Bà Hoàng Thị Lan Anh, Phó trưởng ban Cải cách và Hiện đại hóa (Tổng cục Thuế) .
Rất nhiều người bất ngờ khi Báo cáo Môi trường kinh doanh 2019 (DB2019) do WB thực hiện đã đánh tụt thứ hạng Chỉ số nộp thuế của Việt Nam từ vị trí thứ 86 năm 2018, xuống vị trí 131/190 nền kinh tế của năm 2019. Bà đánh giá sao về điều này?
Trước hết, phải khẳng định rằng, trong DB2019, WB chấm Chỉ số nộp thuế của Việt Nam đạt 62,87 điểm, tăng 1,75 điểm so với DB2018 (đạt 61,12 điểm sau khi WB tính toán lại). Đây là năm thứ 5 liên tiếp, các cải cách về thuế được ghi nhận trong Báo cáo Môi trường kinh doanh.
Đánh giá về Chỉ số nộp thuế, WB căn cứ vào 4 tiêu chí, gồm số giờ nộp thuế; số lần nộp thuế trong năm; tổng mức thuế suất trên lợi nhuận; chỉ số sau kê khai - đánh giá việc hoàn thuế giá trị gia tăng và thanh tra, kiểm tra thuế thu nhập doanh nghiệp.
4 tiêu chí thành phần này có mức độ quan trọng như nhau trong xếp hạng Chỉ số nộp thuế và việc đánh giá được dựa trên các quy định đã ban hành và đi vào thực hiện trong năm 2017 (độ trễ của chính sách là 2 năm).
Theo đánh giá của WB, năm 2019, hầu hết các chỉ số này đều có sự cải thiện so với năm trước đó, nhờ những nỗ lực của Việt Nam trong cải thiện thủ tục nộp thuế.
Nhưng thực tế thì Chỉ số nộp thuế của Việt Nam vẫn tụt tới 45 bậc, thưa bà?
Như tôi đã nói, Chỉ số nộp thuế căn cứ vào 4 tiêu chí có mức độ quan trọng như nhau. Về thời gian nộp thuế, DB2019 vẫn tính tổng số thời gian nộp thuế của Việt Nam là 498 giờ, trong đó thuế 351 giờ, bảo hiểm xã hội là 147 giờ, không thay đổi so với DB2018. Số lần nộp thuế được ghi nhận là 10 lần (trong đó có một lần tính cho bảo hiểm xã hội), giảm được 4 lần so với năm 2018 nhờ việc áp dụng kê khai, nộp thuế bằng phương thức điện tử.
Tổng mức thuế suất trên lợi nhuận là 37,8% (trong đó thuế chỉ có 13,3%, còn bảo hiểm xã hội 24,5%), giảm 0,3% do giảm mức đóng góp của doanh nghiệp vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng được thực hiện kể từ ngày 1/6/2017.
Trong 4 tiêu chí để xếp hạng, thì một tiêu chí không thay đổi, 2 tiêu chí có sự cải thiện so với DB2018. Như vậy, nguyên nhân cơ bản dẫn tới Chỉ số nộp thuế năm 2019 tụt hạng là do tiêu chí thứ tư - Chỉ số sau kê khai.
Bà có thể nói rõ hơn?
Chỉ số sau kê khai (Post Filling) là chỉ số mới được đưa vào chấm điểm từ năm 2017, đánh giá dựa trên các yếu tố thành phần là hoàn thuế giá trị gia tăng đối với trường hợp doanh nghiệp có số thuế đầu vào lớn hơn đầu ra và thanh tra/kiểm tra do doanh nghiệp kê khai sai thuế thu nhập doanh nghiệp.
Trong DB2019, Chỉ số sau kê khai đạt 49,08 điểm, giảm 46,63 điểm so với DB2018, dẫn đến làm giảm thứ hạng của Chỉ số nộp thuế của Việt Nam.
Nguyên nhân là do Luật 106/2016/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế (có hiệu lực từ 1/7/2016) quy định, trường hợp doanh nghiệp có lũy kế thuế giá trị gia tăng đầu vào chưa được khấu trừ hết (không phải dự án đầu tư hoặc xuất khẩu) không được hoàn thuế giá trị gia tăng.
Trong khi đó, theo quy định cũ thì trước đây trường hợp này được hoàn thuế sau 12 tháng hoặc 4 quý, nên theo phương pháp tính của WB, thì Chỉ số hoàn thuế là điểm 0 cho cả 2 tiêu chí là thời gian làm hồ sơ hoàn thuế và thời gian nhận được tiền hoàn thuế.
Bà nói rằng, ngoài nguyên nhân kể trên, Chỉ số nộp thuế của Việt Nam trong DB2019 bị đánh tụt hạng còn do nhiều cải cách của Việt Nam chưa được ghi nhận. Cụ thể thế nào, thưa bà?
Số giờ nộp thuế của Việt Nam được WB xác định là 498 giờ, không giảm so với năm 2018. Nguyên nhân là do một số cải cách về thể chế, chính sách và thủ tục hành chính thuế đã có hiệu lực thực hiện từ năm 2015-2016, nhưng chưa được ghi nhận.
Chẳng hạn như việc bỏ Bảng kê hóa đơn hàng hóa, dịch vụ mua vào, bán ra, kèm theo Tờ khai thuế giá trị gia tăng có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015. Hiện tại, doanh nghiệp không phải gửi Bảng kê hóa đơn cho cơ quan thuế, nhưng trong DB2019 vẫn tính thời gian doanh nghiệp phải lập Bảng kê hóa đơn mất 90 giờ…
Về thời gian nộp thuế được WB ghi nhận trong DB2019 là 498 giờ (trong đó thuế 351 giờ, bảo hiểm xã hội 147 giờ) - không thay đổi so với DB2017 và DB2018. Nhưng phân tích cụ thể hơn thì thấy, trong tổng số thời gian nộp thuế 351 giờ, thì có đến 334 giờ doanh nghiệp dành cho việc tính toán số liệu và chuẩn bị tờ khai.
Thời gian dành cho việc nộp tờ khai và nộp thuế chỉ có 17 giờ/năm là do ngành thuế đã triển khai hàng loạt dịch vụ khai thuế, nộp thuế bằng phương thức điện tử, kết quả là hiện có 99,92% tổng số doanh nghiệp thực hiện khai thuế điện tử và 97,8% số doanh nghiệp đã đăng ký nộp thuế điện tử.
DB2019 xác nhận doanh nghiệp mất 9 lần nộp thuế (giảm 4 lần so với DB2018), trong đó có 5 lần nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Nhưng trên thực tế, kể từ 1/1/2015, doanh nghiệp chỉ phải khai thuế thu nhập doanh nghiệp một lần trong năm (quyết toán năm) thay vì 5 lần như trước đây (tạm khai theo quý và khai quyết toán năm).
Trong năm 2017, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã thực hiện cải cách thủ tục hành chính lĩnh vực thu và cấp sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế, nhưng cũng chưa được ghi nhận.
Những cải cách về thể chế, chính sách và thủ tục hành chính thuế của Việt Nam sẽ được WB ghi nhận khi công bố DB2020 hoặc các năm sau. Nhưng thưa bà, để giảm thời gian nộp thuế xuống còn 171 giờ/năm theo yêu cầu của Chính phủ thì những cải cách trên vẫn chưa đủ?
Chính vì vậy, cần phải sửa đổi Luật Quản lý thuế để hoàn thiện cơ sở pháp lý về quản lý thuế, đảm bảo thực hiện quản lý thuế dựa trên rủi ro, đơn giản hóa các quy trình thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế và phù hợp thông lệ quốc tế.
Tổng cục Thuế tiếp tục nghiên cứu, tổng hợp vướng mắc, tồn tại về cơ chế chính sách thuế giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp, các quy định về hóa đơn bán hàng, chế độ kế toán doanh nghiệp... để kiến nghị, trình các cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung nhằm đơn giản hóa các quy định, thu hẹp khoảng cách giữa thuế và kế toán để giảm giờ cho doanh nghiệp.
Ngành thuế tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện các chương trình cải cách, hiện đại hóa công tác quản lý thuế, trong đó tập trung vào giải pháp cung cấp dịch vụ thuế điện tử (đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế) và chuẩn bị các điều kiện để triển khai hóa đơn điện tử vào năm 2020.