Nhiều đề xuất hoàn thiện nghị định về bảo hiểm nông nghiệp

Nhiều đề xuất hoàn thiện nghị định về bảo hiểm nông nghiệp

(ĐTCK) Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đang tiến hành xây dựng Dự thảo Nghị định về bảo hiểm nông nghiệp. 

Để Dự thảo sát với thực tiễn sản xuất nông nghiệp, khuyến khích và tạo điều kiện tốt nhất cho người dân tham gia bảo hiểm, Bộ Tài chính đã tiến hành lấy ý kiến góp ý của các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH), Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (Hiệp hội Bảo hiểm) và các đơn vị liên quan.

Theo đó, một số ý kiến đóng góp xây dựng Dự thảo Nghị định về bảo hiểm nông nghiệp đã được ghi nhận. Cụ thể, Hiệp hội Bảo hiểm đề nghị bổ sung thêm “doanh nghiệp tái bảo hiểm” vào đối tượng áp dụng tại Khoản 2, Điều 2.

Việc bổ sung doanh nghiệp tái bảo hiểm là cần thiết vì một số loại hình bảo hiểm nông nghiệp cho các sản phẩm nông nghiệp trọng điểm, quy mô sản xuất rộng, giá trị sản xuất lớn… sẽ cần thu xếp tái bảo hiểm nhằm đảm bảo an toàn tài chính, cũng như sự bền vững của chủ trương phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát triển bảo hiểm nông nghiệp.

Hiệp hội Bảo hiểm cũng đề xuất cần quy định rõ mức hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp tối đa cho từng đối tượng được hỗ trợ, gồm hộ nông dân nghèo, cận nghèo và hộ nông dân không thuộc diện nghèo, cận nghèo; mức hỗ trợ phí tối đa cho từng đối tượng được quy định tại Điều 10.

Nguyên nhân là do trong giai đoạn thí điểm bảo hiểm nông nghiệp theo Quyết định 315/QĐ-TTg, phần lớn hộ nghèo và cận nghèo tham gia bảo hiểm nông nghiệp vì không phải nộp phí hoặc nộp phí không đáng kể.

Với hộ nông dân bình thường (được hỗ trợ 60% phí bảo hiểm), mới có khoảng 6% trong tổng số hộ mua bảo hiểm. Nếu không hỗ trợ phí bảo hiểm cho đối tượng này, gần như họ sẽ không mua bảo hiểm nông nghiệp.

Trong khi chính sách bảo hiểm nông nghiệp đang hướng vào sản xuất hàng hóa, cánh đồng mẫu lớn, nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao…, Nghị định về bảo hiểm nông nghiệp sẽ không phát huy tác dụng cho những đối tượng này và sẽ mất đi ý nghĩa thúc đẩy ngành nông nghiệp Việt Nam phát triển lớn mạnh và bền vững.

Bên cạnh đó, do bảo hiểm nông nghiệp mới triển khai giai đoạn đầu nên rất cần kết hợp các chính sách (tổng mức hỗ trợ không vượt quá 100% giá trị thực tế) để người dân có thời gian làm quen và hiểu hơn về chính sách bảo hiểm nông nghiệp.

Tới giai đoạn tiếp theo, cần tách bạch để tạo sự thống nhất giữa các chính sách hỗ trợ nông nghiệp; tiến tới việc chuyển toàn bộ chính sách hỗ trợ rủi ro thiên tai, dịch bệnh sang chính sách bảo hiểm nông nghiệp, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp bền vững, ổn định; tránh việc nhận hỗ trợ trùng gây ra sự chồng chéo, không hiệu quả, lãng phí.

Do vậy, Hiệp hội Bảo hiểm đề nghị bổ sung thêm quy định liên quan đến vấn đề trùng chính sách trong nguyên tắc hỗ trợ phí được quy định tại Điều 10.

Ngoài ra, để thuận tiện cho DNBH trong công tác triển khai, Hiệp hội đề nghị Bộ Tài chính nên đưa thêm quy định Chính phủ, địa phương ban hành danh sách đối tượng được hỗ trợ, các cơ chế, chính sách hỗ trợ có thời hạn tối thiểu 1 năm và ban hành trước khi kết thúc năm tối thiểu 15 ngày.

Liên quan đến thời hạn xử lý hồ sơ, tiến hành thanh toán/chuyển trả phí bảo hiểm được quy định tại Mục c và d, Khoản 2, Điều 7, Hiệp hội đề xuất bổ sung thời hạn cụ thể cho việc sở nông nghiệp và phát triển nông thôn lập báo cáo trình ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, ra quyết định và Kho bạc Nhà nước/DNBH có trách nhiệm thanh toán/chuyển trả phí bảo hiểm.

Về việc chấm dứt hợp đồng bảo hiểm trước hạn (quy định tại Khoản 2, Điều 7), Hiệp hội Bảo hiểm cho rằng, cần bổ sung các điều kiện được phép chấm dứt do liên quan đến việc hoàn/thu thêm phí, quyết toán khoản hỗ trợ với ngân sách nhà nước khó khăn, dễ dẫn đến tranh chấp.

Theo ý kiến đề xuất của các DNBH, Hiệp hội Bảo hiểm cũng thống nhất đề nghị bỏ quy định báo cáo tháng đối với DNBH, chỉ báo cáo quý và năm; đề nghị Bộ Tài chính xây dựng biểu phí thuần (tương tự bảo hiểm vật chất xe cơ giới) để DNBH làm cơ sở xây dựng biểu phí; đồng thời, nên quy định tối thiểu một số rủi ro được bảo hiểm nhằm đảm bảo cạnh tranh trên thị trường bảo hiểm, dễ dàng lựa chọn, đem lại sự thuận tiện, an toàn cho tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp.

Cuối cùng, trong công văn đóng góp ý kiến dự thảo Nghị định về bảo hiểm nông nghiệp trình Bộ Tài chính, Hiệp hội Bảo hiểm đề xuất bổ sung thêm điều kiện: các tổ chức, cá nhân vay vốn của ngân hàng phải mua bảo hiểm nông nghiệp cho rủi ro thiên tai, dịch bệnh để bảo toàn nguồn vốn vay của ngân hàng và ổn định sản xuất cho người vay vốn.

Thực tế cho thấy, các dịch vụ bảo hiểm nông nghiệp thương mại mà DNBH đang khai thác đều do phía ngân hàng tác động, yêu cầu khách hàng mua bảo hiểm để bảo toàn vốn.

Tin bài liên quan