Nhiều cơ hội trong hợp tác đầu tư vào hệ sinh thái xanh

(ĐTCK) Nghiên cứu của Bain & Company cho thấy các cơ hội đầu tư quan trọng có thể mang lại 150 tỷ USD cho Đông Nam Á vào năm 2030 và Việt Nam có vị thế thuận lợi để thu hút các khoản đầu tư xanh này.

Ngân hàng Standard Chartered phối hợp cùng Bain & Company và EuroCham vừa tổ chức hội thảo “Nền kinh tế xanh Đông Nam Á 2024: Dịch chuyển kim chỉ nam” tại Hà Nội nhằm thảo luận vai trò của Việt Nam trong quá trình Chuyển đổi xanh của Đông Nam Á và các cơ hội, thách thức và chiến lược trong nền kinh tế xanh của Việt Nam.

Tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hoàng Long nêu bật vai trò của Việt Nam trong việc thúc đẩy nền kinh tế xanh và chuyển đổi năng lượng. Nhấn mạnh cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, đồng thời lưu ý rằng mục tiêu đầy tham vọng này không thể đạt được nếu không có sự hỗ trợ từ quốc tế. Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ Công thương bày tỏ sự lạc quan về tiềm năng to lớn của Việt Nam, đặc biệt là nguồn tài nguyên năng lượng gió và năng lượng mặt trời dồi dào. Cùng với các quốc gia Đông Nam Á, những nguồn tài nguyên này sẽ thúc đẩy tương lai năng lượng xanh của Việt Nam.

“Từ nay đến cuối năm, Chính phủ đề ra mục tiêu mở cửa thị trường cho các doanh nghiệp trong nước và quốc tế đầu tư vào điện gió ngoài khơi. Nếu các doanh nghiệp thuộc tất cả các lĩnh vực cùng nhau hợp tác đầu tư vào hệ sinh thái này, chúng ta có thể tạo ra những cơ hội rõ ràng để phát triển và đổi mới”, ông Nguyễn Hoàng Long nói.

Sự kiện cũng mang đến phần thảo luận với các lãnh đạo doanh nghiệp trong nước và quốc tế, và các chuyên gia tài chính về chiến lược của Việt Nam nhằm đạt được mức phát thải ròng bằng 0 và cung cấp những nhận định sâu sắc về khung chính sách, chuyển đổi trong ngành và những thách thức đặc thù dựa trên quan điểm về kinh tế vĩ mô, quản trị và tài chính.

Bà Nguyễn Thúy Hạnh, Tổng giám đốc kiêm Giám đốc Khối Khách hàng Doanh nghiệp và Đầu tư, Standard Chartered Việt Nam, nhấn mạnh tầm quan trọng của sự kiện mang lại cơ hội hiếm có để các lãnh đạo doanh nghiệp và chuyên gia trong ngành thảo luận về các sáng kiến tài chính xanh và đầu tư bền vững.

Cũng theo bà Nguyễn Thúy Hạnh, các ngân hàng đang đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy các sáng kiến tài chính xanh và đầu tư bền vững nhằm hỗ trợ quá trình chuyển đổi nền kinh tế sang một tương lai xanh hơn. Nhiều ngân hàng đang phát triển các nguyên tắc phân loại tài chính xanh như một bộ hướng dẫn cho các giao dịch tài chính xanh. Ví dụ như tại Standard Chartered đã tận dụng kiến thức chuyên môn sâu rộng để hỗ trợ các sáng kiến quan trọng thúc đẩy sự phát triển tài chính xanh trong nước. Cụ thể, bao gồm thúc đẩy tài chính xanh cho các ngành khác nhau như năng lượng tái tạo, sản xuất, vận chuyển, nông nghiệp… tạo ra nhiều sản phẩm tài chính xanh hơn để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường và cung cấp dịch vụ tư vấn hỗ trợ khách hàng thực hiện chuyển đổi xanh.

Đáng chú ý, bà Hạnh thông tin: “Ngân hàng gần đây đã cho ra mắt sản phẩm tài khoản bền vững, được thiết kế nhằm huy động nguồn tiền gửi không kỳ hạn để tài trợ các dự án xanh. Thông qua hợp tác với các khách hàng và đối tác, chúng tôi cam kết thúc đẩy cách tiếp cận toàn diện hơn đối với tài chính xanh và hợp tác với tất cả các doanh nghiệp để đạt được mục tiêu mức phát thải ròng bằng 0 của Việt Nam.”

Cũng tại Hội thảo, ông Dale Hardcastle, Trưởng bộ phận Thị trường Carbon Toàn cầu và Giám đốc Trung tâm Đổi mới Bền vững toàn cầu tại Bain & Company đã chia sẻ những điểm quan trọng trong Báo cáo Kinh tế Xanh Đông Nam Á 2024 (SEA 2024 Green Economy Report).

Toàn cảnh Hội thảo

Toàn cảnh Hội thảo

Còn ông Andrea Campagnoli, Đối tác Sáng lập kiêm Trưởng văn phòng của Bain tại Việt Nam, điều hành phiên thảo luận chia sẻ, Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ đáng chú ý cho đến nay trong quá trình chuyển đổi năng lượng và đang có tiềm năng to lớn để tăng tốc và phát triển hơn nữa nền kinh tế xanh. Nghiên cứu của Bain & Company cho thấy các cơ hội đầu tư quan trọng có thể mang lại 150 tỷ USD cho Đông Nam Á vào năm 2030 và Việt Nam có vị thế thuận lợi để thu hút các khoản đầu tư xanh này.

“Để nắm bắt cơ hội, Việt Nam nên ưu tiên các giải pháp có tác động lớn và sẵn sàng để triển khai như phát triển năng lượng gió và mặt trời quy mô lớn, mở rộng cơ sở hạ tầng truyền tải và phân phối (T&D) để hỗ trợ năng lượng tái tạo và thúc đẩy canh tác lúa gạo bền vững. Điều quan trọng là chúng ta phải bắt đầu hành động ngay từ bây giờ để đạt được những tiến bộ vững chắc nhằm hướng tới các mục tiêu về khí hậu năm 2030”, ông Andrea Campagnoli nhấn mạnh.

Standard Chartered cam kết mở rộng quy mô và cung cấp tài trợ tài chính bền vững lên tới 300 tỷ USD vào cuối thập kỷ này. Ngân hàng cũng đặt mục tiêu đạt mức thải ròng bằng 0 vào năm 2050, và trong các hoạt động của Ngân hàng vào năm 2025.

Tin bài liên quan