Tư nhân tạo diện mạo mới cho hạ tầng giao thông
Theo Bộ GTVT, thời gian qua lĩnh vực hạ tầng giao thông đã thu hút 70 dự án đầu tư theo hình thức BOT, với tổng mức đầu tư 209.347 tỷ đồng (tương đương hơn 9 tỷ USD). Trong lúc ngân sách nhà nước hạn hẹp, thì tư nhân chính là kênh đầu tư quan trọng, đóng góp lớn vào chiến lược phát triển hạ tầng giao thông quốc gia cũng như quá trình hiện đại hóa hạ tầng giao thông các địa phương.
Dẫn chứng điển hình nhất phải kể đến kỳ tích tư nhân làm hạ tầng giao thông ở Quảng Ninh. Từ chỗ giao thông khó khăn, cản trở thu hút đầu tư và phát triển Kinh tế - Xã hội, chỉ sau 5 năm, Quảng Ninh đã có hạ tầng giao thông hiện đại với cả không – thủy – bộ.
Chỉ riêng Tập đoàn Sun Group đã bỏ hơn tỷ USD hoàn thiện 3 công trình trọng điểm: Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long, Cao tốc Hạ Long – Vân Đồn, và đang đầu tư cao tốc Vân Đồn – Móng Cái.
Sân bay Vân Đồn khiến nhiều người kinh ngạc khi xây dựng chưa tới 2 năm, không chỉ đưa Quảng Ninh ghi tên trên bản đồ sân bay cả nước, mà còn tạo động lực thu hút đầu tư. Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn cũng được vinh danh là “Sân bay mới hàng đầu Châu Á 2019”.
Không thể phủ nhận, hạ tầng giao thông đã thúc đẩy Kinh tế - Xã hội Quảng Ninh bứt phá. Tăng trưởng kinh tế của Quảng Ninh luôn ở mức ổn định trên 10%; thu nhập bình quân đầu người gấp 1,65 lần so với toàn quốc; thu ngân sách đứng top 05 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước. Hai năm liên tục, 2017 và 2018, Quảng Ninh giữ vị trí quán quân về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).
Trong lĩnh vực hàng không, kể từ khi ra đời đến nay, hãng hàng không tư nhân Vietjet đã đem cơ hội đi máy bay tới hàng triệu người dân có mức thu nhập trung bình. Tới đây, lĩnh vực này sẽ còn phát triển mạnh mẽ với sự tham gia của Tập đoàn FLC, Tập đoàn Vingroup… Các địa phương có sân bay, có đường bay đến cũng nhờ đó mà tăng sức bật.
“Sếu đầu đàn” khơi dậy sức mạnh
Nhìn vào sự phát triển của nhiều địa phương thời gian qua, thấy rõ dấu ấn KTTN, đặc biệt là những “sếu đầu đàn”. Chính các tập đoàn KTTN lớn đã và đang đầu tư vào những ngành kinh tế mũi nhọn của nhiều địa phương, góp phần làm đổi thay nhiều vùng đất.Doanh nghiệp tư nhân đang dẫn dắt nhiều ngành kinh tế mũi nhọn. Ảnh: Internet.
Cát Hải (Hải Phòng) vốn là vùng nước lợ ven biển, người dân sống chủ yếu bằng nghề nuôi trồng hải sản. Nhưng nay, Cát Hải được biết đến là một trong những "cứ điểm" sản xuất công nghiệp lớn nhất cả nước. Chỉ sau 21 tháng, khu đất trống 335 ha ở Cát Hải đã trở thành nhà máy ôtô thương hiệu Việt đầu tiên – VinFast.
Tỉnh láng giềng Quảng Ninh cũng là minh chứng sinh động cho hiệu quả của KTTN. Suốt 2 thập kỷ kể từ khi Vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới (tháng 12/1994), ngành kinh tế chính của Quảng Ninh vẫn là khai thác mỏ. Việc không có nổi một khách sạn 5 sao, bãi tắm Bãi Cháy không ai buồn xuống vì quá bẩn… khiến du lịch Quảng Ninh trì trệ suốt nhiều năm trời.
Cho tới khi xuất hiện những tập đoàn kinh tế lớn với các công trình hạ tầng du lịch quy mô như hệ sinh thái du lịch nghỉ dưỡng, giải trí do Sun Group đầu tư ở Bãi Cháy, hay các khu nghỉ dưỡng của Vingroup, FLC… du lịch Quảng Ninh mới thực sự bước sang chương mới: sôi động, hiện đại và tăng trưởng đáng kinh ngạc.
Theo Sở Du lịch Quảng Ninh, 10 tháng năm 2019, Quảng Ninh đón trên 11,7 triệu lượt khách, tăng 10% so với cùng kỳ 2018, tổng thu từ du lịch trên 23.800 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ.
Hay Đà Nẵng, từ chỗ chỉ là “làng chài nghèo”, “điểm trung chuyển”, thành phố đã vươn lên thành thủ phủ du lịch miền Trung nhờ sức hút từ những công trình hạ tầng du lịch quy mô quốc tế, được thế giới ngợi ca như Sun World Ba Na Hills, Cầu Vàng, InterContinental Danang Sun Peninsula Resort, các sản phẩm du lịch đẳng cấp như Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng…
Trong vòng một thập kỷ, từ 2009 đến 2018, lượng khách du lịch đến Đà Nẵng tăng trưởng tới 463%, doanh thu tăng 15 lần. Không thể phủ nhận, KTTN đóng “vai chính” trong quá trình định hình thương hiệu du lịch Đà Nẵng.
Có thể khẳng định, “sếu đầu đàn” của KTTN không chỉ lập nên nhiều kỳ tích cho đất nước, mà đã và đang dẫn dắt kinh tế nhiều địa phương.
Sự xuất hiện của các công trình vui chơi giải trí đẳng cấp do tư nhân đầu tư đã “lột xác” ngành du lịch Đà Nẵng.
Như phân tích của PGS. TS Trần Đình Thiên - Thành viên Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam: “Suốt mấy chục năm, lực lượng kinh tế nhà nước đã không thể thực hiện được khát vọng ô tô “made in Vietnam".
Nay Thaco, VinFast đang biến khát vọng đó thành hiện thực. Về du lịch, hãy hỏi: ai đã làm cho Hạ Long phát triển tương xứng với danh hiệu “kỳ quan thế giới”?. Không chỉ Hạ Long mà chúng ta đang có Đà Nẵng, Nha Trang, Sa Pa, Phú Quốc … cũng đang khẳng định là những địa chỉ du lịch “đáng đến” tầm cỡ quốc tế. Tất nhiên, nhiều lực lượng kinh tế đóng góp vào thành công này. Nhưng điều cần ghi nhân là vai trò nổi bật của khu vực tư nhân, của những tập đoàn KTTN”.