Nhiều công ty chứng khoán không kịp vào sân chơi phái sinh

Nhiều công ty chứng khoán không kịp vào sân chơi phái sinh

(ĐTCK) Số công ty chứng khoán (CTCK) đáp ứng được tiêu chí về vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu để tham gia thị trường chứng khoán phái sinh không nhiều. Xét các tiêu chí khác, số doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn còn ít hơn.

Khoảng 20 công ty đáp ứng điều kiện về vốn

Dự kiến, ngày 19/5/2017, thị trường chứng khoán phái sinh sẽ chính thức khai mở.

Theo Nghị định số 42/2015/NĐ-CP về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh và Thông tư số 11/2016/TT-BTC hướng dẫn một số điều của Nghị định 42/2015/NĐ-CP, CTCK tham gia thị trường này phải đáp ứng các tiêu chí về năng lực tài chính, hiệu quả hoạt động kinh doanh, tỷ lệ vốn khả dụng…

Trong đó, đối với hoạt động tự doanh chứng khoán phái sinh, CTCK phải có vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu tối thiểu là 600 tỷ đồng. Để tham gia môi giới chứng khoán phái sinh, CTCK phải có vốn từ 800 tỷ đồng trở lên.

Bên cạnh đó, công ty không có lỗ lũy kế; không lỗ trong 2 năm gần nhất; không đang trong quá trình hợp nhất, sáp nhập, giải thể, phá sản, kiểm toán, kiểm soát đặc biệt…

Những gương mặt trong Top 10 thị phần môi giới như SSI, HSC, VCSC, VNDS, BVSC, FPTS, KIS, MBS… là những công ty đáp ứng được các tiêu chí về vốn và hiệu quả kinh doanh.

Hiện có khoảng 20/73 CTCK có vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu từ 600 tỷ đồng trở lên. Nếu áp dụng các điều kiện về không có lỗ lũy kế, không lỗ trong 2 năm gần nhất, số công ty đủ tiêu chuẩn tham gia thị trường chứng khoán phái sinh sẽ ít hơn.

Trước đó, nhiều CTCK nỗ lực tăng vốn điều lệ và cải thiện tình hình kinh doanh. Chẳng hạn, CTCK Kỹ Thương (TCBS) đã tăng vốn điều lệ từ 300 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng trong năm 2014. Tính đến cuối năm 2016, vốn chủ sở hữu của TCBS là 1.902 tỷ đồng.

CTCK Rồng Việt (VDSC) đã tăng vốn điều lệ lên 700 tỷ đồng và xóa lỗ lũy kế. Năm nay, VDSC có kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 910 tỷ đồng, mục tiêu đến năm 2021 đạt 2.500 tỷ đồng.

CTCK Sài Gòn - Hà Nội (SHS) có kế hoạch sáp nhập CTCK SHB (SHBS) nhằm xây dựng vị thế mới cao hơn.

Theo thông tin của Báo Đầu tư Chứng khoán, dự kiến ban đầu chỉ có 8 CTCK được nhận giấy phép thành viên thị trường chứng khoán phái sinh.

Nhiều công ty tuột cơ hội

Trong khối CTCK, Chứng khoán Agribank (AGR) có vốn điều lệ lớn thứ 2 về vốn điều lệ (sau SSI) và vốn chủ sở hữu lớn thứ 6 trên thị trường, lần lượt là 2.120 tỷ đồng và 1.648 tỷ đồng. Tuy nhiên, AGR thua lỗ 2 năm liên tiếp 2015 - 2016, lỗ lũy kế cuối năm 2016 hơn 560 tỷ đồng.

CTCK Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (SBS) có vốn điều lệ hơn 1.267 tỷ đồng, nhưng vốn chủ sở hữu chỉ là 215 tỷ đồng và đến cuối năm 2016, SBS lỗ lũy kế 1.312 tỷ đồng.

CTCK Đại Dương (OCS) có vốn điều lệ 600 tỷ đồng nhưng vốn chủ sở hữu là 395 tỷ đồng, lỗ lũy kế 213 tỷ đồng.

Mấp mé đạt chuẩn về vốn là CTCK Dầu khí (PSI), CTCK Thiên Việt (TVS), CTCK Tân Việt (TVSI), CTCK Phố WALL (WSS)… Đối với PSI, Công ty cần xử lý khoản lỗ lũy kế hơn 69 tỷ đồng mới có thể tham gia thị trường phái sinh.

Mới đây, CTCK SJC (SJSC) có kế hoạch để tăng vốn điều lệ từ 53 tỷ đồng lên 800 tỷ đồng và chủ trương hợp nhất/sáp nhập một công ty khác. Việc tăng vốn sẽ chia làm 2 đợt: đợt 1 từ 53 tỷ đồng lên 300 tỷ đồng và đợt 2 sẽ tăng lên 800 tỷ đồng.

Câu chuyện về vốn của một số CTCK dự kiến sẽ được thu xếp ổn thỏa, thị trường chứng khoán có triển vọng khả quan kỳ vọng giúp công ty cải thiện kết quả kinh doanh. Dự báo, sẽ có thêm CTCK đạt điều kiện tham gia thị trường chứng khoán phái sinh trong thời gian tới.

Trong giai đoạn đầu vận hành thị trường chứng khoán phái sinh, do đây là thị trường mới, cả cơ quan quản lý, các thành viên thị trường và nhà đầu tư có thể cần thời gian để làm quen, học hỏi và đúc rút kinh nghiệm.

Tuy nhiên, thị trường này sẽ dự báo sẽ thu hút cả nhà đầu tư trong và ngoài nước, là cơ hội để nhà đầu tư kiếm lời cũng như phòng vệ rủi ro trên thị trường chứng khoán cơ sở, đồng thời khối CTCK có thêm điều kiện để tăng doanh thu, lợi nhuận.

Tin bài liên quan