Nhiều chỉ tiêu đánh giá kinh doanh của khối phi nhân thọ đang cải thiện

Nhiều chỉ tiêu đánh giá kinh doanh của khối phi nhân thọ đang cải thiện

(ĐTCK) Thị trường bảo hiểm phi nhân thọ bước đầu khắc phục được những khó khăn và tăng trưởng ổn định trở lại. Mặc dù chưa có số liệu quý II/2014 một cách đầy đủ, nhưng nhìn vào cơ cấu doanh thu của các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) có thể thấy, cơ hội tăng trưởng năm 2014 này là khởi sắc. Có những chỉ tiêu chứng minh lập luận này

Hiệu quả từ lãi nghiệp vụ

Mặc dù gặp khó khăn và tăng trưởng thấp nhất trong nhiều năm nhưng năm 2013 lại là năm điểm sáng hiếm hoi toàn thị trường phi nhân thọ đạt lãi nghiệp vụ. Cụ thể, có 14/29 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đã có lãi nghiệp vụ và tổng cộng toàn thị trường phi nhân thọ lãi khoảng 16 tỷ đồng trong khi trước đó năm 2012 lỗ 156 tỷ đồng và năm 2011 lỗ lên tới 194 tỷ đồng.

Đứng đầu về hiệu quả kinh doanh hay còn gọi là lãi nghiệp vụ là Bảo hiểm PVI với 254 tỷ đồng, tiếp theo là hiện tượng của thị trường bảo hiểm – SamsungVina với 240 tỷ đồng lãi nghiệp vụ, các doanh nghiệp bảo hiểm lớn khác trên thị trường như Bảo Việt lãi 59 tỷ đồng, Bảo Minh lãi 55 tỷ đồng (năm 2012 lãi chưa đến 1 tỷ đồng), PTI lãi 4,5 tỷ đồng (trước đó năm 2012 lỗ 20 tỷ đồng) trong khi đó Pjico là DNBH lớn duy nhất không đạt hiệu quả khi lỗ nghiệp vụ 44 tỷ đồng.

Sở dĩ các doanh nghiệp bảo hiểm tập trung chú trọng vào lãi nghiệp vụ một phần xuất phát từ thay đổi định hướng kinh doanh của các doanh nghiệp bảo hiểm hướng tới hiệu quả, một phần cũng xuất phát từ việc phân loại các doanh nghiệp bảo hiểm thành 4 nhóm dựa trên bốn chỉ tiêu chính trong đó hiệu quả kinh doanh bảo hiểm là một tiêu chí quan trọng khi mà các doanh nghiệp bảo hiểm phải có lãi nghiệp vụ trong hai năm liên tiếp mới được xếp Nhóm 1.

Theo như báo cáo phân loại của Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) mới đây cho thấy năm 2013 có 12 doanh nghiệp bảo hiểm thuộc nhóm 1; 16 doanh nghiệp bảo hiểm thuộc nhóm 2; 1 doanh nghiệp bảo hiểm duy nhất thuộc nhóm 3, đó là Công ty cổ phần Bảo hiểm Viễn Đông (VASS).

Bồi thường trên phí bảo hiểm giữ lại

Thông thường khi công bố tỷ lệ bồi thường, các doanh nghiệp bảo hiểm thường sử dụng tỉ lệ bồi thường bảo hiểm gốc (bồi thường bảo hiểm gốc trên phí bảo hiểm gốc). Tuy nhiên, để đánh giá một cách chính xác hiệu quả trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm, đặc biệt là công tác đánh giá, phân tích và quản lý rủi ro cũng như tư vấn đề phòng hạn chế tổn thất cho khách hàng thì chỉ tiêu Tỉ lệ bồi thường thuộc trách nhiệm giữ lại là chính xác hơn cả.

Chỉ tiêu này được tính dựa trên bồi thường thuộc trách nhiệm giữ lại (bồi thường bảo hiểm gốc + bồi thường nhận tái bảo hiểm - thu đòi bồi thường nhượng tái bảo hiểm) trên phí bảo hiểm thực thu (phí bảo hiểm gốc + phí nhận tái bảo hiểm – phí nhượng tái bảo hiểm).

Sau khi có chỉ tiêu phân loại trách nhiệm giữ lại của Bộ Tài chính, các trách nhiệm giữ lại lớn trên thị trường hiện cũng tập trung vào việc kiểm soát chỉ tiêu này nhằm hướng tới hiệu quả kinh của mình.

Nếu tính theo chỉ tiêu này, trong top các trách nhiệm giữ lại lớn nhất thị trường thì Bảo hiểm PVI đang có hiệu quả nhất với tỉ lệ bồi thường thuộc trách nhiệm giữ lại năm 2013 là 37,8% và Quý 1/2014 là 28,1%, Bảo Việt có tỷ lệ này trong năm 2013 và Quý 1/2014 lần lượt là 51,7% và 43,9%; Bảo Minh là 44,4% và 30,3%; PJICO là 45,5% và 48,3%, cuối cùng PTI là 43,5% và 35,5% (số liệu từ báo cáo thị trường của Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam).

Tỉ lệ bồi thường thuộc trách nhiệm giữ lại không chỉ đơn thuần phản ánh mức chi trả tiền bồi thường trong năm cho Khách hàng mà còn có ý nghĩa thể hiện năng lực đánh giá, phân loại rủi ro của doanh nghiệp bảo hiểm, đối với các rủi ro tốt có thể nâng cao năng lực giữ lại và ngược lại. Một ý nghĩa quan trọng nữa đó là công tác tư vấn, đề phòng hạn chế rủi ro cho Khách hàng bởi không một ai mong muốn tổn thất sẽ xảy ra đến với mình.

Tỷ lệ kết hợp

Tuy nhiên, một chỉ tiêu quan trọng nhất, là tổng hợp mức độ hiệu quả của cả hai chỉ tiêu trên là tỷ lệ kết hợp hay còn gọi là Combined ratio, tỷ lệ này được đo lường dựa trên tỷ lệ chi phí và tỷ lệ bồi thường. Đây được coi là tiêu chí quan trọng nhất khi đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, các nhà đầu tư cũng như các cổ đông sẽ dựa vào tiêu chí này để ra quyết định đầu tư, tỷ lệ này nếu trên 100% có nghĩa là doanh nghiệp bảo hiểm đó hoạt động không hiệu quả hay nói cách khác là “lỗ” trong kinh doanh bảo hiểm.

Theo số liệu trong báo cáo tài chính Quý 1/2014 của các doanh nghiệp bảo hiểm lớn trên thị trường, combined ratio của Bảo hiểm PVI hiện đang là thấp nhất với 94,7%, các doanh nghiệp bảo hiểm lớn khác cũng đang kinh doanh hiệu quả như Bảo Việt combined ratio năm 2013 và Quý 1/2014 lần lượt là 98,7% và 96,8%; Bảo Minh lần lượt là 97,0% và 98,8%.

DNBH

Combined ratio

2013

Quý 1/2014

Bảo hiểm PVI

88.0%

94.7%

Bảo Việt

98.7%

96.8%

Bảo Minh

97.0%

98.8%

Pjico

102.7%

99.5%

PTI

99.6%

101.4%

Tin bài liên quan