Ngày cuối cùng của năm 2013, Công ty QLQ Phú Hưng (Phú Hưng Fund) được cơ quan quản lý chấp thuận bổ sung nghiệp vụ tư vấn đầu tư chứng khoán. Hai nghiệp vụ kinh doanh trước đó của Công ty gồm nghiệp vụ quản lý quỹ và quản lý danh mục ủy thác không đem lại một đồng doanh thu nào trong suốt nửa đầu năm 2013. Ngay cả hoạt động tài chính cũng chỉ đem lại vỏn vẹn 570 triệu đồng, khiến Phú Hưng Fund lỗ hơn 1,4 tỷ đồng trong thời gian này.
Nghiệp vụ “Tư vấn đầu tư chứng khoán” được định nghĩa là việc cung cấp cho NĐT kết quả phân tích, công bố báo cáo phân tích và khuyến nghị liên quan đến chứng khoán. Các công ty QLQ thường sử dụng nghiệp vụ này để tư vấn cho khách hàng chọn đúng các mã cổ phiếu hoặc trái phiếu.
Nhưng trên thực tế, nghiệp vụ này còn bao gồm một nhóm hoạt động tư vấn khác như tư vấn mua bán - sáp nhập (M&A), tư vấn tái cấu trúc, quản trị doanh nghiệp, thậm chí là tư vấn huy động vốn cho doanh nghiệp. Đây mới là các hoạt động đem lại hy vọng lớn cho các công ty QLQ không gọi được tiền từ NĐT để quản lý.
Trước năm 2010, các công ty QLQ không được phép thực hiện nghiệp vụ tư vấn. Nhưng giai đoạn từ cuối năm 2010 đến đầu năm 2011, khi thị trường tài chính suy giảm kéo dài và hoạt động M&A trong khối doanh nghiệp tăng mạnh, rất nhiều người trong ngành quản lý quỹ đã quay sang tìm cơ hội ở hoạt động tư vấn cho các thương vụ tài chính.
Có 10 công ty quản lý quỹ đã bổ sung nghiệp vụ tư vấn đầu tư chứng khoán
Cùng thời gian này, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán ban hành cuối năm 2010 đã bổ sung nghiệp vụ tư vấn vào danh sách những nghiệp vụ mà công ty QLQ được thực hiện. Đến tháng 7/2012, Nghị định số 58/2012/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoán ra đời đã cho phép nhóm công ty QLQ bổ sung nghiệp vụ mới đó.
Năm 2012, Vietinbank Capital đã mở đầu bổ sung nghiệp vụ tư vấn đầu tư chứng khoán. Tiếp đó, ba công ty gồm QLQ Đối tác Toàn cầu, An Bình Fund và FPT Capital cùng bổ sung nghiệp vụ này vào cuối năm 2012.
Sang năm 2013, có thêm 5 công ty bổ sung nghiệp vụ tư vấn đầu tư chứng khoán, gồm MBCapital, Eastspring Invesments, Techcombank Capital, SSIAM và Phú Hưng Fund. Gần đây nhất, đầu tháng 1/2014, Công ty QLQ Thái Bình Dương (tiền thân là Qông ty QLQ Hapaco) đã được chấp thuận bổ sung nghiệp vụ này.
Thực tế, trong số các công ty QLQ nêu trên, một số công ty như MBCapital hay Vietinbank Capital chỉ bổ sung nghiệp vụ, chứ tỷ trọng của nghiệp vụ tư vấn là không đáng kể. Tuy nhiên, nghiệp vụ này lại trở thành “nồi cơm chính” cho một số công ty QLQ khác.
Điển hình, tại Công ty QLQ Đối tác Toàn cầu, trong nửa đầu năm 2013, doanh thu từ hoạt động tư vấn đầu tư chứng khoán chiếm đến 86% tổng doanh thu của Công ty, còn lại 14% doanh thu là từ hoạt động tài chính. Công ty không thu được đồng nào từ hoạt động quản lý quỹ và quản lý danh mục ủy thác. Trước đó, trong năm 2012, hoạt động tư vấn đầu tư chứng khoán chiếm 73% doanh thu của Công ty. Tương tự, tại An Bình Fund, nghiệp vụ tư vấn đầu tư chứng khoán chiếm 87% tổng doanh thu của Công ty trong năm 2012.
“NĐT hầu như không còn tiền để ủy thác cho quỹ quản lý, hoạt động đầu tư tài chính thì không phải công ty nào cũng có cơ sở để làm. Trong hoàn cảnh đó, hoạt tư vấn trở thành mảng mang lại doanh thu chính”, lãnh đạo một công ty QLQ nói.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, một số ý kiến nghi ngại về việc công ty QLQ phụ thuộc vào nghiệp vụ tư vấn. Nghi ngại này giống với nghi ngại về việc nhiều công ty QLQ hiện nay thay vì sống bằng nghiệp vụ chính là quản lý quỹ thì lại sống bằng hoạt động tài chính (gửi tiền, mua bán chứng khoán...). Luồng ý kiến này, bên cạnh việc cho rằng, các công ty sẽ khó hoạt động bền vững nếu không dựa vào chức năng chính, còn lo ngại về tính minh bạch khi mà một công ty QLQ vừa đầu tư, vừa tư vấn đầu tư.
Thực tế, tại các công ty phụ thuộc vào nghiệp vụ tư vấn, kết quả hoạt động chung cũng không thực sự khả quan: QLQ Đối tác Toàn cầu thua lỗ lớn trong năm 2012 và nửa đầu năm 2013; tại QLQ An Bình, doanh thu từ hoạt động tư vấn năm 2012 không thể bù đắp lỗ lũy kế trong các năm trước đó. Năm 2012 Công ty có lãi 5 tỷ đồng, nhưng tính đến đến cuối tháng 9 năm 2013, Công ty vẫn có lỗ lũy kế.