Cổ đông chiến lược chen chân
Cho đến thời điểm này, trong danh sách hơn chục doanh nghiệp đăng ký trở thành nhà đầu tư chiến lược tại Bệnh viện Nam Thăng Long (Bộ Giao thông - Vận tải), thì Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Việt Phú An có trụ sở tại K34 - Trần Thiện Chánh (phường 12, quận 10, TP.HCM) là cái tên đáng chú ý nhất.
Không chỉ rất mạnh về tài chính (vốn điều lệ 650 tỷ đồng), Việt Phú An còn sở hữu kinh nghiệm phong phú trong lĩnh vực bất động sản và chăm sóc y tế.
Cụ thể, đơn vị này đang nắm 3% cổ phần tại Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt và đang đầu tư ít nhất 4 dự án xây dựng, khai thác bệnh viện lớn như: Ung bướu Hưng Việt, Đa khoa Trí Đức, Nam học và hiếm muộn (đều ở Hà Nội); Ngoại khoa Nam Sài Gòn (TP.HCM).
Theo ông Dương Công Thuyên, Chủ tịch HĐQT Việt Phú An, nếu được Bộ GTVT chọn trở thành cổ đông chiến lược, Công ty sẽ đầu tư mạnh mẽ về tài chính, nhân lực và máy móc thiết bị để đưa Bệnh viện Nam Thăng Long trở thành cơ sở khám chữa bệnh hàng đầu tại Thủ đô.
“Với quy mô vốn không lớn, nhiều khả năng Bệnh viện Nam Thăng Long sẽ là cơ sở y tế công lập đầu tiên mà Nhà nước không cần nắm giữ vốn khi cổ phần hóa”- lãnh đạo Cục Y tế GTVT.
“Chúng tôi tiếp tục sử dụng toàn bộ lực lượng lao động hiện có của Bệnh viện, đề ra những giải pháp thiết thực để nâng cao đời sống y, bác sỹ”, ông Thuyên cam kết.
Mặc dù được đánh giá là ứng cử viên nặng ký nhất, vượt khá xa các ứng cử viên khác, nhưng cuộc đua sở hữu Bệnh viện Nam Thăng Long chắc chắn sẽ không lặp lại tình trạng “một mình một ngựa” giống như trường hợp cổ phần hóa Bệnh viện GTVT Trung ương.
Được biết, trong số các đơn vị đã gửi đơn đề xuất trở thành cổ đông chiến lược của Bệnh viện Nam Thăng Long, một cái tên rất đáng chú ý khác là liên danh Công ty cổ phần Máy lọc thận Việt Nam - Công ty cổ phần Trung tâm Bác sỹ gia đình Hà Nội. Liên danh này tuy chỉ có số vốn điều lệ khoảng 12 tỷ đồng/đơn vị, nhưng lại có lợi thế là xuất thân từ ngành y tế và kinh doanh thiết bị y tế.
Trước đó, vào tháng 10/2015, Bộ GTVT đã thí điểm xã hội hóa thành công Bệnh viện GTVT Trung ương, làm cơ sở cho việc cổ phần hóa các cơ sở y tế công lập khác, mà mục tiêu kế tiếp chính là Bệnh viện Nam Thăng Long.
Hiện 51,43% cổ phần của bệnh viện đa khoa cấp I có số vốn điều lệ 168 tỷ đồng này do Tập đoàn T&T của Bầu Hiển sở hữu; 30% cổ phần do Nhà nước nắm giữ; phần còn lại được nắm giữ bởi một số cổ đông nhỏ lẻ và cán bộ công nhân viên Bệnh viện nắm giữ.
Có thể thoái toàn bộ vốn nhà nước
Theo thông tin của phóng viên Báo Đầu tư, vào cuối tháng 11/2015, Ban chỉ đạo cổ phần hóa Bệnh viện Nam Thăng Long đã có tờ trình đề nghị Bộ GTVT phê duyệt giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa. Theo đó, giá trị doanh nghiệp của bệnh viện tại thời điểm 30/6/2015 là 29,61 tỷ đồng, trong đó, giá trị thực tế phần vốn nhà nước là 11,85 tỷ đồng.
Mặc dù phương án cổ phần hóa Bệnh viện Nam Thăng Long chưa được bộ chủ quản phê duyệt, nhưng ngay cả khi nhà nước thoái toàn bộ vốn, kinh phí để hoàn tất thương vụ này không phải là rào cản đối với các nhà đầu tư.
Nằm ở phía Tây Thủ đô, bên cạnh lợi thế có diện tích 2.017 m2 đất tại 38 Tân Xuân (Xuân Đỉnh - Từ Liêm - Hà Nội); Bệnh viện Nam Thăng Long gồm 100 giường bệnh, được Bộ Y tế xếp hạng bệnh viện đa khoa hạng II với đủ các chuyên khoa theo quy định.
Tính đến giữa tháng 6/2015, tổng số cán bộ, nhân viên của Bệnh viện là 204 người; trong đó bác sỹ chuyên khoa 2 người; thạc sỹ 5 người; bác sỹ, dược sỹ chuyên khoa cấp I là 14 người; bác sỹ và đại học khác là 33 người.
“Nếu được đầu tư bài bản, Bệnh viện Nam Thăng Long sẽ không thiếu bệnh nhân, do khu vực phía Tây Thủ đô hiện đang thiếu vắng một cơ sở y tế có chất lượng cao”, một nhà đầu tư cho biết.
Theo ông Vũ Anh Minh, Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ GTVT), kinh nghiệm từ việc cổ phần hóa thành công Bệnh viện GTVT Trung ương sẽ giúp Bộ GTVT rút ngắn đáng kể tiến trình xã hội hóa Bệnh viện Nam Thăng Long - cơ sở khám chữa bệnh đa khoa công lập hạng 2, trực thuộc Cục Y tế GTVT.
“Với quy mô vốn không lớn, nhiều khả năng Bệnh viện Nam Thăng Long sẽ là cơ sở y tế công lập đầu tiên mà Nhà nước không cần nắm giữ vốn khi cổ phần hóa”, một lãnh đạo Cục Y tế GTVT cho biết.