Tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn trái phiếu vẫn hạn chế

Tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn trái phiếu vẫn hạn chế

Nhiều bộ ngành, địa phương báo cáo giải ngân qua... điện thoại

Báo cáo tình hình giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có 18 bộ, ngành và 19 địa phương thực hiện báo cáo qua email, điện thoại. Trong 5 tháng đầu năm, ước khối lượng vốn đầu tư công đã giải ngân gần 82.000 tỷ đồng trên tổng số hơn 251.000 tỷ đồng kế hoạch năm 2016 Thủ tướng Chính phủ đã giao.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có báo cáo tình hình giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, trong đó cho biết, đến ngày 29/6/2016, Bộ đã nhận được báo cáo của 53/56 bộ, ngành trung ương với 35 báo cáo bằng văn bản kết quả giải ngân và 18 báo cáo qua email, điện thoại.

Tất cả 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã có báo cáo, trong đó, báo cáo bằng văn bản là 44 địa phương; báo cáo qua email, qua điện thoại là 19 địa phương.

Tổng số vốn đầu tư kế hoạch năm 2016 Quốc hội thông qua là gần 255.000 tỷ đồng. Đến ngày 12/5/2016, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định giao 251.450 tỷ đồng, còn lại chưa giao kế hoạch gần 1.500 tỷ đồng (không bao gồm hơn 712 tỷ đồng vốn chương trình mục tiêu quốc gia chưa giao kế hoạch).

Theo báo cáo của 51 bộ, ngành trung ương và 63 địa phương, 5 tháng đầu năm đã giải ngân được gần 82.000 tỷ đồng trên tổng số hơn 251.000 tỷ đồng kế hoạch năm 2016 Thủ tướng Chính phủ đã giao, đạt 32,6% kế hoạch, cao hơn gấp rưỡi so với số báo cáo của Bộ Tài chính báo cáo ngày 15/6, tương đương tỷ lệ giải ngân cùng kỳ năm trước. Nếu tính theo số tuyệt đối thì số vốn giải ngân nguồn NSNN năm 2016 tăng 26,5% so với cùng kỳ năm trước .

Một điểm đáng chú lưu ý là trong 5 tháng đầu năm 2016, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư đó là, so với khối lượng thực hiện, có khoảng 6.000 tỷ đồng vốn đã thực hiện, nhưng chưa được thanh toán, giải ngân. Hầu hết vốn kế hoạch bố trí cho các chương trình mục tiêu quốc gia 5 tháng đầu năm chưa được giải ngân do chương trình chưa được phê duyệt chính thức và cũng chưa có hướng dẫn tạm thời của bộ chủ chương trình.

Tổng số vốn trái phiếu Chính phủ kế hoạch năm 2016 là 60.000 tỷ đồng, đến nay Thủ tướng Chính phủ đã giao là gần 40.600 tỷ đồng, số vốn còn lại chưa giao là trên 19.400 tỷ đồng, chủ yếu là vốn dư Quốc lộ 1A và Quốc lộ 14 đang rà soát để điều chuyển cho dự án khác; vốn đầu tư các dự án của chương trình kiên cố hóa trường lớp học mầm non; các dự án các Bộ, ngành trung ương và địa phương đề nghị điều chuyển cho các dự án khác từ số vốn chưa giải ngân kế hoạch các năm 2012 - 2015; các dự án dự kiến điều chỉnh kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014 - 2016 để bố trí cho hạng mục mới (phải báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội cho phép)...

Theo báo cáo của 4 bộ và 51 địa phương, 5 tháng đầu năm đã giải ngân được gần 7.000 tỷ đồng trên 38.700 tỷ đồng vốn kế hoạch năm 2016, đạt 18%.

Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vốn trái phiếu Chính phủ kế hoạch năm 2016 giải ngân 5 tháng đầu năm là thấp so với yêu cầu. Trong đó, đáng lưu ý, một số đơn vị đạt kết quả giải ngân rất thấp, như: Bộ Quốc phòng đạt 9,8%, Sơn La đạt 1,1%, Phú Thọ đạt 2,6%, Hà Nội đạt 2,9%, Tiền Giang 2,3%...

Vốn trái phiếu Chính phủ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến nay các địa phương chưa giao vốn chi tiết cho từng dự án cụ thể do Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới chưa được phê duyệt và cũng chưa có hướng dẫn tạm thời của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Để tháo gỡ các khó khăn trong việc giao vốn kế hoạch năm 2016 cho các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án chưa được giao vốn kế hoạch đầu tư công năm 2016, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ ban hành Nghị quyết của Chính phủ về đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2016

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chính phủ cần yêu cầu các bộ, ngành Trung ương trước ngày 15/7/2016, phân giao chi tiết hết số vốn còn lại của kế hoạch đầu tư công năm 2016 đã được Thủ tướng Chính phủ giao. Làm rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân gây chậm trễ trong việc giao vốn chi tiết tới các đơn vị cơ sở

Thường xuyên rà soát, chỉ đạo chủ đầu tư, ban quản lý dự án xem xét năng lực nhà thầu, nếu không đáp ứng được kế hoạch đề ra, vi phạm nghiêm trọng các điều khoản hợp đồng đã ký kết thì kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật; trường hợp cần thiết, trình cấp có thẩm quyền lựa chọn nhà thầu khác thay thế.

Tin bài liên quan