CTCK có phải áp dụng Thông tư 200 không?
Đại diện một CTCK thắc mắc, Thông tư 200/2014 áp dụng cho năm tài chính 2015 thay thế chế độ kế toán doanh nghiệp ban hành theo Quyết định 15/2006/QĐ-BTC và Thông tư 244/2009/TT-BTC của Bộ Tài chính, trong đó các tài khoản Tài sản không phân biệt ngắn hạn, dài hạn và bỏ bớt một số tài khoản kế toán như: 129,139,159, 311, 315...
Vậy đối với CTCK đang áp dụng Thông tư 95/2008/TT-BTC và Thông tư 162/2010/TT-BTC, thì có phải thay đổi các tài khoản này theo Thông tư 200/2014 không? Mẫu BCTC vẫn lập theo Thông tư 95/2008 và Thông tư 162/2010 hay phải điều chỉnh?
Giải đáp câu hỏi trên, Vụ trưởng Vụ Chế độ kế toán và Kiểm toán, Bộ Tài chính Đặng Thái Hùng cho biết, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 210/2014 hướng dẫn kế toán áp dụng đối với CTCK và có hiệu lực từ 1/1/2016. Thông tư này thay thế Thông tư 95/2008 của Bộ Tài chính và Thông tư 162/2010 sửa đổi Thông tư 95/2008.
Do đó, đối với năm tài chính 2015, CTCK vẫn thực hiện công tác kế toán theo hướng dẫn tại Thông tư 95/2008 và Thông tư 162/2010 và được áp dụng Thông tư 200/2014 để phản ánh các nghiệp vụ kinh tế phát sinh chưa được quy định ở hai thông tư trên.
Đại diện CTCP Quản lý Quỹ đầu tư MB (MB Capital) đặt câu hỏi: Điều 15, Thông tư 200/2014 quy định: khoản cổ tức được chia cho giai đoạn trước ngày đầu tư được ghi giảm giá trị khoản đầu tư. Tuy nhiên Thông tư 200 không hướng dẫn cụ thể phương pháp phân bổ cổ tức cho giai đoạn trước ngày đầu tư và sau ngày đầu tư.
Ví dụ chúng tôi có giao dịch một cổ phiếu ABC như sau: ngày 1/2/2014: mua 50.000 x 12.000 đồng/CP = 600 triệu đồng, ngày 15/3/2014 mua 20.000 x 13.000 đồng/CP = 260 triệu đồng. Ngày 12/8/2014 bán 10.000 x 13,500 đồng/CP = 135 triệu đồng, ngày 7/12/2014 mua 2.000 x 13.200 đồng/CP= 26,4 triệu đồng, ngày 3/1/2015 mua 5.000 x 13.300 đồng/CP = 66,5 triệu đồng, ngày 5/3/2015 bán 20.000 x 14.000 đồng/CP = 280 triệu đồng. Đến ngày 31/3/2015, Công ty nắm giữ 47.000 cổ phiếu x giá vốn 12.389 (theo phương pháp bình quân). Ngày 31/3/2015, DN chốt danh sách trả cổ tức năm 2014 là 10%. Số cổ tức Công ty nhận được là 47 triệu đồng. Vậy khoản này Công ty sẽ phân bổ như thế nào?
Trả lời câu hỏi trên, ông Trịnh Đức Vinh, Phó Vụ trưởng Vụ Chế độ Kế toán và Kiểm toán, Bộ Tài chính, cho biết, theo quy định tại mục d, khoản 1, điều 15, Thông tư 200/2014, thì khoản cổ tức được chia cho giai đoạn trước ngày đầu tư được ghi giảm giá trị khoản đầu tư. Cụ thể, ghi nợ các tài khoản 111, 112, 138… (tổng tiền lãi thu được), ghi có tài khoản 121- chứng khoán kinh doanh (phần tiền lãi đầu tư dồn tích trước khi DN mua lại khoản đầu tư).
Đối với ví dụ trên, thì số cổ tức 47 triệu đồng mà Công ty nhận được sẽ ghi giảm trực tiếp vào giá trị khoản đầu tư của DN. DN thực hiện phân bổ số tiền cổ tức nhận được theo tiêu thức phù hợp với yêu cầu quản trị của DN.
Rắc rối với hạch toán ngoại tệ
Liên quan đến quy đổi các ngoại tệ, nhất là USD sang VND để lập BCTC, có rất nhiều thắc mắc từ phía các DN. Đại diện một DN chế xuất hỏi: Công ty hầu hết đều sử dụng ngoại tệ (USD) để mua nguyên vật liệu, tài sản... và bán hàng hóa (sản phẩm do công ty sản xuất) với đối tác nước ngoài, nên đồng tiền hạch toán là USD. Nhưng Thông tư 200 chỉ hướng dẫn quy đổi đồng ngoại tệ sang VND, chứ không hướng dẫn việc chuyển đổi ngược lại.
Vậy những DN hạch toán bằng đồng USD phải áp dụng các nguyên tắc hạch toán VND và các đồng tiền khác (ngoại tệ) quy đổi sang USD áp dụng tỷ giá mua vào, bán ra như thế nào khi phát sinh giao dịch? Đại diện Vụ Chế độ Kế toán và Kiểm toán, Bộ Tài chính giải đáp, Điều 69 của Thông tư 200 hướng dẫn chung về tỷ giá hối đoái và chênh lệch tỷ giá cho tất cả các DN có đồng tiền ghi sổ kế toán khác nhau.
Trường hợp DN có đơn vị tiền tệ ghi sổ kế toán là USD, thì VND và các đồng tiền khác với USD đều là ngoại tệ của DN. Khi đó tỷ giá mua được hiểu là tỷ giá DN bán ngoại tệ (VND và các đồng tiền khác USD) cho ngân hàng, tỷ giá bán là tỷ giá DN đi mua ngoại tệ (VND và các đồng tiền khác USD) tại ngân hàng…
Cũng liên quan đến vấn đề trên, vấn đề mà một số DN 100% vốn nước ngoài nêu ra là do liên quan đến việc lập báo cáo với công ty mẹ ở nước ngoài, nên công ty muốn chọn đơn vị tiền tệ sử dụng trong kế toán là USD có được không? Đại diện Vụ Chế độ Kế toán và Kiểm toán, Bộ Tài chính khẳng định, Thông tư 200 quy định DN có nghiệp vụ thu, chi chủ yếu bằng ngoại tệ, thì căn cứ vào quy định của Luật Kế toán, để xem xét, quyết định lựa chọn đơn vị tiền tệ trong kế toán và chịu trách nhiệm về quyết định đó trước pháp luật.
Khi lựa chọn đơn vị tiền tệ trong kế toán, DN phải thông báo cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp, mà không phải đăng ký với Bộ Tài chính. Việc lựa chọn đơn vị tiền tệ sử dụng trong kế toán của DN phải đảm bảo các tiêu chuẩn quy định tại khoản 2, 3, Điều 4 Thông tư 200.
Giải đáp một câu hỏi “nóng” mà nhiều DN đặt là Điều 2 Thông tư 200 quy định: “Thông tư này hướng dẫn việc ghi sổ kế toán, lập và trình bày BCTC, không áp dụng cho việc xác định nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp đối với ngân sách Nhà nước”, có nghĩa là như thế nào? Vụ Chế độ kế toán và Kiểm toán cho hay, quy định này của Thông tư 200 có nghĩa là việc xác định nghĩa vụ thuế của DN đối với ngân sách Nhà nước, thì DN thực hiện theo các văn bản pháp luật quy định về thuế; còn việc ghi sổ kế toán, lập và trình bày BCTC, đề nghị DN thực hiện theo quy định của Thông tư 200. Ví dụ việc ghi nhận doanh thu, văn bản pháp luật quy định về thuế khác với chế độ kế toán. Cụ thể theo quy định của pháp luật thuế: ghi nhận doanh thu khi xuất hóa đơn hoặc việc cung cấp hàng hóa dịch vụ hoàn thành; còn theo chuẩn mực và chế độ kế toán: ghi nhận doanh thu khi thỏa mãn 5 điều kiện theo chuẩn mực 14- doanh thu và thu nhập khác... |