Nhiều tồn tại
Thông tin từ Bộ Công an cho hay, toàn quốc hiện có 1.182.722 cơ sở thuộc diện quản lý nhà nước về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, trong đó có 220.924 cơ sở thuộc danh mục do cơ quan Công an quản lý, chiếm 18,68% tổng số cơ sở (87.002 cơ sở nguy cơ cháy nổ cao) và 961.798 cơ sở thuộc danh mục do chủ tịch UBND cấp xã quản lý, chiếm 81,32% tổng số cơ sở.
Về phân loại cơ sở theo lĩnh vực, có 486.118 cơ sở thuộc lĩnh vực nhà ở, văn phòng, đa năng; 145.918 cơ sở thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch; 179.016 cơ sở thuộc lĩnh vực thương mại, dịch vụ; 57.931 cơ sở thuộc lĩnh vực công nghiệp nhẹ; 52.629 cơ sở thuộc lĩnh vực giáo dục; 45.413 cơ sở thuộc lĩnh vực xăng dầu, dầu khí; 28.908 cơ sở thuộc lĩnh vực y tế; 24.192 cơ sở thuộc lĩnh vực giao thông vận tải; 8.827 cơ sở thuộc lĩnh vực luyện kim và cơ khí chế tạo; 7.754 cơ sở thuộc lĩnh vực tài chính, ngân hàng; 5.947 cơ sở thuộc lĩnh vực năng lượng; 5.774 cơ sở thuộc lĩnh vực hóa chất; 5.589 cơ sở thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông; 2.823 cơ sở thuộc lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng và 1.993 cơ sở thuộc các lĩnh vực khác.
Qua kết quả kiểm tra từ tháng 10/2022 đến nay, phát hiện 306.708 thiếu sót, vi phạm về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (100.496 hành vi vi phạm quy định tại Nghị định số 144/2021/NĐ-CP), xử phạt đối với 40.238 trường hợp vi phạm với tổng số tiền phạt hơn 323 tỷ đồng.
Theo Bộ Công an, tồn tại vi phạm chủ yếu tập trung tại các đối tượng là cơ sở, hạ tầng kỹ thuật của các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp đã đưa vào khai thác, sử dụng trong thời gian dài, khu dân cư, làng nghề hiện hữu; cơ sở xây dựng không phép, trái phép trên đất dự án, đất nông nghiệp, hành lang bảo vệ rừng, đê, lưới điện, đất xen kẹt; cơ sở sản xuất, kinh doanh được chuyển đổi công năng sử dụng từ nhà ở hộ gia đình; cơ sở đã được nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy, nhưng sau đó cho thuê mặt bằng dẫn đến cải tạo, thay đổi tính chất sử dụng mà không thực hiện thẩm duyệt, nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy; cơ sở đưa vào hoạt động nhưng chưa được thẩm duyệt, nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy; cơ sở không thuộc diện thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy chữa cháy.
Có thể nói, đây là lần ra quân thuộc diện lớn nhất, tổng rà soát các vấn đề về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ. Từ đó, giúp xác định rõ thực trạng, có được các phương án phòng ngừa, chuẩn bị ứng phó tốt hơn khi có sự cố. Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, hiện tại, các yêu cầu về phòng cháy chữa cháy nhiều khi còn gây khó khăn cho doanh nghiệp trong công tác nghiệm thu do thiếu hướng dẫn chi tiết.
Lắm vướng mắc
Ông Nguyễn Anh Minh, Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc Tài chính, Công ty cổ phần Shinec - chủ đầu tư Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền (Hải Phòng) cho biết, hiện có nhiều tồn tại xung quanh công tác thẩm định, phê duyệt phòng cháy chữa cháy, chẳng hạn về công tác kiểm định thiết bị, vật tư, phương tiện.
Theo văn bản tham chiếu từ phụ lục VII – Nghị định 136/2020/NĐ-CP về Danh mục thiết bị phòng cháy chữa cháy phải kiểm định (thay thế cho Nghị định 79/2014), việc yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn, chất lượng trang thiết bị và năng lực nhà cung cấp nên nhiều chủng loại thiết bị (và cả vật tư) thuộc hệ thống phòng cháy chữa cháy phải nhập từ các nước châu Âu, dẫn đến chi phí tăng cao, thủ tục đặt hàng và nhập khẩu phức tạp, mất nhiều thời gian từ khi đặt hàng chuyển tiền cọc đến khi sản phẩm được thông quan đưa về kho tập kết.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần tập hợp đầy đủ hồ sơ gửi trình cơ quan chịu trách nhiệm kiểm định (Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ) kèm đơn đề nghị kiểm định. Sau thời gian thụ lý hồ sơ, tùy theo chủng loại/kích thước/đặc tính của đối tượng thiết bị cần kiểm định mà cơ quan kiểm định thực hiện nghiệp vụ tại kho của doanh nghiệp, hoặc doanh nghiệp phải vận chuyển thiết bị lên trụ sở cơ quan kiểm định, cá biệt có trường hợp là các thiết bị đặc thù (bơm, động cơ hệ thống...).
Trường hợp Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ không có đủ trang thiết bị thì phải đưa đến đơn vị chuyên ngành (Trường đại học Phòng cháy chữa cháy Việt Nam, Học viện Cảnh sát nhân dân) để thực hiện nghiệp vụ kiểm định. Không những vậy, vấn đề còn nằm ở việc nhân lực phụ trách công việc này của Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ có hạn (được biết hiện chỉ có hơn 20 nhân sự), trong khi phải thực hiện công tác kiểm định trên toàn quốc.
“Chu trình và thủ tục như trên đang là bất cập rất lớn, gây lãng phí thời gian, tiền bạc và cơ hội kinh doanh của các doanh nghiệp, tổ chức liên quan”, ông Minh nhấn mạnh.
Còn đại diện Tổng công ty IDICO cho hay, phòng cháy chữa cháy là công tác đều được các chủ đầu tư khu công nghiệp coi trọng và nghiêm túc thực hiện để đảm bảo an toàn, tài sản cho mình và khách thuê. Tuy nhiên, hiện tại, công tác thẩm định, cấp phép còn quá nhiêu khê, gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.
“Hiện nay, nhiều công trình đơn giản nhưng có quy mô vốn lớn hoặc các công trình loại A đều phải thẩm định và xin cấp phép ở cấp bộ về phòng cháy chữa cháy, khiến doanh nghiệp mất thêm nhiều thời gian, chi phí đi lại. Theo tôi, những nội dung này có thể giao cho các tỉnh, thành phố phụ trách thẩm định, phê duyệt là được, vì chuyên môn cấp tỉnh cũng có thể đáp ứng tốt các yêu cầu này. Làm được như vậy sẽ giúp tiết giảm chi phí và thời gian cho các chủ đầu tư”, đại diện IDICO nói.
Theo đại diện một số doanh nghiệp, hiện còn tồn tại bất cập trong công tác hướng dẫn, nghiệm thu phòng cháy chữa cháy. Ví dụ, doanh nghiệp xây dựng kho chứa hàng và phần phòng cháy chữa cháy đã được thẩm định, phê duyệt tại hồ sơ thiết kế xây dựng. Sau đó, doanh nghiệp thi công xong nhà kho và lắp đặt đầy đủ các trang thiết bị phòng cháy chữa cháy theo quy định. Thế nhưng, lúc doanh nghiệp nộp hồ sơ để nghiệm thu thì bị tắc, cơ quan chức năng không chấp thuận vì vướng thủ tục - không kiểm định được sơn chống cháy cho kèo thép ở khu vực nhà kho. Trong khi đó, việc kiểm định này phải do cơ quan nhà nước thực hiện. Cùng sử dụng một loại sơn chống cháy, các công trình thực hiện trước thời điểm Nghị định số 136/NĐ-CP ban hành vẫn nghiệm thu được, còn sau đó thì lại không được.
Hay với lĩnh vực bán lẻ, đại diện một số hãng bán lẻ lớn cho biết, việc kiểm soát chặt các tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy cũng đang gây nhiều cản trở. Khi các mặt bằng không đáp ứng tiêu chuẩn sẽ gây khó khăn cho khách thuê trong việc xin phê duyệt để cấp phép hoạt động. Điều này vô hình trung yêu cầu khách thuê cần thẩm định mặt bằng kỹ hơn, tránh trường hợp sau khi thi công nội thất không được phê duyệt dẫn đến phải đóng cửa. Hiện tại, các dự án khối đế trung tâm thương mại xây dựng theo quy chuẩn phòng cháy chữa cháy cũ đang phải lo cập nhật quy định mới và có hỗ trợ nhất định tới các khách thuê bán lẻ trong việc thực hiện quy trình thẩm định phòng cháy chữa cháy.
Ngoài ra, một tình trạng khá phổ biến khác là các mặt bằng bán lẻ cần đạt được phê duyệt về công năng bán lẻ hoặc thương mại dịch vụ, thay vì các công năng chuyển đổi từ các công năng khác sang, dẫn đến khách thuê không xin được giấy đăng ký kinh doanh hay phê duyệt phòng cháy chữa cháy cho mặt bằng sử dụng hiện hữu.
Bất cập trên diễn ra với cả bất động sản khu công nghiệp và bán lẻ, nếu chủ đầu tư muốn thu hút khách hàng thì cần có sự hỗ trợ nhất định để giúp khách thuê đáp ứng yêu cầu về pháp lý, bao gồm cả việc “chạy chọt” để thỏa mãn yêu cầu về phòng cháy chữa cháy.
Theo ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao bộ phận Tư vấn đầu tư, Savills Việt Nam, gần đây, UBND TP.HCM đã chủ trì nhiều cuộc họp với các sở để tìm ra giải pháp đền bù, giải tỏa, phê duyệt quy hoạch và kỹ thuật phòng cháy chữa cháy, nhưng gặp rào cản lớn là hành lang pháp lý còn chồng chéo.
Để giải quyết các vấn đề liên quan đến kỹ thuật phòng cháy chữa cháy, ông Khương cho rằng, cần một góc nhìn tổng quan và hướng giải quyết mang tính tổng thể hơn. Nếu cần thay đổi luật, cần trình Quốc hội thông qua và có sự chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ hoặc Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố để quyết định trong trường hợp cần thiết.