Tối 29/9, các nhà lập pháp tại Thượng viện Mỹ bất ngờ thông báo đã đạt được thỏa thuận chi tiêu ngắn hạn qua đó giúp chính phủ nước này phải đóng cửa vì hết ngân sách hoạt động.
Tuyên bố này được đưa ra sau khi Nhà Trắng cùng ngày cho biết chính quyền của Tổng thống Joe Biden đang chuẩn bị cho kịch bản đóng cửa chính phủ trong bối cảnh ngân sách hiện tại sẽ cạn kiệt vào ngày 30/9 (kết thúc tài khóa 2021), đồng thời cảnh báo hàng trăm nghìn người lao động sẽ tạm thời mất việc làm, các công viên, bảo tàng và dịch vụ liên bang khác đóng cửa...
Mặc dù ngăn được chính phủ đóng cửa tạm thời, Quốc hội Mỹ vẫn bế tắc trong vấn đề dỡ bỏ hoặc nâng trần nợ công trong bối cảnh nhiều tranh cãi xung quanh chương trình lập pháp của phe Dân chủ và chính quyền ông Biden.
Trong khi đó, điều trần trước Ủy ban dịch vụ tài chính Hạ viện, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen hôm thứ Năm tiếp tục cảnh báo chỉ còn chưa đầy 3 tuần để giải quyết vấn đề xung quanh mức trần nợ công đang tới hạn và nếu chính phủ Mỹ vỡ nợ, hậu quả gây ra là là không thể khắc phục, kéo theo khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế.
Mặt khác, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu bất ngờ tăng cao hơn dự báo trong tuần thứ ba liên tiếp. Theo Bộ Lao động Mỹ, số người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần trước tăng lên mức 362.000 đơn, nguyên nhân vẫn là do ảnh hưởng từ làn sóng dịch bệnh do biến thể delta gây ra.
Tăng trưởng kinh tế gần như chắc chắn chậm lại trong quý III do biến thể delta cũng như tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng. Tăng trưởng GDP Mỹ trong quý III ước tính dưới 5%.
Thị trường hiện sẽ tập trung xem xét dữ liệu chi tiêu của người tiêu dùng, lạm phát và hoạt động của các nhà máy dự kiến sẽ được công bố vào ngày 1/10.
Bộ ba chỉ số chính trên phố Wall đều đóng cửa phiên cuối cùng của tháng 9 trong sắc đỏ. Song trong phiên giao dịch ngoài giờ, S&P Futures, Dow Futures và Nasdaq Futures đang tăng tốt.
Trong tháng 9, S&P 500 và Nasdaq Composite lao dốc mạnh nhất kể từ tháng 3/2020, trong khi chỉ số Dow Jones có tháng tồi tệ nhất kể từ tháng 10/2020.
Quý III/2021, cả ba chỉ số chứng khoán chính của Mỹ đều có kết quả hoạt động hàng quý tồi tệ nhất kể từ đầu năm 2020, khi đại dịch Covid-19 bùng phát khiến nền kinh tế toàn cầu điêu đứng.
S&P 500 ghi nhận mức tăng khiêm tốn trong giai đoạn từ tháng 7 đến tháng 9, trong khi Nasdaq Composite và Dow Jones lỗ.
Kết thúc phiên 30/9, chỉ số Dow Jones giảm 546,80 điểm (-1,69%), xuống 33.843,92 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 51,92 điểm (-1,19%), xuống 4.307,54 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 63,86 điểm (-0,44%), xuống 14.448,58 điểm.
Trong tháng 9, chỉ số Dow Jones giảm 4,51%, chỉ số S&P 500 giảm 5,8%, chỉ số Nasdaq Composite giảm 5,76%. Trong quý III, chỉ số Dow Jones giảm 1,91%, chỉ số S&P 500 tăng 1,7%, chỉ số Nasdaq Composite giảm 0,51%.
Chứng khoán châu Âu quay lại đà lao dốc trong phiên ngày thứ Năm, bị kéo lùi bởi cổ phiếu du lịch và khai khoáng, kết thúc tháng 9 tồi tệ do lo ngại về nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại và lạm phát cao hơn.
Chỉ số STOXX 600 có tháng giảm đầu tiên sau 7 tháng ghi nhận thắng lợi.
Kết thúc phiên 30/9, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 21,74 điểm (-0,31%), xuống 7.086,42 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 104,58 điểm (-0,68%), xuống 15.260,69 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 40,79 điểm (-0,62%), xuống 6.520,01 điểm.
Kết thúc tháng 9, chỉ số FTSE 100 giảm 1,08%, chỉ số DAX giảm 3,66%, chỉ số CAC 40 giảm 3,59%. Kết thúc quý III, chỉ số FTSE 100 giảm 0,54%, chỉ số DAX giảm 2,20%, chỉ số CAC 40 giảm 0,52%.
Tại châu Á, Chứng khoán Nhật Bản giảm song tổng kết có tháng tốt nhất kể từ tháng 11/2020.
Chứng khoán Trung Quốc tăng trong bối cảnh hoạt động của các nhà máy tháng 9 yếu hơn dự kiến làm dấy lên hy vọng nới lỏng chính sách hơn từ Bắc Kinh.
Chứng khoán Hồng Kông giảm do cổ phiếu công nghệ kéo lùi sau khi Trung Quốc cho biết họ sẽ thiết lập các quy tắc quản trị cho các thuật toán trong khoảng ba năm.
Chứng khoán Hàn Quốc tăng, nhưng kết thúc tháng 9 giảm khi các nhà đầu tư e ngại tác động của chi phí năng lượng tăng vọt và sự sụp đổ có thể xảy ra ở tại China Evergrande.
Kết thúc phiên 30/9, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 91,63 điểm (-0,31%), xuống 29.452,66 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 31,87 điểm (+0,90%), lên 3.568,17 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 87,86 điểm (-0,36%), xuống 24.575,64 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 8,55 điểm (+0,28%), lên 3.068,82 điểm.
Kết thúc tháng 9, chỉ số Nikkei 225 tăng 4,85%, chỉ số Shanghai Composite giảm 0,80%, chỉ số Hang Seng giảm 5,81%, chỉ số KOSPI giảm 4,47%. Kết thúc quý III, chỉ số Nikkei 225 tăng 2,55%, chỉ số Shanghai Composite giảm 0,57%, chỉ số Hang Seng giảm 14,75%, chỉ số KOSPI giảm 6,82%.
Sau 2 phiên giảm, giá vàng đêm qua đảo chiều đi lên khi chứng khoán bị bán tháo, USD quay đầu giảm giá.
Kết thúc phiên 30/9, giá vàng giao ngay tăng 31,10 USD (+1,8%), lên 1.757,20 USD/ounce. Trong tháng, giá vàng giao ngay giảm 3,13%, trong quý giảm 0,73%.
Giá dầu ít thay đổi trong phiên ngày thứ năm khi nhiều nguồn thông tin cho biết Trung Quốc chuẩn bị mua thêm dầu và các nhiên liệu khác để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng, bù đắp áp lực giảm giá do tồn kho dầu thô của Mỹ và đồng USD tăng mạnh bất ngờ.
Kết thúc phiên 30/9, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI tăng 0,20 USD (+0,3%), lên 75,03 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,12 USD (-0,2%), xuống 78,52 USD/thùng.
WTI tăng 9,5% trong tháng 9 trong khi dầu Brent tăng 7,6%. Trong quý III, dầu WTI tăng 2,1%, dầu Brent tăng 4,5%.