Nhiều câu hỏi lớn về Dự án ParkCity

Nhiều câu hỏi lớn về Dự án ParkCity

(ĐTCK) Sắp đến hạn bàn giao nhà, nhưng hầu hết các hạng mục của Dự án ParkCity vẫn đang “đắp chiếu” suốt 1 năm nay, không biết khi nào triển khai trở lại.

Hầu hết các hạng mục đều chậm tiến độ, trong khi chủ đầu tư đang loay hoay với sự cố sụt lún và phải bỏ ra hàng trăm tỷ đồng để khắc phục, đang đẩy Dự án ParkCity (Hà Đông, Hà Nội) vào tình thế khó khăn. Đáng lo ngại, năng lực của các bên tham gia dự án cũng là một dấu hỏi lớn.

 

Nhà đầu tư mắc kẹt

Chỉ còn vài tháng nữa là đến hạn bàn giao nhà theo hợp đồng ký kết giữa chủ đầu tư và khách hàng, nhưng tại khu nhà thấp tầng Tiểu khu 1, Dự án ParkCity vẫn chỉ dừng lại ở phần móng và “đắp chiếu” suốt gần 1 năm nay. Các khu vực khác của Dự án bị bỏ hoang từ lâu và cỏ đã mọc um tùm. Theo quan sát thực địa tại hiện trường Dự án thì chưa có dấu hiệu nào cho thấy Dự án sớm khởi động trở lại.

Được biết, cuối năm 2011, khi phân khúc đất nền dự án tại Hà Nội bắt đầu lao dốc, trong khi Dự án ParkCity có dấu hiệu chậm tiến độ, nhiều nhà đầu tư thứ cấp đã đòi rút vốn. Làn sóng rút vốn của nhà đầu tư khi ấy đã khiến giá (chủ yếu giá chênh) nhà liền kề, biệt thự tại Dự án ParkCity trên thị trường thứ cấp lao dốc không phanh.

Trên thị trường bất động sản Hà Nội, một hiện tượng dường như đã trở thành quy luật xảy ra với các dự án chậm tiến độ là các nhà đầu tư sẽ giảm giá để bán tháo hoặc đòi rút vốn, thậm chí khiếu nại chủ đầu tư. Thế nhưng, tại Dự án Park City, làn sóng bán tháo và khiếu nại đã không diễn ra. Những nhà đầu tư ít ỏi chấp nhận rao bán suất đầu tư tại Dự án ParkCity hiện nay đã phải chấp nhận mất hàng tỷ đồng tiền chênh mà trước đó đã bỏ ra để có được suất mua nhà, biệt thự tại dự án này.

Một nhà đầu tư (giấu tên) vừa bán được suất liền kề tại dự án này từ hồi tháng 4 vừa qua cho biết, do giá gốc chủ đầu tư đưa ra quá cao (khoảng 75 triệu đồng/m2), nên dù chấp nhận mất trắng tiền chênh hàng tỷ đồng, các nhà đầu tư cũng khó bán được hàng. Ngoài ra, do Dự án chậm tiến độ, nhà đầu tư không phải đóng thêm tiền, nên nhiều người găm hàng với hy vọng thị trường bất động sản khởi sắc trở lại. Đó là những lý do mà hiện tượng bán tháo tại dự án này không xảy ra, trừ một số trường hợp đơn lẻ.

Tuy nhiên, thị trường ngày càng trầm lắng, nhất là phân khúc nhà liền kề, biệt thự ảm đạm, trong khi Dự án vẫn chưa có tín hiệu được triển khai trở lại khiến cho giá nhà liền kề, biệt thự của ParkCity càng ngày càng sụt giảm.

Nhiều câu hỏi lớn về Dự án ParkCity  ảnh 1

 Dù sắp đến hạn bàn giao nhà, nhưng khu nhà thấp tầng Tiểu khu 1, Dự án ParkCity vẫn chỉ dừng lại ở phần móng

Nhận diện năng lực chủ đầu tư

Chủ đầu tư của Dự án ParkCity Hà Nội là CTCP Phát triển đô thị quốc tế Việt Nam (VDIC), liên doanh giữa Vinaconex Hoàng Thành và Công ty Perdana Parkcity (S) Pte . (Malaysia) được thành lập năm 2008. Được biết, chủ đầu tư đã huy động từ khách hàng 477 tỷ đồng sau khi mở bán Tiểu khu 1 (Ngọc Lan).

Với thực tế Dự án đang ngưng trệ hiện nay, không ít khách hàng của ParkCity đang lo lắng và muốn tìm hiểu năng lực thực sự của chủ đầu tư để biết liệu Dự án sẽ đi về đâu.

Theo tìm hiểu của ĐTCK, Vinaconex Hoàng Thành ra đời năm 2007, có cơ cấu cổ đông bao gồm Tổng công ty Vinaconex sở hữu 3,75 triệu cổ phần, chiếm 25%; CTCP Hạ tầng Hoàng Thành sở hữu 6,525 triệu cổ phần, chiếm 43,5%; Vinaconxex 1 sở hữu 1,875 triệu cổ phần, chiếm 12,5%; các thể nhân khác sở hữu 2,834 triệu cổ phần, chiếm 18,89% còn lại là cổ phiếu quỹ. Vinaconex Hoàng Thành đã đầu tư góp vốn 128 tỷ đồng vào VIDC và cũng là đơn vị thi công xây lắp một số hạng mục của Dự án ParkCity với giá trị gói thầu 178 tỷ đồng.

Theo báo cáo tài chính của Vinaconex Hoàng Thành, tính đến 30/6/2012, Công ty chỉ còn 823 triệu đồng tiền và các khoản tương đương tiền, nợ phải trả là 29 tỷ đồng. Năm 2011, công ty này lỗ 3,4 tỷ đồng.

Đối tác ngoại được quảng cáo rất hoành tráng trong dự án này. Tuy nhiên, truy cập trang website của Perdana Parkcity (S) Pte Ltd, thông tin về công ty này, cũng như năng lực tài chính rất mờ nhạt. Dự án lớn nhất của Perdana Parkcity tại Malaysia là Desa ParkCity, có vị trí cách trung tâm Kuala Lumpur 13 km. Trong phần các dự án quốc tế của Công ty, chỉ nêu duy nhất Dự án ParkCity tại Hà Nội.

Câu hỏi đặt ra là liệu Perdana Parkcity có đủ năng lực tài chính để thực hiện dự án tại Hà Nội như các bên đã quảng cáo, hay chỉ tận dụng vốn của ngân hàng và huy động từ các khách hàng Việt Nam để bây giờ khi gặp khó khăn, Dự án phải tạm ngưng?