Nhiều địa phương phải bù giá cho các công ty nước sạch

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo lãnh đạo Hội Cấp thoát nước Việt Nam, hiện nay giá nước thực tế nhiều nơi còn chưa được tính đủ các chi phí hoặc chưa cập nhật, bổ sung kịp thời các chi phí phát sinh.
Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Ông Nguyễn Văn Thiền, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Nước - Môi trường Bình Dương (Biwase, mã chứng khoán BWE) cho biết, hiện đang có nhiều thách thức cho ngành nước, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu xảy ra.

Theo ông Thiền, Bến Tre có thời gian không còn một giọt nước sạch nào, đã phải dẫn nước từ TP.HCM về để kịp thời có nước cho bệnh viện chữa bệnh cứu người. Bến Tre cũng là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất Đồng bằng sông Cửu Long trong đợt hạn mặn lịch sử năm 2020. Toàn vùng không chỗ nào là không bị nhiễm mặn.

Không chỉ Bến Tre, nhiều địa phương khác cũng đối mặt với câu chuyện của biến đổi khí hậu, Hà Nội thời gian qua mưa nhiều, có những trận mưa rất lớn. Hà Nội cũng đã từng đối mặt với khó khăn bị mất nước khi đường ống dẫn nước sạch sông Đà bị vỡ hồi tháng 10/2022.

“Có rất nhiều thách thức gặp phải do biến đổi khí hậu. Tương lai, ngành nước sẽ còn gặp rất nhiều khó khăn khi nước biển dâng nhanh hơn, nước nhiễm mặn nhiều”, Chủ tịch Biwase cho biết.

Ông Thiền thông tin, lần đầu tiên, những người liên quan đến ngành nước sẽ quy tụ tại Bình Dương tham gia Tuần lễ nước sạch Việt Nam được tổ chức ngày 28 - 30/9, nhằm cùng chung tay tìm các giải pháp hóa giải thách thức của biến đổi khí hậu đối với nguồn nước. Sự kiện có sự tham gia của các nhà khoa học kỹ thuật sản xuất nước, nhà khoa học kỹ thuật về thiết bị ngành nước, các nhà đầu tư, nhà quản lý vận hành.

“Chúng tôi kỳ vọng với lực lượng đông đảo này, có thể tìm ra được các giải pháp khả thi để phát triển nguồn nước sạch bền vững”, ông Nguyễn Văn Thiền, đồng thời là Phó Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam cho hay.

Ông Nguyễn Văn Thiền phát biểu tại họp báo giới thiệu Tuần lễ nước Việt Nam 2023.

Ông Nguyễn Văn Thiền phát biểu tại họp báo giới thiệu Tuần lễ nước Việt Nam 2023.

Giá nước vẫn còn nhiều bất cập

Theo ông Nguyễn Ngọc Điệp, Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam, giá nước hiện nay đang áp dụng theo quy định tại Nghị định 117/2007/NĐ-CP “giá nước sạch phải được tính đúng, tính đủ các yếu tố chi phí sản xuất hợp lý trong quá trình sản xuất, phân phối nước sạch đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các đơn vị cấp nước và khách hàng sử dụng nước”.

Mặc dù Bộ Tài chính đã ban hành điều chỉnh Thông tư số 44/2021/TT-BTC hướng dẫn khung giá, nguyên tắc, phương pháp xác định giá nước sạch sinh hoạt, nhưng hiện nay giá nước thực tế nhiều nơi còn chưa được tính đủ các chi phí hoặc chưa cập nhật, bổ sung kịp thời các chi phí phát sinh để thực hiện các hoạt động như thực hiện cấp nước an toàn, đấu nối và duy trì đấu nối, quản lý rủi ro, lợi nhuận… và việc điều chỉnh giá còn kéo dài.

Trả lời câu hỏi của báo chí về việc đã đến lúc tiến tới cơ chế giá nước cạnh tranh hay chưa, ông Nguyễn Ngọc Điệp cho biết, giá nước theo quy định tại Thông tư 44 được tính đúng tính đủ trong quá trình sản xuất. Quyết định về giá nước tại địa phương dựa trên cơ sở tình hình kinh tế - xã hội, hoàn cảnh địa phương để quyết định giá. Nếu doanh nghiệp đầu tư sản xuất nước có giá cao hơn so với giá bán ra thì chính quyền địa phương sẽ bù.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thiền phân tích thêm, nếu như điện có thể kéo chạy từ Bắc tới Nam thì nước không thể dẫn từ Bắc tới Nam. Nguồn nước hiện chỉ trong phạm vi truyền tải dưới 100 km và cứ 15 km sẽ phải dừng để nâng áp, chi phí truyền tải xa cũng sẽ tốn kém hơn. Việc xử lý nước sạch không vùng nào giống vùng nào, ví dụ như miền Tây sông nước mênh mông, nhưng để xử lý nước ngọt phải lấy từ sông Tiền - Đồng Tháp với quãng đường đi 40 km, trên đường gặp nguồn nước nhiễm phèn sẽ rất khó xử lý. Ngoài ra, việc khác biệt về đầu vào tài nguyên nước, nguồn kinh phí đầu tư cũng ảnh hưởng đến chi phí xử lý nước sạch.

“Có những địa phương như Cần Thơ, Vĩnh Long, Trà Vinh nếu tính đúng, tính đủ thì giá nước là 17.000 đồng/m3, nhưng không bán được giá đó, do đó chính quyền địa phương phải bù cho công ty nước”, Chủ tịch BWE cho hay.

Ngoài vấn đề sản xuất nước sạch, thì vấn đề xử lý nước thải cũng rất quan tâm. Theo ông Nguyễn Ngọc Điệp, ở các nước châu Âu, nếu sử dụng 1m3 chỉ là 2 euro, thì phí nước thải là 4 euro. Xử lý nước thô thành nước sạch đơn giản hơn xử lý nước thải ra môi trường. Hiện nay, không thu phí nước thải nên không hấp dẫn nhà đầu tư, các doanh nghiệp không có đủ vốn cải tạo nâng cao, giải quyết ô nhiễm. Chúng ta đang thải ra môi trường và chưa được xử lý. Mới xử lý được hơn 10% nước thải bởi vậy mới có những dòng sông đen, kênh, hồ đen.

Nghị định số 154/2016/NĐ-CP về phí môi trường đối với nước thải đã quy định “mức phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt là 10% trên giá bán của 1m3 nước sạch chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng”. Mức thu này, theo Hiệp hội Cấp thoát nước Việt Nam là quá thấp, không khuyến khích người dân đấu nối vào hệ thống thoát nước và cũng không khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào hệ thống thoát nước.

Tin bài liên quan