Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Nhiều câu hỏi thời sự cần kiểm toán trả lời

0:00 / 0:00
0:00
Năng lực về điện và giá điện như thế nào, khó khăn của doanh nghiệp ra sao, kiểm toán phải trả lời được những câu hỏi rất thời sự như thế, theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Có “né” vấn đề phức tạp không?

Sáng 12/9, mở đầu phiên họp thứ 26, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo công tác năm 2023 và Kế hoạch kiểm toán năm 2024 của Kiểm toán Nhà nước.

“Làm ít nhưng chất” là những chữ được bôi đậm và nhắc đi, nhắc lại trong báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, thể hiện phương châm xây dựng kế hoạch kiểm toán năm 2023.

Theo đó, kế hoạch kiểm toán năm 2023 được xây dựng với 129 nhiệm vụ, giảm 49 nhiệm vụ (tương ứng giảm 67 đoàn kiểm toán/232 đoàn) so với năm 2022. Kết quả đến ngày 31/8/2023, toàn ngành đã xét duyệt 127 kế hoạch kiểm toán, triển khai 114/166 đoàn kiểm toán, kết thúc kiểm toán 93 cuộc, lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước đã tổ chức xét duyệt 94 dự thảo báo cáo kiểm toán, phát hành 61 báo cáo kiểm toán.

Tổng hợp kết quả, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý 10.723 tỷ đồng. Trong đó, kiến nghị tăng thu ngân sách nhà nước (NSNN) 980 tỷ đồng, giảm chi NSNN 2.234 tỷ đồng; kiến nghị khác là 7.409 tỷ đồng.

Đồng thời, Kiểm toán Nhà nước cũng kiến nghị hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới 90 văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý không phù hợp với quy định chung của Nhà nước và thực tiễn.

Thẩm tra, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nhận xét, tình hình triển khai kế hoạch kiểm toán năm 2023 thuận lợi hơn so với năm 2021, 2022 (là các năm bị ảnh hưởng rất lớn của dịch bệnh Covid-19), nhưng việc triển khai kế hoạch, kết thúc các cuộc kiểm toán, xét duyệt dự thảo báo cáo, phát hành báo cáo các cuộc kiểm toán đều chậm và thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, 8 tháng đầu năm 2021 và năm 2022, Kiểm toán Nhà nước đã triển khai tương ứng là 144/211 đoàn kiểm toán và 184/231 đoàn kiểm toán; kết thúc kiểm toán là 108 và 140 cuộc, xét duyệt năm 2022 là 202 dự thảo báo cáo. Phát hành báo cáo kiểm toán năm 2021, năm 2022 tương ứng là 83 và 162 báo cáo.

Cơ quan thẩm tra cũng chỉ ra rằng, số kiến nghị xử lý 8 tháng đầu năm 2023 chỉ bằng 20,6% cùng kỳ năm 2021 và 48,7% cùng kỳ năm 2022. Cụ thể, 8 tháng đầu năm 2021 kiến nghị xử lý tài chính là 52.095 tỷ đồng, trong đó: tăng thu NSNN 6.676 tỷ đồng; giảm chi NSNN 6.103 tỷ đồng và kiến nghị khác là 39.316 tỷ đồng.

Còn 8 tháng đầu năm 2022, kiến nghị xử lý 22.036 tỷ đồng, trong đó tăng thu NSNN 1.141 tỷ đồng, giảm chi NSNN 7.633 tỷ đồng và kiến nghị khác là 13.262 tỷ đồng.

Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đề nghị Kiểm toán Nhà nước cần đánh giá làm rõ nguyên nhân kết quả này là do các bộ, ngành, địa phương năm 2022 đã tăng cường kỷ luật, kỷ cương, không còn vi phạm trong quản lý, sử dụng NSNN, tài chính công, tài sản công, nên số kiến nghị xử lý giảm nhiều so với các năm trước. Hoặc là do số cuộc kiểm toán năm 2023 giảm so với các năm trước, hoặc do việc xây dựng kế hoạch kiểm toán năm 2023 đã lựa chọn các chuyên đề, các cuộc kiểm toán không phù hợp, không lựa chọn kiểm toán các đối tượng có nhiều vi phạm trong quản lý, sử dụng NSNN, tài chính công, tài sản công.

Hoặc có hay không trường hợp các đơn vị kiểm toán/các đoàn kiểm toán loại trừ các vấn đề phức tạp hoặc có sai phạm không tổ chức kiểm toán, cơ quan thẩm tra đặt vấn đề.

Phải dự lường rủi ro kinh tế vĩ mô

Năm 2024, Kiểm toán Nhà nước dự kiến 123 nhiệm vụ kiểm toán, không tăng so với năm 2023.

Trong đó, Kiểm toán Nhà nước dự kiến thực hiện 13 cuộc kiểm toán lĩnh vực doanh nghiệp và tổ chức tài chính - ngân hàng, gồm: Ngân hàng Nhà nước; 7 tập đoàn, tổng công ty nhà nước; 5 tổ chức tài chính, ngân hàng.

“Đa số ý kiến tại Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị rà soát, cắt giảm các cuộc kiểm toán tại các doanh nghiệp”, bà Nguyễn Thị Phú Hà, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách nêu quan điểm của cơ quan thẩm tra.

Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đề nghị cần cân nhắc để tiến hành kiểm toán chuyên đề về giải ngân đầu tư công, những tồn tại của ngành điện, năng lượng, việc tái cơ cấu và xử lý nợ xấu.

Làm rõ con số sai phạm cần xử lý

Từ đầu năm tới nay, Kiểm toán Nhà nước nói tại mấy chục báo cáo kiểm toán đã hơn 10.000 tỷ đồng sai phạm, phải xử lý. Cụ thể là gì, ở đâu, tại sao lại thế, là cái chúng ta phải suy nghĩ. Nếu cần thiết phải làm cho rõ ra. Trong 10.000 tỷ đồng, cái gì là sai phạm, là thất thoát, cái gì là điều chỉnh số liệu thôi, không nghe con số, cử tri người ta thấy suy nghĩ.

- Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Đồng tình với phương châm “ít nhưng mà chất” của Kiểm toán Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, cần tiếp tục thực hiện phương châm này.

Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu, kế hoạch kiểm toán phải bám sát các vấn đề đã được Quốc hội nêu tại Kỳ họp thứ năm vừa qua.

“Dù thực hiện kiểm toán riêng hay kiểm toán chung, thì tất cả các cuộc kiểm toán phải hướng tới đánh giá thị trường tài chính, tiền tệ, chứng khoán, đất đai, bất động sản, dự lường các vấn đề rủi ro kinh tế vĩ mô”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Theo Chủ tịch Quốc hội, qua kiểm toán, phải trả lời được vì sao tín dụng ngân hàng tăng chậm. Chủ tịch Quốc hội lưu ý, hiện nay, hệ thống tài chính - ngân hàng khó khăn, nợ xấu tăng, tình trạng chậm trả nợ vay trái phiếu đáo hạn, nhất là trong lĩnh vực bất động sản tăng.

“Rồi khó khăn trong mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế vẫn chưa giải quyết dứt điểm. Hay vừa rồi, Quốc hội kiến nghị thanh tra toàn diện về thị trường bảo hiểm. Các đồng chí phải có chuyên đề riêng cái này hoặc thông qua kiểm toán các tổ chức tín dụng, bảo hiểm trả lời câu hỏi này. Xem có sự bắt tay giữa ngân hàng - bảo hiểm hay không. Những vấn đề đó là thời sự và các đồng chí phải trả lời”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Vẫn nằm trong các vấn đề thời sự được Chủ tịch Quốc hội lưu ý là tình hình khó khăn của doanh nghiệp. “Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam có khảo sát, Chính phủ có khảo sát, doanh nghiệp còn nhiều khó khăn lắm. Qua một cuộc kiểm toán chuyên đề riêng hoặc qua các cuộc kiểm toán, cần trả lời về tình hình khó khăn của doanh nghiệp”, Chủ tịch Quốc hội nêu vấn đề.

Đề nghị kế hoạch kiểm toán năm tới nên tập trung vào vấn đề thiết thực, sát thực tiễn hơn, Chủ tịch Quốc hội tiếp tục gợi ý, cần đi vào những câu hỏi đang rất thời sự, như năng lực về điện, giá điện.

“Hoạt động kiểm toán phải góp phần siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính - ngân sách, tiền tệ, góp phần đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, làm tốt công tác kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngay trong cơ quan kiểm toán”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Phát biểu tại phiên họp, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang cho biết, Chính phủ sẽ chỉ đạo cơ quan liên quan tăng cường phối hợp với kiểm toán để tránh chồng chéo, bởi “cơ sở cũng than phiền vì tiếp nhiều đoàn”. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng sẽ chỉ đạo tăng cường kết nối theo hướng chuyển đổi số, tiếp cận cơ sở dữ liệu quốc gia, qua đó kiểm toán thuận lợi hơn. Phó thủ tướng đề nghị quan tâm lựa chọn đối tượng kiểm toán có ảnh hưởng lớn, nguy cơ sai phạm cao.

Chia sẻ với khó khăn của kiểm toán, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang cho rằng, đâu đó vẫn còn quy định chưa phù hợp, nên tuy có kiến nghị đúng luật, nhưng khó khả thi khi thực hiện. “Kiểm toán cũng là ngành nghề rất nhạy cảm, nên cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát nội bộ, triển khai kế hoạch phòng chống tham nhũng, tiêu cực một cách thực chất”, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu.

Tin bài liên quan