Các doanh nghiệp niêm yết ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận bình quân 10 - 15%/năm, củng cố sức hấp dẫn của thị trường chứng khoán

Các doanh nghiệp niêm yết ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận bình quân 10 - 15%/năm, củng cố sức hấp dẫn của thị trường chứng khoán

Nhiều cổ phiếu tăng nhờ kết quả kinh doanh tích cực

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Sự phân hóa cổ phiếu đang rõ nét khi kết quả kinh doanh tích cực năm 2024 đẩy giá một số cổ phiếu tăng vượt kỳ vọng; nhưng nhiều mã khác có mức tăng thấp, mang lại cơ hội đầu tư cho năm 2025.

Định giá hợp lý

Hiện đã có hơn 900 doanh nghiệp đại diện cho 95% vốn hóa toàn thị trường công bố kết quả kinh doanh quý IV/2024. Theo thống kê sơ bộ, tổng lợi nhuận sau thuế trong quý cuối năm 2024 tăng 20,9% so với cùng kỳ năm 2023, duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định quý thứ tư liên tiếp. Với kết quả lợi nhuận tích cực, định giá P/E toàn thị trường đã giảm về mức 12,5 lần, thấp nhất kể từ tháng 5/2023 đến nay.

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng phòng Nghiên cứu Ngành và Cổ phiếu, Công ty Chứng khoán MB cho rằng, so với mức P/E trung bình 3 năm gần đây vào khoảng 13,5 lần, mức định giá hiện tại tương đối thấp và mở ra nhiều cơ hội tích lũy cổ phiếu. Tuy vậy, nhà đầu tư cần lưu ý một số tác động đến từ trong và ngoài nước.

Đối với yếu tố ngoại biên, tác động từ thuế quan có thể là câu chuyện chi phối thị trường trong nửa đầu năm nay, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đang thực hiện các bước đi như kế hoạch trong cuộc tranh cử. Bên cạnh đó, câu chuyện của nhóm cổ phiếu công nghệ được thị trường quan tâm với sự ra mắt của DeepSeek. Mặc dù khiến nhóm cổ phiếu công nghệ giảm giá mạnh, nhưng DeepSeek sẽ giúp công nghệ về trí tuệ nhân tạo phổ cập hơn và mang đến tác động tích cực trong dài hạn. Ngoài ra, biến động từ thị trường thế giới làm tăng nhu cầu đầu tư vào các tài sản an toàn như vàng, USD, Yên Nhật…, ảnh hưởng đến dòng tiền vào các tài sản rủi ro như cổ phiếu.

Đối với thị trường trong nước, thanh khoản đang có dấu hiệu cải thiện, nhưng vẫn ở mức thấp. Bình quân năm 2024, thanh khoản đạt 21.000 tỷ đồng/phiên, tháng 1/2025 giảm còn 12.800 tỷ đồng/phiên, 2 phiên đầu tháng 2/2025 tăng lên 16.000 tỷ đồng/phiên. Đáng chú ý, khối ngoại tiếp tục bán ròng, sau năm 2024 bán ròng kỷ lục gần 93.000 tỷ đồng thì 1 tháng vừa qua bán ròng thêm hơn 9.000 tỷ đồng.

Nhìn chung, dòng tiền nội vẫn sẽ là nhân tố quyết định đến sự tăng trưởng của thị trường. Tuần này, dự kiến Quốc hội sẽ họp bất thường để xem xét sửa đổi, ban hành các luật, nghị quyết thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, quyết định công tác nhân sự nhằm theo thẩm quyền. Việc này sẽ đẩy nhanh tiến độ tinh gọn bộ máy và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Với những yếu tố bên ngoài và thực tại của thị trường, ở giai đoạn hiện tại, thị trường vẫn còn chịu áp lực và trở ngại xoay quanh câu chuyện tỷ giá và các chính sách kinh tế mới dưới thời “Trump 2.0”. Tuy nhiên, dự báo thị trường sẽ chuyển biến tích cực hơn vào nửa sau năm 2025 khi các mối lo ngại được giải tỏa. Do đó, những nhịp điều chỉnh trong giai đoạn nửa đầu năm nay sẽ mang đến những cơ hội tích lũy cổ phiếu hấp dẫn.

Chọn nhóm ngành để “xuống tiền”

Định giá P/E toàn thị trường đã giảm về mức 12,5 lần, thấp nhất kể từ tháng 5/2023.

Kinh tế Việt Nam tăng trưởng ấn tượng so với khu vực, tạo nền tảng cho các doanh nghiệp niêm yết ghi nhận mức tăng lợi nhuận 10 - 15%/năm, củng cố sức hấp dẫn của thị trường chứng khoán. Theo đó, trong bất kỳ hoàn cảnh nào của thị trường thì việc chọn cổ phiếu của doanh nghiệp tăng trưởng mạnh về hoạt động kinh doanh vẫn sẽ là yếu tố quan trọng.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam nhìn nhận, trong năm 2025, chính sách đầu tư công tiếp tục được đẩy mạnh là tiền đề để thúc đẩy nhiều ngành kinh tế khác tăng trưởng theo như xây dựng, bất động sản, vật liệu xây dựng, cảng biển, hàng không… Việt Nam đang trong giai đoạn tăng tốc về kinh tế, vì vậy sẽ có nhiều nhóm ngành đi vào chu kỳ phát triển cả về chiều sâu lẫn chiều rộng. Tuy nhiên, một số nhóm ngành sẽ có sự phân hóa và không phải cổ phiếu nào cũng tăng giá. Sự khác biệt ở năm nay là tâm điểm sẽ nằm ở những nhóm cổ phiếu mang tính dẫn đầu của từng nhóm ngành hay tập đoàn công nghiệp lớn. Vì vậy, nhà đầu tư cần tập trung vào những cổ phiếu mục tiêu hàng đầu, thay vì lựa chọn dàn trải cho cả nhóm ngành.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Tiến Dũng cho rằng, việc lựa chọn cổ phiếu đầu tư trong năm 2025 có thể đi theo hai chủ đề chính. Đầu tiên là lựa chọn các ngành nghề và doanh nghiệp được sự hỗ trợ từ các yếu tố vĩ mô như đẩy mạnh giải ngân đầu tư công. Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 8% cho năm 2025, đây là một mức tăng trưởng đầy thách thức nên mọi nguồn lực sẽ được huy động để thực hiện, trong đó đầu tư công là một công cụ có thể tự chủ động được. Với kỳ vọng giải ngân vốn đầu tư công năm 2025 đạt 85 - 90% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tương ứng với mức tăng trưởng 24 - 31% so với năm 2024, tăng trưởng đầu tư công có thể đóng góp 1,4 - 1,8% vào tăng trưởng GDP. Khi giải ngân vốn đầu tư công tăng trưởng tốt, một số ngành nghề có thể hưởng lợi trực tiếp bao gồm xây dựng hạ tầng và nguyên vật liệu (thép, đá, nhựa đường…).

Bên cạnh đó, Chính phủ đặt mục tiêu Việt Nam sẽ vươn lên trong chuỗi cung ứng, chuyển hướng sang các ngành sản xuất và dịch vụ có giá trị cao hơn. Ngoài ra, các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực có khả năng ứng dụng chuyển đổi số thành công để nâng cao năng suất lao động như ngân hàng, logistics, giáo dục, bán lẻ… Đây cũng là các ngành, lĩnh vực đáng quan tâm đầu tư.

Chủ đề đầu tư thứ hai là thị trường chứng khoán Việt Nam đang tiến gần hơn đến cơ hội được nâng hạng theo phân loại của FTSE. Kịch bản khả thi nhất là thị trường cần chờ đến kỳ review tháng 9/2025 của FTSE để được công bố nâng hạng. Theo ước tính về tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam trong rổ thị trường mới nổi khi được nâng hạng, nguồn vốn từ các quỹ ETF giá trị khoảng 1,7 tỷ USD có thể chảy vào ngay trong năm thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng và khoảng 8 - 9 tỷ USD từ các quỹ chủ động sẽ vào trong vòng 3 - 4 năm sau. Khi thị trường được nâng hạng, giá trị giao dịch cùng với nhu cầu giao dịch ký quỹ có khả năng gia tăng với tốc độ cao, các công ty chứng khoán có khả năng mở rộng nguồn vốn cho vay ký quỹ sẽ có nhiều lợi thế.

Nhìn nhận về nhóm cổ phiếu có nhiều cơ hội trong năm 2025, ông Michael Kokalari, Giám đốc Phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường, VinaCapital nhận xét, ngân hàng và bất động sản là hai nhóm cổ phiếu có mối liên quan rất lớn và đang nhận được nhiều sự quan tâm từ thị trường. Mối liên hệ chặt chẽ giữa hai nhóm này đến từ việc tín dụng bất động sản chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu tín dụng của các ngân hàng hoặc được thế chấp bằng bất động sản. Do đó, sự phục hồi của ngành bất động sản được kỳ vọng sẽ là động lực chính cho nhu cầu vay, qua đó giúp ngân hàng tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2025.

Tin bài liên quan