Ông Don Lam, Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ đầu tư VinaCapital chia sẻ với ĐTCK về những xu thế tích cực này.
Theo ông, đâu là những yếu tố nền tảng tạo nên cơ hội cho NĐT hiện nay cũng như trong thời gian tới?
Sau một thời gian chững lại do suy thoái, khoảng 18 tháng trở lại đây, kinh tế vĩ mô của Việt Nam dần đi vào quỹ đạo ổn định và bắt đầu đà phục hồi tăng trưởng. Tốc độ cải cách tích cực về môi trường đầu tư của Chính phủ và các chính sách ngày càng thông thoáng là những yếu tố thuận lợi khiến NĐT, đặc biệt là NĐT nước ngoài, quan tâm tới các cơ hội đầu tư tại thị trường Việt Nam.
Vậy những lĩnh vực nào sẽ thu hút các NĐT nước ngoài?
Hiện nay, theo tôi được biết, NĐT ngoại quan tâm tới các cơ hội đầu tư vào lĩnh vực thực phẩm và đồ uống, sản xuất hàng tiêu dùng, bởi các lĩnh vực này tại Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng cao.
Bên cạnh đó, một kênh đầu tư hấp dẫn khác là các DNNN đang chuẩn bị cổ phần hóa (CPH). Rất nhiều NĐT tham dự Hội nghị lần này bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đến lộ trình CPH của các DNNN mà Chính phủ đang đẩy nhanh từ nay tới cuối năm và năm 2015. Họ đang háo hức chờ đợi có bao nhiêu DNNN sẽ CPH từ nay đến cuối năm, nhất là trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng.
Trong đó, có thể kể tới các NĐT Nhật Bản đang tích cực tìm hiểu thông tin về các dự án nhà máy phát điện, cảng, đặc biệt là dự án của một số DNNN có kế hoạch CPH và IPO vào cuối năm nay như Tổng công ty Điện lực Vinacomin.
Sự quan tâm này tác động thế nào tới nền kinh tế Việt Nam nói chung và TTCK nói riêng trong thời gian tới, thưa ông?
Tác động tích cực đầu tiên là ngày càng nhiều NĐT tham gia vào thị trường với tầm nhìn, sự kỳ vọng và nguồn vốn đầu tư dài hạn. Hầu hết các dự án hạ tầng đòi hỏi thời gian đầu tư từ 10 - 15 năm, nên không phải đơn vị nào cũng có thể đi vay vốn trong một thời gian dài để đầu tư.
Do đó, việc nhiều NĐT tham gia với tầm nhìn dài hạn sẽ giúp lấp khoảng trống về vốn đầu tư dài hạn vào các dự án đầu tư hạ tầng vốn đang thiếu của Việt Nam, qua đó tăng cường phát triển hạ tầng và giúp nền kinh tế phát triển bền vững. Hiện nay, nhiều NĐT của VinaCapital đều hướng tới tầm nhìn dài hạn.
Tác động thứ hai là nhiều NĐT nước ngoài quan tâm đầu tư vào các DNNN CPH sẽ góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực DN này. Thực tế cho thấy, nhiều DNNN CPH có các NĐT nước ngoài đầu tư vào đều phát triển rất tốt sau khi CPH, từ đó tạo tác động tích cực tới TTCK khi các doanh nghiệp này lên niêm yết.
Trong bối cảnh kinh tế đang trên đà phục hồi, ông có dự báo gì cho TTCK trong thời gian tới?
Thực sự rất khó để đưa ra được dự đoán chính xác cho một thị trường đầy kịch tính như TTCK, song trên cơ sở phân tích các yếu tố vĩ mô cũng như vi mô, VinaCapital nhận định chung là xu thế TTCK từ nay tới cuối năm 2015 sẽ tăng trưởng cao hơn hiện tại.
Lý do là trong xu hướng giảm lãi suất và lạm phát giữ ở mức thấp hiện nay, nhiều doanh nghiệp Việt Nam có chi phí vay nợ ngân hàng cao sẽ giảm được đáng kể chi phí nhờ lãi suất giảm.
Phần chi phí giảm này sẽ chuyển thành lợi nhuận, từ đó tăng giá trị và tính thanh khoản của cổ phiếu, làm tăng mức độ hấp dẫn của cổ phiếu. Thứ hai là lãi suất xuống thấp thì tiền tiết kiệm gửi vào ngân hàng sẽ giảm.
Trước đây, khi ngân hàng đưa ra lãi suất gửi tiết kiệm cao tới 15 - 16%/năm, đa số người dân mang tiền đi gửi tiết kiệm. Nhưng nay, khi lãi suất giảm xuống còn 6 - 7%/năm, họ sẽ phải cân nhắc lại chiến lược đầu tư, theo đó chuyển sang bất động sản, TTCK…
Như vậy, cùng với TTCK, thị trường bất động sản sẽ tiếp tục thu hút NĐT, thưa ông?
Hiện tại, NĐT nước ngoài quan tâm tới TTCK hơn nhiều, bởi thị trường này có mức độ tăng trưởng tốt. Trong khi đó, thị trường bất động sản thường có độ trễ từ 12 - 18 tháng so với TTCK, TTCK tăng trưởng trước rồi kéo thị trường bất động sản tăng theo.
Ngoài ra, do thị trường bất động sản có tính thanh khoản không cao nên trong thời điểm này, NĐT dành sự quan tâm nhiều hơn tới TTCK.
Còn trong năm tới, khó dự báo được nhu cầu đầu tư vào bất động sản, vì có nhiều yếu tố khó đoán định, ví dụ lãi suất ngân hàng. Ngoài ra, cũng giống thị trường bất động sản thế giới, xu hướng cung cầu thị trường bất động sản Việt Nam rất khó nắm bắt, do cung cầu tăng không đồng đều, khi cầu tăng thì cung cũng tăng mạnh, khiến thị trường có tính rủi ro cao. Do đó, NĐT trong giai đoạn trước mắt vẫn ngại tham gia thị trường này.