Nhiều công ty tài chính và 20 nhà băng đã phê duyệt phương án cơ cấu lại

0:00 / 0:00
0:00
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã có báo cáo giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ 7.
Các bên liên quan đang tập trung thực hiện các nội dung về cơ cấu lại Ngân hàng TMCP Đông Á

Các bên liên quan đang tập trung thực hiện các nội dung về cơ cấu lại Ngân hàng TMCP Đông Á

Về xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, tổ chức tín dụng thuộc diện kiểm soát đặc biệt, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo triển khai quyết liệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025”.

Đến nay, 20 ngân hàng thương mại, 1 công ty tài chính, 8 công ty cho thuê tài chính và các tổ chức tài chính vi mô, Ngân hàng Hợp tác xã… đã hoàn thành phê duyệt phương án cơ cấu lại.

Các bên liên quan đang tập trung thực hiện các nội dung về cơ cấu lại 3 ngân hàng mua bắt buộc, Ngân hàng TMCP Đông Á (DAB), SCB để thực hiện phương án cơ cấu lại.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết như trên, trong báo cáo giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ 7.

Theo đó, có một số ý kiến cho rằng, thị trường tiền tệ, tài chính, ngân hàng, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, vàng còn tồn tại nhiều vấn đề cần quan tâm. Năm 2023, tín dụng tăng chậm, tập trung chủ yếu ở tháng 12 nên không có hiệu quả đối với tăng trưởng; những tháng đầu năm 2024, tăng trưởng tín dụng rất thấp, thể hiện khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế cũng có vấn đề. Áp lực đáo hạn trái phiếu năm 2024 tăng cao; nợ xấu nội bảng tăng lên gần 5%; giá vàng biến động phức tạp, chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế cao.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ, những vấn đề nêu trên đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm, tổ chức nhiều cuộc họp, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, các bộ, cơ quan tập trung quản lý, điều hành, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là về pháp lý và hoàn thiện đồng bộ các quy định để thúc đẩy phát triển bền vững, hiệu quả các thị trường.

Công tác điều hành tín dụng được thực hiện chủ động, linh hoạt, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng, triển khai một số gói tín dụng ưu đãi như gói 15 nghìn tỷ đồng cho ngành lâm sản, thủy sản (đã nâng lên thành 30 nghìn tỷ đồng từ đầu năm 2024), gói 120 nghìn tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội…; tiếp tục thực hiện chính sách giữ nguyên nhóm nợ, cơ cấu lại thời hạn trả nợ trong năm 2023 và năm 2024.

Các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay; đã công khai lãi suất cho vay bình quân, chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân cũng như thông tin về lãi suất cho vay các gói, chương trình tín dụng, sản phẩm (nếu có).

Về quản lý thị trường vàng, Bộ trưởng cho hay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp can thiệp bình ổn thị trường vàng thông qua các phiên đấu thầu bán vàng miếng nhằm tăng cung trên thị trường; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh vàng để chống đầu cơ, găm vàng; tăng cường phòng, chống buôn lậu, nhập lậu vàng; nghiên cứu, sửa đổi Nghị định số 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.

Liên quan đến thị trường bất động sản, báo cáo nêu, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 để chỉ đạo các giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, dự án, nhất là các dự án bất động sản lớn.

Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và đã quyết liệt chỉ đạo để trình Quốc hội cho phép sớm áp dụng ngay từ ngày 1/8/2024, chỉ đạo các địa phương khẩn trương hoàn thiện các quy định để áp dụng Luật ngay sau khi được Quốc hội cho phép sớm áp dụng.

Cạnh đó là ban hành Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030", triển khai gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội; chỉ đạo Bộ Xây dựng, các bộ, ngành, địa phương quyết liệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về quy định, thủ tục hành chính phát triển nhà ở xã hội, tăng khả năng tiếp cận nhà ở xã hội của người dân...

Bộ trưởng cũng thông tin, về thị trường chứng khoán, Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán năm 2024; ban hành Công điện số 1360/CĐ-TTg và nhiều văn bản chỉ đạo các giải pháp thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển an toàn, minh bạch, hiệu quả và bền vững, nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi.

Còn về thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Chính phủ đã ban hành Công điện 1177/CĐ-TTg ngày 23/11/2023 chỉ đạo các giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng, thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản hiệu quả, an toàn, lành mạnh, bền vững; chỉ đạo đưa vào vận hành hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp.

Chính phủ cũng chỉ đạo Bộ Tài chính theo dõi sát tình hình để kịp thời tham mưu, kiến nghị xử lý tình huống phát sinh có thể xảy ra; tăng cường thông tin, truyền thông và triển khai nhiều giải pháp để tăng tính công khai, minh bạch về hoạt động của thị trường.

“Tuy nhiên, hoạt động của các thị trường nêu trên nhìn chung vẫn còn khó khăn, hạn chế. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Xây dựng, các bộ, cơ quan tiếp tục theo dõi sát tình hình, chủ động tham mưu, đề xuất các giải pháp, nhất là việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc pháp lý để thúc đẩy phát triển các thị trường này trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay.

Tin bài liên quan