Nhiều cán bộ cao cấp Bình Dương "chìm" cùng Tổng công ty 3/2

0:00 / 0:00
0:00
Ủy ban Kiểm tra Trung ương vừa đề nghị xem xét kỷ luật Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam cùng nhiều nguyên lãnh đạo tỉnh, liên quan sai phạm đất đai ở Tổng công ty 3/2.
Dự án Khu đô thị thương mại dịch vụ Tân Phú khiến nhiều lãnh đạo tỉnh Bình Dương bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị xử lý kỷ luật.

Dự án Khu đô thị thương mại dịch vụ Tân Phú khiến nhiều lãnh đạo tỉnh Bình Dương bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị xử lý kỷ luật.

Hợp thức hóa để biến 43 ha đất công thành đất tư

Đây là vụ việc mà từ năm 2019-2020, Báo Đầu tư đã có nhiều bài điều tra phản ánh. Vậy doanh nghiệp này đã làm những gì và được “tiếp sức” thế nào?

Tổng công ty Sản xuất - xuất nhập khẩu Bình Dương (Tổng công ty 3/2) là một trong 3 “đại gia” 100% vốn nhà nước lớn nhất tại địa phương, trực thuộc Tỉnh ủy Bình Dương quản lý.

Hồ sơ chúng tôi thể hiện, sau khi “Đền bù mặt bằng đất đai và đầu tư công trình tạo lực” với Ban quản lý Dự án Khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị Bình Dương, Tổng công ty 3/2 xin Tỉnh ủy Bình Dương liên doanh để làm dự án trên diện tích 43 ha được “trích” ra trong hơn 567 ha đất.

Tháng 8/2010, Tỉnh ủy Bình Dương có Văn bản 1830 đồng ý chủ trương cho Tổng công ty góp vốn cùng Công ty Âu Lạc lập liên doanh Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Tân Phú (Công ty Tân Phú) để làm Dự án Khu đô thị thương mại dịch vụ Tân Phú (Dự án Tân Phú) trên khu đất. Trong đó, Tổng công ty 3/2 góp vốn 60 tỷ đồng bằng tiền mặt, chiếm 30% vốn điều lệ, còn Công ty Âu Lạc góp 140 tỷ đồng, chiếm 70% vốn điều lệ.

Tuy nhiên, tới tháng 12/2016, Tổng công ty đã bán đứt 43 ha đất cho Công ty Tân Phú với giá trên 581.000 đồng/m2, thu về hơn 250 tỷ đồng.

Trong khi đó, đây là đất công và mục tiêu là để liên doanh làm dự án. Việc bán đứt đất công không qua bất kỳ một cơ quan định giá hay tổ chức đấu giá nào của Tổng công ty 3/2 là trái luật.

Đó là chưa nói, theo điều tra của Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an thì Tổng công ty 3/2 đã bán với giá thấp hơn giá quy định của UBND tỉnh Bình Dương, gây thất thoát ngân sách hơn 126 tỷ đồng.

Điều đáng nói, bán đất từ năm 2016, nhưng tới tháng 3/2017, trong văn bản xin chuyển nhượng phần vốn góp 30% cho Công ty Âu Lạc, Tổng công ty 3/2 lại nói chỉ “chuyển giao khu đất” nhằm “thuận lợi trong quá trình thực hiện hợp đồng về điều khoản giao khu đất 43 ha”.

Còn việc xin thoái 30% vốn góp, Tổng công ty lý giải là để Công ty Âu Lạc được sở hữu 100% dự án thì sẽ chủ động hơn trong việc triển khai sản xuất, kinh doanh, mang lại hiệu quả.

Thế nhưng, ngày 17/4/2017, ông Trần Văn Nam, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương, chủ trì cuộc họp giao ban Thường trực Tỉnh ủy với sự tham dự của các ông Phạm Văn Cành, Phó bí thư Thường trực; Trần Thanh Liêm, Phó bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương. Tại cuộc họp, ông Nam đã “đồng ý chủ trương cho Tổng công ty được chuyển nhượng 30% vốn góp tại Công ty Tân Phú”.

Sau đó, ngày 20/4/2017, ông Phạm Văn Cành đã ký Thông báo Kết luận số 287-TB/TU thể hiện Thường trực Tỉnh ủy đồng ý chủ trương cho Tổng công ty 3/2 chuyển nhượng 30% vốn góp. Thông báo này lại thêm câu chữ “Tổng công ty phải thuê đơn vị tư vấn độc lập thẩm định giá đất làm cơ sở đàm phán ký hợp đồng chuyển nhượng”, chẳng khác gì hợp thức hóa việc bán 43 ha đất công và giúp Tổng công ty 3/2 nhập nhèm đưa được 43 ha đất công vào vốn góp 30%.

Nhờ vậy, 4 tháng sau, tháng 8/2017, Tổng công ty 3/2 bán xong 30% vốn góp cho Công ty Âu Lạc với giá trên 161 tỷ đồng, giúp công ty này toàn quyền định đoạt 43 ha công sản.

Sau khi nắm trọn, Công ty Âu Lạc không tiếp tục triển khai dự án, mà “sang tay” cho Công ty Kim Oanh.

Theo xác định của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, ông Nam thực hiện trái chủ trương về phương án sử dụng 43 ha đất tại Tổng công ty 3/2; hợp thức việc chuyển nhượng trái phép Dự án Tân Phú cho tư nhân.

Còn ông Trần Thanh Liêm (nguyên Phó bí thư Tỉnh ủy, nguyên Bí thư Ban Cán sự Đảng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương) thì chịu trách nhiệm trong việc bổ sung văn bản nhằm hợp thức việc chuyển nhượng trái phép Dự án Tân Phú cho tư nhân.

Ông Nguyễn Văn Đông, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy TP. Thủ Dầu Một, nguyên Chánh văn phòng Tỉnh ủy; ông Ngô Dũng Phương, Đảng ủy viên, Trưởng phòng Tài chính Đảng, Văn phòng Tỉnh ủy, chịu trách nhiệm trách nhiệm trực tiếp trong việc bổ sung văn bản nhằm hợp thức việc chuyển nhượng trái phép Dự án Tân Phú cho tư nhân.

Trợ lực cho việc chuyển hóa của công sang “sân sau”

Không chỉ khu đất 43 ha nêu trên, ngày 12/10/2007, ông Nguyễn Văn Minh (nguyên Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty 3/2) đã ký Hợp đồng liên doanh với 2 công ty Hàn Quốc (International Construction Co., Ltd và K Source Solutions Co., Ltd) để lập ra Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Tân Thành (Công ty Tân Thành) nhằm thực hiện dự án sân golf trên diện tích hơn 145 trong Khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị Bình Dương.

Trong đó, Tổng công ty 3/2 góp 30% (9 triệu USD) nhưng bằng sổ đỏ hơn 145 ha đất công; International Construction Co., Ltd góp 6,3 triệu USD và K Source Solutions Co., Ltd góp 14,7 triệu USD.

Năm 2007, UBND tỉnh Bình Dương đã chấp thuận chủ trương và cấp giấy chứng nhận đầu tư cho liên doanh Công ty Tân Thành.

Tới năm 2011, 2 công ty Hàn Quốc bỗng chuyển nhượng toàn bộ vốn góp cho 2 công ty Việt Nam là Công ty TNHH Phát Triển và Công ty cổ phần Hưng Vượng (trụ sở tại Bình Dương).

Tháng 4/2011, Công ty Tân Thành nộp hồ sơ và được UBND tỉnh Bình Dương cấp lại giấy chứng nhận điều chỉnh. Lúc này liên doanh Công ty Tân Thành gồm Tổng công ty 3/2 vẫn giữ 144 tỷ đồng bằng quyền sử dụng đất, chiếm 30% vốn góp. Còn lại 70% là Công ty cổ phần Hưng Vượng và Công ty TNHH Phát Triển. Liên doanh lần này do ông Nguyễn Văn Minh làm đại diện theo pháp luật rồi kiêm luôn Chủ tịch HĐQT.

Nhưng bất ngờ đã xảy ra, 2 công ty vừa trở thành liên doanh với Tổng công ty 3/2 tưởng lạ hóa… quen khi ông Minh chính là Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Hưng Vượng (chiếm 38% vốn trong liên doanh). Trong đó, ông Minh lại là cổ đông lớn (chiếm 15,07%) và nắm số cổ phần nhiều nhất (trên 1 triệu cổ phần).

Còn Công ty TNHH Phát Triển (chiếm 32% vốn liên doanh) ở thời điểm năm 2011 cũng không xa lạ, khi Chủ tịch Hội đồng thành viên, người đại diện theo pháp luật lại là bà Nguyễn Thục Anh, con ông Nguyễn Văn Minh.

Trong Công ty TNHH Phát Triển lại còn có nhiều người làm trưởng hoặc thành viên Ban kiểm soát hoặc Giám đốc điều hành xuất thân từ Công ty Hưng Vượng và Tổng công ty 3/2 như Trần Nguyên Vũ, Giám đốc tài chính Tổng công ty 3/2, kiêm thành viên HĐQT Công ty Hưng Vượng.

Tới ngày 4/4/2017, liên doanh Công ty Tân Thành họp Hội đồng cổ đông bất thường và tất nhiên với 3 đại biểu cổ đông chiếm 100% cổ phần có quyền biểu quyết lại là Tổng công ty 3/2, Công ty Hưng Vượng và Công ty TNHH Phát Triển nên tất nhiên 100% đồng ý nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất trị giá… 6 USD/m2 từ Tổng công ty 3/2.

Tới tháng 6/2017, Tổng công ty 3/2 và liên doanh Công ty Tân Thành lập Hợp đồng góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất.

Đáng nói, việc xác định giá trị quyền sử dụng đất tại thời điểm góp vốn (Hợp đồng năm 2017) lại hơn 139 tỷ đồng, tức bằng với giá đất Tổng công ty và 2 đối tác ngoại “hụt” tự định ra từ 10 năm trước: năm 2007, định giá 6 USD, tức 96.000 đồng/m2 thời điểm đó.

Rốt cục, dưới chiêu bài đem đất công liên doanh rồi hợp thức hóa thay vì đấu giá theo quy định, hơn 145 ha đất công giao cho Tổng công ty 3/2 đã “chui” gọn vào tay liên doanh mà thực chất là các công ty sân sau, công ty “người nhà” của lãnh đạo Tổng công ty 3/2 với giá rẻ bèo.

Theo xác minh của Ủy ban kiểm tra Trung ương, ở vụ việc này, ông Trần Văn Nam chịu trách nhiệm trực tiếp khi để Tổng công ty 3/2 đưa 145 ha đất góp vốn vào Công ty Tân Thành trái pháp luật.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương (UBKTTƯ) đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, thi hành kỷ luật Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương nhiệm kỳ 2015 - 2020, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh nhiệm kỳ 2016 - 2021 và các ông Trần Văn Nam, Phạm Văn Cành, Trần Thanh Liêm, Nguyễn Thanh Trúc, Trần Xuân Lâm.

UBKTTƯ cũng thi hành kỷ luật cảnh cáo ông Nguyễn Văn Đông; cách tất cả các chức vụ trong Đảng đối với 2 ông Võ Văn Lượng, Ngô Dũng Phương; khai trừ ra khỏi Đảng các ông Lê Văn Trang, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bình Dương; Võ Thanh Bình, nguyên Phó bí thư Đảng ủy, nguyên Phó cục trưởng Cục Thuế tỉnh; và các nguyên lãnh đạo Tổng công ty 3/2, gồm: Nguyễn Văn Minh, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị; Trần Nguyên Vũ, nguyên Tổng giám đốc; Huỳnh Công Phát, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên thành viên Hội đồng thành viên, nguyên Phó tổng giám đốc; Huỳnh Thanh Hải, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh, nguyên Phó tổng giám đốc; Nguyễn Thế Sự, nguyên Trưởng ban Kiểm soát Tổng công ty.

UBKTTƯ yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương xem xét, xử lý kỷ luật các tổ chức đảng, đảng viên có liên quan đến các vi phạm trên theo quy định.

Liên quan sai phạm khu 43 ha, tính đến thời điểm này, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố tổng cộng 12 bị can trong vụ án gồm 3 cán bộ thuế tỉnh Bình Dương và 7 lãnh đạo, cán bộ của Tổng công ty 3/2, cùng về tội danh vi phạm quy định về quản lý tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Tin từ Tỉnh ủy Bình Dương, tính đến thời điểm này, Tổng công ty 3/2 và Công ty Âu Lạc đã nộp tổng cộng hơn 252 tỷ đồng tiền chênh lệch giá chuyển nhượng khu đất 43 ha. Còn dự án 145 ha, các cổ đông có văn bản gửi Bình Dương xin nhượng lại cổ phần cho doanh nghiệp 100% vốn nhà nước theo giá gốc sổ sách. Trước đó, khi Báo Đầu tư cùng nhiều cơ quan ngôn luận điều tra phản ánh vụ việc, cả Tổng công ty 3/2 và Công ty Âu Lạc đều cho rằng báo nói sai, việc mua bán chuyển nhượng là đúng luật…

Tin bài liên quan