Trong quá trình khai thác tàu, do những rủi ro như thiên tai, tai nạn bất ngờ…, các chủ tàu thường đối mặt với các nguy cơ tổn thất lớn. Một số nguy cơ khác mà chủ tàu cũng thường xuyên phải đối mặt như thủy thủ đoàn có hành vi ác ý, hay hoạt động của con tàu trong quá trình khai thác dễ gây tổn thất cho người khác và chủ tàu phải chịu trách nhiệm với những tổn thất đó. Vì vậy, mua bảo hiểm thân tàu là giải pháp tối ưu cho các chủ tàu.
Theo giám đốc ban hàng hải của một DN bảo hiểm lớn, tốc độ tăng trưởng chậm của sản phẩm bảo hiểm thân tàu còn có một nguyên nhân nữa xuất phát từ ý thức tham gia bảo hiểm của các chủ tàu, chủ DN còn thấp, nhất là khi nền kinh tế khó khăn thì họ càng có xu hướng thắt chặt các khoản chi tiêu, trong đó có mua bảo hiểm cho tàu.
Phân tích tâm lý của các chủ tàu, vị giám đốc này cho biết, trong thời gian đầu khi tàu mới đi vào hoạt động, các chủ tàu thường tham gia bảo hiểm khá đầy đủ một phần vì các ngân hàng cho vay vốn để mua tàu bắt buộc tàu phải được bảo hiểm. Tuy nhiên, khi hết hạn khoản vay, cũng như sau một thời gian dài hoạt động các chủ tàu thường có xu hướng tiết kiệm các chi phí - trong đó có cả chi phí tham gia bảo hiểm - cũng như công tác duy tu, bảo dưỡng tàu cũng không được tiến hành thường xuyên, định kỳ như trước. Nhiều chủ tàu đã không tiến hành hoặc chậm tiến hành làm các thủ tục với cơ quan chức năng khi đến hạn, dẫn đến tình trạng tàu hoạt động nhưng không có đủ khả năng hoạt động, không có giấy phép hoạt động… Do đó, dù có tham gia bảo hiểm thì khi xảy ra tổn thất cũng không đòi được bồi thường vì tàu đã vi phạm vào điều khoản loại trừ của hợp đồng bảo hiểm là tàu phải có đủ các giấy phép hoạt động tại thời điểm xảy ra tổn thất.
Bên cạnh đó, các chủ tàu cũng không tìm hiểu kỹ về sản phẩm bảo hiểm này, không nắm được đầy đủ các điều kiện điều khoản trong hợp đồng bảo hiểm, dẫn tới trường hợp khi tàu gặp rủ ro chủ tàu không có nguồn tài chính hỗ trợ để khắc phục tổn thất từ công ty bảo hiểm. Trong nửa đầu năm 2011, hàng loạt vụ tổn thất tàu xảy ra, nhiều trường hợp chủ tàu không đòi được bồi thường từ phía công ty bảo hiểm. Một trong các lỗi vi phạm phổ biến là một số chủ tàu đã cho tàu hoạt động ngoài phạm vi quy định của giấy phép nên khi xảy ra tổn thất thì không đòi được bồi thường. Ngoài ra, do thiếu thuyền viên và sử dụng thuyền trưởng, máy trưởng không có bằng theo đúng quy định, không đủ số lượng thuyền bộ tối thiểu quy định cũng dẫn đến việc không yêu cầu bồi thường được. Cá biệt, trong một số tổn thất gần đây, khi tàu thuyền đậu tại bến hay vùng cho phép nhưng lại không được neo, vận hành đúng quy định hoặc thuyền viên trực bảo quản bỏ tàu, thuyền đi vắng dẫn đến việc vi phạm phạm vi bảo hiểm.
Vì vậy, khi tham gia lưu thông, để đảm bảo một điểm tựa vững chắc về tài chính, các chủ tàu nên ý thức đầy đủ việc tham gia bảo hiểm và vận hành tàu thuyền một cách nghiêm túc, theo đúng quy định và đội ngũ thuyền viên phải ý thức kỷ luật tốt trong công việc. Mặt khác, để hạn chế rủi ro, tàu thuyền khi hoạt động phải thường xuyên được bảo dưỡng định kỳ, được đăng kiểm theo thời hạn nhằm đảm bảo tàu luôn hoạt động trong tình trạng đảm bảo kỹ thuật cũng như đủ các giấy phép.
Rủi ro là điều không tránh khỏi trong quá trình khai thác tàu, nhưng có thể giảm được nguy cơ tổn thất nếu các chủ tàu tham gia đầy đủ các loại hình bảo hiểm đối với tàu như bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ tàu, bảo hiểm thuyền viên. Đồng thời, các chủ tàu cũng nên nắm rõ các điều khoản về loại hình bảo hiểm tham gia để thực hiện đúng theo quy định và tránh có những hiểu nhầm, sai sót khi thực hiện hợp đồng.
“Né” bảo hiểm được xem là một cách cắt giảm chi phí khi kinh tế khó khăn.
Nhiều chủ tàu vẫn “né” bảo hiểm
(ĐTCK-online)
Bảo hiểm thân tàu là sản phẩm bảo hiểm những rủi ro tổn thất xảy ra đối với vỏ tàu, máy móc thiết bị trên tàu, một phần trách nhiệm của chủ tàu do rủi ro đâm va và những chi phí chủ tàu có thể bị thiệt hại trong quá trình kinh doanh.