giới chứng khoán tối thiểu là 100 m2…
Trên cơ sở tập hợp ý kiến của các DN, VCCI cho rằng, quy định trên là chưa hợp lý. Việc đặt ra yêu cầu về thời hạn tối thiểu 1 năm cho quyền sử dụng trụ sở, có thể được hiểu là nhằm đảm bảo tính ổn định trong hoạt động của CTCK. Tuy nhiên, nội dung này can thiệp sâu vào quyền tự chủ kinh doanh của DN. Quyền sử dụng trụ sở thường được thiết lập trên cơ sở hợp đồng, tự nguyện và tự thoả thuận.
Vì vậy, thời hạn thuê không thể áp đặt cứng bằng một khoảng thời gian nào đó, mà tùy thuộc vào thỏa thuận của các bên trong hợp đồng và có thể thay đổi trong quá trình thực hiện khi những điều kiện thực hiện hợp đồng thay đổi.
Hơn nữa, đứng dưới góc độ các mục tiêu quản lý trong lĩnh vực này, thì trụ sở không phải là yếu tố cốt lõi cần phải kiểm soát.
Do đó, yêu cầu về quyền sử dụng trụ sở của CTCK như dự thảo là chưa phù hợp, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bỏ nội dung này.
Yêu cầu diện tích tối thiểu về sàn giao dịch chứng khoán tại trụ sở cũng chưa hợp lý. Tại sao phải đáp ứng diện tích tối thiểu 100 m2. Thực tế, nhiều trường hợp NĐT không cần phải đến sàn giao dịch mới có thể thực hiện được các lệnh giao dịch, hay tìm hiểu thông tin về các loại chứng khoán.
Do đó, quy định cứng về diện tích tối thiểu của sàn giao dịch nên sửa theo hướng có diện tích sàn giao dịch phù hợp với hoạt động dịch vụ mà CTCK cung cấp.
Về điều kiện, hồ sơ, thủ tục thành lập chi nhánh tại Việt Nam của CTCK nước ngoài, dự thảo quy định: trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép thành lập và hoạt động chi nhánh tại Việt Nam của tổ chức kinh doanh chứng khoán nước ngoài, phải có tài liệu xác nhận công ty mẹ đáp ứng các điều kiện theo quy định…
Tuy nhiên, dự thảo không quy định rõ chủ thể xác nhận công ty mẹ đáp ứng các điều kiện là ai, có thể gây khó khăn trên thực tế áp dụng. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ nội dung này.
Liên quan đến việc đưa ra phương án khả thi cho quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài (nới room), ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, VCCI cho biết, tuy nội dung này nằm trong số các trọng tâm mà VCCI gợi ý để các công ty, hiệp hội DN góp ý, nhưng vì tính phức tạp và kỹ thuật đặc thù của vấn đề, nên đến nay VCCI chưa nhận được góp ý, đề xuất nào.
Ngoài ra, dự thảo quy định, trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày giấy phép thành lập và hoạt động chi nhánh tại Việt Nam của CTCK nước ngoài có hiệu lực, công ty mẹ phải làm thủ tục xin cấp con dấu với cơ quan công an…
Trong khi đó, Điều 44, Luật Doanh nghiệp quy định, “DN có quyền quyết định về hình thức, số lượng và nội dung con dấu của DN” và “trước khi sử dụng, DN có nghĩa vụ thông báo mẫu con dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh để đăng tải công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký DN”.
Như vậy, quy định về con dấu như dự thảo Nghị định là chưa phù hợp với Luật Doanh nghiệp. Do đó, VCCI đề nghị Ban soạn thảo điều chỉnh quy định này để đảm bảo thống nhất với hệ thống pháp luật.
Coi chừng nghị định “lấn” nghị định
Hiện Nghị định 42/2015/NĐ-CP điều chỉnh tất cả các hoạt động về chứng khoán phái sinh và TTCK phái sinh, trong đó có quy định về điều kiện kinh doanh, cung cấp dịch vụ bù trừ, thanh toán chứng khoán phái sinh của tổ chức kinh doanh chứng khoán.
Thế nhưng, tại dự thảo Nghị định quy định một số điều kiện đầu tư kinh doanh chứng khoán, lại quy định thêm các điều kiện để được kinh doanh chứng khoán phái sinh. Điều này dẫn tới sự chồng lấn quy định khi điều chỉnh về chứng khoán phái sinh.
Bởi vậy, để đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, nhiều ý kiến đề nghị Ban soạn thảo bỏ các quy định về chứng khoán phái sinh tại dự thảo. Nếu có lý do để bổ sung điều kiện về kinh doanh chứng khoán phái sinh, thì đề nghị sửa đổi, bổ sung Nghị định 42.