Nhiều đại gia không muốn "nhả" ngân hàng

Nhiều đại gia không muốn "nhả" ngân hàng

Sự thiếu hợp tác hoặc chống đối từ phía cổ đông lớn của các NHTM cổ phần yếu kém đã gây khó khăn cho quá trình cơ cấu lại đối với các ngân hàng này.

Trả lời về việc xử lý nợ xấu của ngành ngân hàng, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chánh Thanh tra, Cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, quá trình tái cơ cấu ngành ngân hàng sẽ có không ít khó khăn do khuôn khổ pháp lý cho việc cơ cấu lại các tổ chức tín dụng (TCTD) nói chung chưa hoàn thiện.

Điển hình là thiếu cơ chế can thiệp, xử lý của Nhà nước đối với các TCTD yếu kém dẫn đến xử lý chưa kịp thời, dứt điểm pháp nhân của các TCTD yếu kém.

 

Hơn nữa, hầu hết các ngân hàng thương mại (NHTM) Nhà nước đã được cổ phần hóa nên hạn chế khả năng tham gia xử lý TCTD yếu kém thông qua sáp nhập, mua lại TCTD yếu kém.

 

Ngoài ra, sự thiếu hợp tác hoặc chống đối từ phía cổ đông lớn của các NHTM cổ phần yếu kém đối với các chính sách, biện pháp cơ cấu lại của NHNN cũng gây khó khăn cho quá trình cơ cấu lại đối với các ngân hàng này.

 

Theo ông Nghĩa, tổng số nợ xấu được xử lý bằng cách hy sinh lợi nhuận ngắn hạn để trích lập dự phòng rủi ro ước tính đạt khoảng 69 ngàn tỷ đồng trong năm 2012. Tuy nhiên, không vì thế mà dư nợ xấu giảm tương ứng do nợ xấu mới tiếp tục phát sinh.

 

Thực tế, lợi nhuận năm 2012 của hệ thống ngân hàng đã giảm tới gần 60%, các chỉ số sinh lời đều chỉ bằng khoảng 40% so với cùng kỳ năm 2011. Nhiều TCTD cắt giảm tiền lương, tiền thưởng, tiết giảm chi phí hoạt động, không chia cổ tức, lợi nhuận hoặc có chia nhưng ở mức thấp (phổ biến dưới 10%).

 

Theo đại diện NHNN, năm 2013 sẽ hoàn thiện một bước quan trọng khuôn khổ pháp lý về tiền tệ, hoạt động ngân hàng, đặc biệt là các quy định an toàn hoạt động ngân hàng để hỗ trợ cho quá trình tái cơ cấu các TCTD.