Hiệp hội Bảo hiểm chưa đủ điều kiện cơ sở vật chất, con người để đào tạo đại lý bảo hiểm - Ảnh: Hoài Nam

Hiệp hội Bảo hiểm chưa đủ điều kiện cơ sở vật chất, con người để đào tạo đại lý bảo hiểm - Ảnh: Hoài Nam

Nhiều điểm mới trong Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi

(ĐTCK-online) Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm (Luật KDBH), vừa được Quốc hội thông qua với nhiều nội dung mới so với bản dự thảo trình ra Quốc hội. Những điểm sửa đổi trong Luật lần này được đánh giá sẽ tạo điều kiện cho thị trường phát triển bền vững hơn.

Không có chuyện chi phối trong bảo hiểm nội ngành

Điều 10, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật KDBH quy định về hợp tác, cạnh tranh và đấu thầu trong kinh doanh bảo hiểm. Luật đã được Quốc hội thông qua quy định rõ nguyên tắc trong hợp tác, cạnh tranh và đấu thầu như sau: doanh nghiệp được hợp tác trong việc tái bảo hiểm, đồng bảo hiểm, giám định tổn thất, giải quyết quyền lợi bảo hiểm, đề phòng và hạn chế tổn thất, phát triển nguồn nhân lực, phát triển sản phẩm, đào tạo và quản lý đại lý bảo hiểm, chia sẻ thông tin để quản trị rủi ro. Bên cạnh đó, doanh nghiệp được cạnh tranh về điều kiện, phạm vi, mức trách nhiệm bảo hiểm. Việc đấu thầu sẽ phải thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu nhưng đồng thời phải tuân thủ các quy định của luật này về sản phẩm bảo hiểm, chất lượng dịch vụ, năng lực bảo hiểm, năng lực tài chính.

Trước khi Luật được thông qua, có ý kiến đại biểu quốc hội (ĐBQH) đề nghị nghiên cứu, thiết kế một điều riêng về những điều cấm trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm, nhất là cấm bảo hiểm nội ngành trong các tập đoàn, tổng công ty. Tuy nhiên, Điều 10, Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành đã quy định những nội dung cấm trong hợp tác, cạnh tranh của hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Ngoài những quy định chung trong các luật có liên quan, nội dung cấm này quy định hành vi cạnh tranh không lành mạnh thông qua việc khép kín, chia cắt thị trường bảo hiểm. Do đó, các DN bảo hiểm có sự hẫu thuẫn của các tập đoàn thông qua việc góp vốn được tồn tại nhưng vẫn đảm bảo những nguyên tắc về cạnh tranh trên thị trường.

 

Chính phủ quy định cụ thể hoạt động của Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm

Quốc hội đã nhất trí với việc thành lập Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm khi có nhiều ĐBQH cho rằng, quỹ bảo vệ người được bảo hiểm là hình thức bảo đảm an toàn, bảo vệ quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm trong trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm gặp khó khăn về tài chính, mất khả năng thanh toán, quỹ bảo vệ người được bảo hiểm được trích lập trên phí bảo hiểm của doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước thì thấy, hiện nay, các nước có quy định rất khác nhau về nguồn hình thành Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm, tỷ lệ đóng góp, cách thức quản lý, sử dụng,... tùy vào sự phát triển thị trường bảo hiểm, yêu cầu của mỗi nước, có nước quy định, có nước không quy định mức trần đóng góp. Do đó, khoản 3 Điều 97 Dự thảo Luật sửa đổi đã sửa lại theo hướng quy định nguyên tắc về mục đích thành lập Quỹ, nguồn trích lập và giao Chính phủ quy định hướng dẫn cụ thể việc trích lập, quản lý và sử dụng Quỹ.

Luật sửa đổi, bổ sung cũng đưa thêm hợp tác xã vào diện các loại hình doanh nghiệp được kinh doanh bảo hiểm. Đây là tổ chức kinh tế tập thể, có tư cách pháp nhân, hoạt động như một loại hình doanh nghiệp. Thực tế hiện nay, đã có nhiều hợp tác xã có quy mô lớn, những hợp tác xã này đã đáp ứng đủ các điều kiện được kinh doanh bảo hiểm theo quy định, chẳng hạn, quy định về vốn pháp định, năng lực tài chính, khả năng thanh toán, quản trị điều hành, quản trị rủi ro, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ...

 

Cơ sở đào tạo được cấp chứng chỉ đại lý bảo hiểm

Theo Dự án Luật sửa đổi trình ra Quốc hội, Bộ Tài chính quy định về chương trình, nội dung, hình thức đào tạo và cấp chứng chỉ đại lý bảo hiểm. Tuy nhiên có ý kiến đề nghị giữ như quy định của Luật hiện hành, cụ thể là việc cấp chứng chỉ do doanh nghiệp bảo hiểm, Hiệp hội Bảo hiểm cấp. Theo UBTV Quốc hội, thời gian qua, nhiều đại lý bảo hiểm chưa qua đào tạo hoặc chất lượng đào tạo không bảo đảm, gây thiệt hại đến đối tượng tham gia bảo hiểm, giảm hiệu quả kinh doanh, uy tín của doanh nghiệp bảo hiểm... Hiệp hội Bảo hiểm chưa đủ điều kiện về cơ sở vật chất, con người để đào tạo các đại lý bảo hiểm, cơ quan nhà nước có thẩm quyền chưa thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm tra, thanh tra. Vì vậy, để từng bước nâng cao chất lượng hoạt động đại lý bảo hiểm, Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung quy định: giao việc cấp chứng chỉ đại lý bảo hiểm cho các cơ sở đào tạo đã được Bộ Tài chính cho phép, Bộ Tài chính tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; đồng thời sửa khoản 3, Điều 127 về việc đổi chứng chỉ đại lý bảo hiểm cho phù hợp, việc có đổi chứng chỉ đại lý bảo hiểm hay không là do yêu cầu của đại lý hoặc doanh nghiệp bảo hiểm.