Đó là khẳng định của các chuyên gia tư vấn đầu tư tại Hội thảo: “Cơ hội đầu tư và kinh doanh tại Hoa Kỳ trước thềm TPP” do Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội phối hợp với Văn phòng Luật sư Sterling Harwood tổ chức đầu tuần này.
Theo các chuyên gia, TPP sẽ mang lại cho các DN Việt Nam 3 lợi ích thiết thực, đó là khả năng tiếp cận trực tiếp với khách hàng, mở rộng lựa chọn đối tượng cung ứng cũng như nhập khẩu và có được lợi nhuận cao nhờ tiếp cận được với nhiều khách hàng và nhờ tiết kiệm thuế nhập khẩu. Nhờ TPP, DN Việt Nam sẽ có cơ hội đưa hàng hoá của mình trực tiếp đến khách hàng, qua đó có thể nắm bắt được khách hàng cần gì, phản hồi như thế nào đối với hàng hóa dịch vụ của mình. Ngoài ra, nó cũng giúp mở rộng sự lựa chọn của các DN trên thị trường. Trước đây, đa phần DN Việt Nam xuất khẩu đều phải qua khâu trung gian tại nước khác nên thường bị ép giá khi đi qua các nhà buôn, nay có thể tiếp xúc với bất cứ ai, không bị hạn chế, không bị yêu cầu đòi hỏi về độc quyền. Việc xây dựng chuỗi cung ứng, tiếp cận người mua, người trung gian theo đó cũng sẽ tốt hơn nhiều.
Chia sẻ về những ngành và lĩnh vực đầu tư và kinh doanh có cơ hội thành công tại thị trường Mỹ, theo ông Đặng Đức Dũng, nguyên Phó chủ tịch Hội DN trẻ Hà Nội, Việt Nam đã rất thành công trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, vật liệu xây dựng và chế tạo cơ khí thời gian qua và chắc chắn sẽ có nhiều cơ hội rộng mở hơn nữa cho các DN trong những lĩnh vực này.
“Phần lớn các dự án mới về công nghệ thông tin (CNTT) đều nằm ở Mỹ. Những mô hình mới nhất của CNTT xuất phát từ đây, nên họ phải làm rất nhiều sản phẩm phân cấp. Nắm được nhu cầu này, một số DN phần mềm Việt Nam đã len lỏi giành được những hợp đồng từ những nhà thầu Ấn Độ. Ban đầu, làm cho các công ty nhỏ, bậc trung, nay còn có thể giành được hợp đồng cung cấp cho cả những công ty lớn như Microsoft hay IBM”, ông Dũng chia sẻ và cho hay, CNTT là một trong những lĩnh vực đầu tư rất tiềm năng và nhiều cơ hội bởi đã có nền tảng hợp tác rất tốt giữa DN Việt Nam và Mỹ.
Đối với lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng, ông Dũng nêu một trường hợp điển hình về một công ty làm về vật liệu xây dựng tại Thạch Thất (Hà Nội) đã mạnh dạn mua lại dây chuyền sản xuất đá thạch anh của Italia. Họ đã thiết lập một nhà kho ở Dallas, bỏ ra 5 – 10 triệu USD để trữ hàng tại đó và bắt đầu phân phối cho các nhà thầu xây dựng. Sau 4 năm lăn lộn, DN đã thiết lập được hệ thống phân phối vững chắc tại Chicago, Atlanta và có khả năng lan tỏa khắp miền Tây nước Mỹ, cạnh tranh được với sản phẩm của Israel và thậm chí giành được thị phần từ các DN Trung Quốc.
Một lĩnh vực nữa là chế tạo, gia công cơ khí. Ông Dũng cho biết, Hội DN trẻ Hà Nội đã làm việc với một công ty thiết kế ở Kansas và công ty này đã lập văn phòng tại Việt Nam để làm việc với DN cơ khí của VN. “Họ đưa ra đầu bài để đặt hàng DN Việt. Những sản phẩm Việt Nam phải đáp ứng rất nhiều quy định ngặt nghèo về an toàn, giá rất cạnh tranh, nhưng số lượng sản phẩm rất lớn và đều đặn, từ 400 – 500 nghìn sản phẩm/năm. Một DN ở Bắc Ninh đã đáp ứng được và trở thành đối tác cung cấp thường xuyên cho DN này. Đến nay, vào siêu thị ở Mỹ sẽ thấy rất nhiều sản phẩm cơ khí xuất xứ từ Việt Nam”, ông Dũng nói.
Theo ông Nguyễn Hữu An, luật sư tư vấn đầu tư từ Văn phòng Luật Sterling Harwood, cơ hội đầu tư kinh doanh cho DN Việt Nam trên thị trường Mỹ rất nhiều, nhất là sau khi Việt Nam ký kết TPP.
“Đây là một cơ hội hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ chưa từng có từ trước tới nay, bởi TPP sẽ cho chúng ta những cơ hội rất rành mạch để gia nhập thị trường. Vấn đề là cần nắm được luật pháp nước sở tại, bởi vào được rất khó, nhưng khi đã vào cạnh tranh rất bình đẳng”, ông An chia sẻ và khuyến cáo các DN Việt Nam nên tìm sự hỗ trợ về luật pháp từ phía các luật sư và các chuyên gia tư vấn khi tiến hành đầu tư. DN Việt Nam có thể liên kết với DN Mỹ hoặc đầu tư thẳng vào các dự án mà DN Mỹ đang làm là cách thuận lợi nhất để thâm nhập thị trường.